Vừa qua, Bệnh viện Vũng Tàu đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân trẻ tuổi bị đột quỵ não.
Bệnh nhân là anh P.T.A., 21 tuổi, ngụ tại TP Vũng Tàu. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo, mạch, huyết áp bình thường, nói chuyện khó, cử động các chi bình thường.
Gia đình bệnh nhân cho biết, trước đó anh A. khỏe mạnh, đi làm bình thường. 2 ngày trước khi nhập viện, A. có những biểu hiện lạ như không ăn uống, không nói chuyện, nằm nhiều nên gia đình đưa vào bệnh viện.
Sau khi tiếp nhận, bác sĩ đã tiến hành khám lâm, làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chụp CT, MRI não phát hiện nhồi máu cấp nhân bèo - thùy đảo thái dương và 1 phần vỏ não thùy trán đính trái. Hiện nay, bệnh nhân đang được điều trị tại khoa Nội tổng hợp.
Cảnh báo đột quỵ có xu hướng trẻ hóa
Đột quỵ thường xảy ra ở người cao tuổi, tuy nhiên những năm gần đây, tỷ lệ người trẻ dưới 45 tuổi bị đột quỵ ngày càng tăng. Theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới, năm 2022 có đến 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi 15 - 49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới).
Ở Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số bệnh nhân là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Các bác sĩ chuyên ngành đột quỵ Bệnh viện Vũng Tàu cho biết: "Tỷ lệ đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa và gia tăng, trong đó nguyên nhân chủ yếu có thể do chế độ ăn uống quá nhiều chất béo và đường, bên cạnh đó là việc ít vận động, tập luyện… cũng tăng nguy cơ đột quỵ."
'Thời gian vàng' trong điều trị đột quỵ
Thời gian vàng trong điều trị đột quỵ là 4,5 tiếng, do đó việc nhận biết sớm được các triệu chứng của đột quỵ là vô cùng quan trọng.
Những người có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, thừa cân, béo phì hay đã từng bị đột quỵ, cần đi cấp cứu ngay nếu gặp các biểu hiện:
- đột ngột yếu, tê hay liệt mặt, tay hoặc chân (đặc biệt ở một bên của cơ thể);
- không nói được hoặc khó khăn trong nói hay hiểu lời nói, nói khó;
- đột ngột mất thị lực, đặc biệt chỉ ở một mắt;
- nhức đầu dữ dội
Bệnh đột quỵ ngày càng trẻ hóa nên bất cứ độ tuổi nào có những triệu chứng trên cũng cần được đi khám và xử trí kịp thời.
Để phòng ngừa đột quỵ, các bác sĩ khuyến cáo làm giảm các yếu tố nguy cơ bằng cách điều trị ổn định các bệnh lý tăng huyết áp, béo phì, tiểu đường, bệnh tim mạch, bỏ hút thuốc lá, giảm stress, tăng cường vận động thể lực và khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng.
Hoàng Nguyên (t/h)Bạn đang xem bài viết Dấu hiệu lạ giúp gia đình phát hiện chàng trai 21 tuổi bị đột quỵ tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].