Để khẳng định một người mắc COVID-19 cần phải tiến hành xét nghiệm Realtime RT-PCR. Vậy xét nghiệm PCR là gì và tại sao cần xét nghiệm PCR để phát hiện bệnh nhân COVID-19?
PCR (Chuỗi Phản ứng Polymerase, Polymerase Chain Reaction) là kỹ thuật phát hiện AND (hoặc ARN) của mầm bệnh hiện diện trong bệnh phẩm nhờ vào phản ứng chuỗi enzyme polymerase khuếch đại lên cả triệu lần trong một thời gian ngắn.
Nguyên lý hoạt động của PCR là dùng enzyme trùng hợp polymerase để nhanh chóng tạo ra một lượng lớn các bản sao từ một đoạn AND (ARN) chọn lọc.
Quy trình thực hiện PCR qua ba bước chính: biến tính; kết hợp và mở rộng (extension), lặp lại từ 30 - 40 chu kỳ. Chu trình được thực hiện trên một máy quay tự động, một thiết bị làm nóng nhanh và làm lạnh các ống nghiệm chứa hỗn hợp phản ứng. Kỹ thuật này được nhà khoa học người Mỹ Kary Mullis phát minh vào năm 1985.
Và phương pháp này đã nhanh chóng đóng góp rất lớn cho công nghệ sinh học do phản ứng rất nhạy và cho kết quả đặc hiệu.
Xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR thường có kết quả độ chính xác rất cao, nhưng giá thành đắt hơn các xét nghiệm khác do hầu hết hóa chất để làm phản ứng đều phải nhập ngoại và phải mua với giá cao.
Do đó, xét nghiệm PCR thường dùng để chẩn đoán những bệnh đặc hiệu, liên quan đến các loại virus mà những phương pháp vi sinh truyền thống không triển khai nuôi cấy được (hay nuôi cấy được nhưng độ nhạy thấp và kết quả chậm) như bệnh lao, các bệnh liên quan đến virus viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, H5N1, sốt xuất huyết, COVID-19...
Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng cho biết, để phát hiện một người có bị nhiễm virus SARS-COV2 hay không hiện nay xét nghiệm phổ biến nhất là xét nghiệm tìm kiếm các đoạn gen của virus bằng kỹ thuật PCR.
Ưu điểm của xét nghiệm này có thể phát hiện người nhiễm virus ở những giai đoạn rất sớm kể từ khi người bệnh chưa biểu hiện bệnh.
Vì vậy đây là xét nghiệm rất có giá trị được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo là xét nghiệm dùng để chẩn đoán một người có đang bị nhiễm bệnh hay không.
Nhưng phương pháp xét nghiệm này cũng tồn tại nhược điểm. Đó là xét nghiệm này đòi hỏi phải có phòng xét nghiệm được trang bị đủ phương tiện cần thiết, nhân viên được đào tạo chuyên sâu, và xét nghiệm này thường tốn kém và mất nhiều thời gian.
Vì vậy để thực hiện xét nghiệm này cho tất cả đối tượng nghi nhiễm là điều không hề dễ dàng và cần có thời gian.
Trước đó, Bộ Y tế đã có công văn thông báo về mức giá xét nghiệm COVID-19, giá xét nghiệm COVID-19 sẽ áp dụng mức giá quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 của Bộ Y tế.
Giá xét nghiệm đối với xét nghiệm bằng phương pháp Real-time PCR là 734.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm (theo dịch vụ số 1735 về xét nghiệm vi khuẩn/virus/vi nấm/ký sinh trùng Real-time PCR).
Giá xét nghiệm đối với trường hợp test nhanh là 238.000 đồng/1 mẫu xét nghiệm (theo dịch vụ số 1736 về xét nghiệm vi khuẩn/virus/vi nấm/ký sinh trùng test nhanh).