Rất nhiều kênh YouTube nhảm nhí kiểu Thơ Nguyễn thu hút một lượng lớn người xem, nhất là trẻ nhỏ. Vì sao trẻ bị hấp dẫn bởi những kênh nhảm nhí này?
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý độc lập Trần Thị Mạnh Linh cho rằng, các clip Thơ Nguyễn có nhiều trẻ em theo dõi vì các chủ đề khơi gợi sự tò mò, thích thú của trẻ. Cách dẫn chuyện của Youtuber gần gũi với trẻ.
Hơn nữa, trẻ em thường theo trào lưu đám đông. Một em thích rồi đi học chia sẻ nói chuyện một cách hào hứng làm các em khác cũng bị cuốn theo.
Khi mà có quá nhiều bạn bè nói về những nhân vật này thì trẻ cũng từng tò mò muốn vào xem một lần để biết. Và chúng cần theo dõi nhiều để có câu chuyện chung nói chuyện với bạn bè, nếu không sẽ lạc quẻ trong đám bạn, trở thành "tối cổ" trước bạn bè.
PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học giáo dục Đại học Giáo dục cũng phân tích, bản thân những đứa trẻ luôn có tâm lý khám phá, nhất là các bạn ở trong giai đoạn vị thành niên muốn khám phá tất cả khía cạnh của cuộc sống.
Các em thường có xu hướng tách dần ra khỏi bố mẹ và luôn cho rằng những điều bố mẹ nói chưa chắc đã đúng, muốn tự khám phá xem thế giới này là như thế nào.
Trong khi đó trên môi trường mạng, những nội dung tốt đẹp hiện có khá ít. Hơn nữa, những nội dung tốt đẹp thì lại không mới mẻ, không kích thích khiến người xem dễ cảm thấy nhàm chán, không có hứng thú.
Ngược lại, những hành vi sai, lệch lạc, nhảm nhí lại muôn hình muôn vẻ. Nó có rất nhiều thứ khác thường làm cho nội dung trở nên mới lạ, khơi gợi sự tò mò và thu hút người xem nhiều. Chính vì hiểu được tâm lý đó mà những kênh YouTube nhảm nhí ngày càng có "đất sống".
Các chuyên gia cho biết thêm, một điều đáng nguy hại là thường trẻ nhỏ có xu hướng tin vào những thứ đó một cách mù quáng.
Các hình ảnh, lời nói lặp đi lặp lại trong đầu sẽ trở thành một cái gì đấy mà trẻ chấp nhận và có thể thực hiện chúng vào cuộc sống thực.
Và chính vì vậy mà đã có không ít những đứa trẻ bị thương vì làm theo hướng dẫn trong clip trên mạng xã hội.
Từ việc trẻ bị hấp dẫn, lôi cuốn bởi những video nhảm nhí trên mạng xã hội khiến nhiều người đặt câu hỏi “liệu cha mẹ đã quan tâm trẻ đúng cách chưa?”.
Trả lời vấn đề này chuyên gia tâm lý Mạnh Linh cho rằng, nhiều cha mẹ có quan tâm đến trẻ nhưng lại chưa thực sự hiểu trẻ.
Cái mà chúng ta nên nhấn mạnh là cha mẹ nên nói chuyện với con, khi nói chuyện với con thì bỏ ngôi người lớn để "gia nhập" vào thế giới của con. Như thế sẽ có thể kịp thời hỗ trợ con trong các trường hợp có nguy hại.
Theo các chuyên gia, những clip của Thơ Nguyễn chỉ đại diện cho một phần nhỏ những nội dung độc hại trên mạng xã hội. Bởi vậy, điều cần làm là cha mẹ phải làm gương, giáo dục cho con tiếp xúc thường xuyên với các thiết bị điện tử biết những nội dung nào nên và không nên được xem.
Cha mẹ hãy cùng con trưởng thành thay vì mặc con tự trưởng thành rồi xảy ra chuyện gì ta lại chạy theo sửa chữa. Cũng đừng cấm túc để con phải lén xem, phải dối trá thì mới không bị bố mẹ mắng.
Hãy phân tích để trẻ hiểu và quan tâm đúng cách, giám sát sát sao sẽ biết được nội dung nào phù hợp để hạn chế được con xem những clip độc hại.