Quy trình ướp trà sen cầu kỳ, tinh tế
Tại Quyết định số 2316/QĐ-BVHTTDL do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký ban hành, nghề ướp trà sen Quảng An (phường Quảng An, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Phường Quảng An với ưu thế 3 mặt giáp hồ Tây, có 157 ha mặt nước hồ Tây với 11 ao, hồ, đầm có thổ nhưỡng tốt, lớp bùn dày rất phù hợp cho sen bách diệp phát triển nên từ xa xưa, đây là nơi trồng sen và làm trà sen nổi tiếng.
Nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An có lịch sử lâu đời, trải qua nhiều giai đoạn lịch sử và minh chứng cho quá trình khai phá, tận dụng lợi thế của tự nhiên của con người nơi đây với giống sen bách diệp và biến nó trở thành danh trà của người Việt.
Trà sen không lạ nhưng lạ là phải đúng sen bách diệp trăm cánh được trồng ở khu vực Hồ Tây mới có thể ướp ra thứ trà tuyệt hảo. Mỗi năm vào mùa sen (từ tháng 6 – tháng 8), khi những búp sen bắt đầu nở rộ cũng là thời điểm các gia đình làm nghề ướp trà sen tại phường Quảng An lại tất bật vào vụ.
Vào mùa sen nở, từ tờ mờ sáng, khi những giọt sương đêm còn chưa tan, người dân ở Quảng An đã dậy thật sớm chèo thuyền nhỏ ra giữa đầm sen hái từng búp sen còn đẫm sương đêm. Từng bông sen được hái thật nhanh với những thao tác nhẹ nhàng để búp sen không nhàu nát.
Hoa sen hái từ đầm về được bứt cánh, lấy phần gạo màu trắng đục, nhỏ li ti đậu trên sợi chỉ vàng ở đầu nhụy hoa. Công đoạn lấy gạo sen là khó nhất. Người làm phải rất khéo léo, nhanh tay để hạt gạo sen không bị nát và bay mất hương thơm.
Sau khi thu được gạo sen thì đem đi ướp trà. Cứ một lớp trà lại rải một lớp gạo sen, ướp trong 1 đêm. Sau đó trà được đem sấy để giữ đẫm hương sen. Cách ướp này tuy rất tốn kém nhưng lại cho trà sen một mùi hương tinh khiết.
Bà Ngô Thị Thân (chủ thương hiệu Trà sen Bà Dần ở Tây Hồ) cho biết, để làm ra một cân trà ướp sen truyền thống cần đến 1.000-1.400 bông sen bách diệp tươi, qua nhiều lần vào hương, sấy trà, thời gian ra thành phẩm từ 15 - 21 ngày.
Chính vì được làm hết sức cầu kỳ, tinh tế, từ khâu chọn nguyên liệu (chọn trà, chọn sen) cho tới khâu sản xuất (lấy gạo sen, ướp trà, sấy trà…) nên từ lâu trà ướp sen Tây Hồ đã được xếp vào hàng quý hiếm, được mệnh danh là “thiên cổ đệ nhất trà”. Trà ướp sen Tây Hồ trở thành một đặc sản trong ẩm thực Hà Nội, là sự hòa quyện tuyệt vời giữa cái ngọt tinh tế của trà xanh và hương thơm nhẹ nhàng đến tinh khiết của hoa sen bách diệp Hồ Tây.
Lưu giữ nghề truyền thống
Hiện nay, tại Quảng An có nhiều hộ gia đình vẫn duy trì nghề ướp trà sen. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị đặc biệt, nghề ướp trà sen Quảng An hiện cũng đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức như diện tích trồng sen ngày càng bị thu hẹp khiến người Quảng An phải đi đến các vùng ngoại thành Hà Nội thuê đầm trồng sen như quận Bắc Từ Liêm, huyện Phú Xuyên, huyện Đông Anh, huyện Sóc Sơn...; ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của sen.
Bên cạnh đó, thị hiếu của người dùng, nhất là giới trẻ ngày càng ít quan tâm về trà và không thích uống trà; trà sen bông cũng đang dần lấn át trà sen khô.
Hơn nữa, có nhiều người vẫn chưa hiểu, trân trọng các giá trị, lợi ích văn hóa, tinh thần và thể chất của việc thưởng trà nói chung, trà ướp sen nói riêng.
Để khắc phục những hạn chế này, TP. Hà Nội đã có kế hoạch phát triển, mở rộng diện tích trồng sen bách diệp để tôn vinh giá trị sen hồ Tây, đồng góp phần giữ gìn nghề truyền thống ướp trà sen nơi đây.
Công tác nghiên cứu, tìm ra các giống trồng sen phù hợp với thời tiết khắc nghiệt, tăng cường sản xuất sản phẩm thứ cấp từ sen... cũng được thúc đẩy mạnh mẽ.
Nhằm khôi phục, phát triển và nhân rộng giống sen bách diệp, năm 2024, UBND quận Tây Hồ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, Viện Nghiên cứu Rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) triển khai dự án “Xây dựng mô hình mẫu sản xuất sen gắn với phát triển du lịch sinh thái theo chuỗi giá trị tại Tây Hồ, Hà Nội”.
Mô hình trồng sen bách diệp trên địa bàn quận Tây Hồ được triển khai thực hiện từ tháng 4 năm 2024, với diện tích 7 ha ở 2 hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ Trên (phường Quảng An), trồng 7.000 cây sen giống bách diệp, mỗi hồ là 3.500 cây sen giống.
Kết quả, sau 4 tháng triển khai, 100% hộ dân trồng sen trên địa bàn quận được tập huấn kỹ thuật về trồng sen bách diệp. Từ 7.000 cây sen giống, hai hồ Đầu Đồng và Thủy Sứ Trên đã tạo ra 55.000 bông, tỷ lệ bông sen bao phủ trên diện tích hồ là 90%, giá trị kinh tế ước tính đạt trên 350 triệu đồng. Từ những kết quả đạt được, quận Tây Hồ dự kiến sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trên các ao, hồ thuộc quận trong những năm tiếp theo.
Và việc nghề thủ công truyền thống ướp trà sen Quảng An được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tin vui để thành phố Hà Nội quyết tâm thực hiện các biện pháp bảo tồn, quảng bá và phát triển giá trị sen Tây Hồ, mở ra chặng đường mới cho nghề thủ công truyền thống độc đáo của đất kinh kỳ có cơ hội phát triển bền vững.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Nghề ướp trà sen Quảng An trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại chuyên mục Du lịch của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].