Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2328/QĐ-BVHTTDL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia món phở Hà Nội.
Trước đó, UBND TP.Hà Nội đã trình hồ sơ đề nghị ghi danh tri thức dân gian phở Hà Nội vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Theo hồ sơ thành phố Hà Nội đề xuất, chủ thể của món phở là những cá nhân, gia đình trực tiếp thực hành và nắm giữ những tri thức, kỹ năng, kỹ thuật, bí quyết chế biến phở; được trao truyền qua nhiều thế hệ thể hiện yếu tố tiếp nối bản sắc và thương hiệu được ghi nhận.
Hiện nay, tại 30/30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội có vô số cửa hàng phở từ cao cấp đến bình dân, từ các cửa hàng trên những con phố lớn đến các con ngõ nhỏ, khu dân cư...
Những thương hiệu phở gia truyền (có hơn 2 đời làm phở) thường chỉ chuyên bán phở bò hoặc phở gà tập trung chủ yếu trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng.
Phở không những là món ăn in sâu trong tâm thức của người Hà Nội mà gần như trở thành một biểu tượng cho nền ẩm thực phong phú của người Việt Nam và góp phần quảng bá ẩm thực Việt Nam ra quốc tế.
Hiện, phở đã trở thành danh từ riêng trong hàng loạt từ điển danh tiếng và hiện diện ở trên 50 quốc gia trên thế giới.
Tạp chí Business Insider đã bình chọn phở Việt là một trong những món phải ăn thử một lần trong đời đối với những người thích đi lịch trên thế giới.
Chuyên trang du lịch The Travel đã công bố danh sách 10 quốc gia có thức ăn ngon nhất thế giới, trong đó có món phở của Việt Nam.
Nhiều tài liệu ghi chép lại món phở tại Hà Nội được ra đời vào đầu thế kỉ XX. Từ năm 1907 đến 1910, phở vốn là một loại quà rong, được gánh đi rong và rao bán khắp phố phường Hà Nội.
Về nguồn gốc ra đời của món phở, đến nay, còn nhiều quan điểm khác nhau với 3 giả thuyết phổ biến: phở bắt nguồn từ món pot-au-feu của Pháp; phở có nguồn gốc từ món ngưu nhục phấn của người Hoa; phở có nguồn gốc từ món bún xáo trâu của người Việt.
Mặc dù nhiều địa phương trong cả nước có món phở, nhưng phở gắn bó lâu đời với cuộc sống người dân Hà Nội, trở thành thức quà phổ biến. Chính nhu cầu thưởng thức thường xuyên món phở của người dân Hà Nội lại tác động đến kỹ thuật nấu nướng của các chủ quán phở, khiến phở Hà Nội ngon hơn, đặc trưng hơn.
Món phở cũng thể hiện sự tinh tế của người Hà Nội không chỉ trong nấu nướng mà còn trong thưởng thức. Các chuyên gia ẩm thực, nhà nghiên cứu và cả các nhà văn, nhà thơ đều thừa nhận rằng: Phở là một thứ quà đặc biệt của Hà Nội, không phải chỉ riêng Hà Nội mới có, nhưng chính là vì chỉ ở Hà Nội mới ngon.
Để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể phở Hà Nội, thời gian tới, ngành chức năng tiếp tục triển khai đồng bộ các biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản thông qua hoạt động quảng bá, giới thiệu di sản; đẩy mạnh tuyên truyền, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu về di sản…
Đồng thời, huy động sự đóng góp, hỗ trợ của cộng đồng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm; tổ chức và giữ gìn, phát triển nghề nấu phở bền vững, chú trọng xây dựng thương hiệu “phở Hà Nội.
An AnBạn đang xem bài viết Phở Hà Nội được công nhận di sản phi vật thể quốc gia tại chuyên mục Xã hội của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].