Trong đoạn clip được đăng tải, Thơ Nguyễn ôm 1 con búp bê với tên gọi Cư Ma Mập, tự xưng mình là "mẹ" và gọi búp bê là "con.
Cầm sợi dây chuyền đung đưa trước mặt búp bê, Thơ Nguyễn nói: "Mập ơi, bây giờ con nghe lời mẹ nè, ngày mai là các anh chị đi học rồi đấy, giờ con cầu cho các anh chị học giỏi nha. Nếu mà con cầu được lắc ngang, không cầu được lắc dọc, nói chung là cứ lắc tứ tung đi. Lắc cái đầu là mẹ cho ăn đòn tét mông ngay".
Tiếp đó, Thơ Nguyễn còn nói: “Trước khi cầu điều gì thì phải cho búp bê ăn uống đã. Bạn ấy rất thích uống nước ngọt Coca Cola. Chị thấy rất nhiều bạn Kumanthong uống nước ngọt bằng ống hút nhưng Mập nhà chị không cần".
Rồi YouTuber này bật lon Coca sủi bọt lên và cho rằng Cư Ma Mập uống tham như vậy thì các bạn sẽ học giỏi lắm đó...
Cuối đoạn clip Thơ Nguyễn có nói: "Lúc nãy chị có đăng clip xin vía học giỏi từ bạn cư ma mập, bạn cư ma mập của chị là búp bê thường nhá, không phải là búp bê ma đâu nhá các em cho nên là có xin thế nào cũng không được. Muốn học giỏi thì chúng ta chỉ có một cách duy nhất thôi đấy là siêng học".
Sau khi đoạn clip này được đăng tải, nhiều người cho rằng với những nội dung ở đoạn đầu clip sẽ làm lệch lạc suy nghĩ, méo mó hành động của trẻ nhỏ.
Trao đổi với Gia Đình Mới về vấn đề này, chuyên gia tâm lý độc lập Trần Thị Mạnh Linh chia sẻ: “Xem clip xin vía học giỏi từ búp bê của YouTuber Thơ Nguyễn tôi thấy rằng cô ấy có nói đến việc các em phải cố gắng học. Thơ Nguyễn có dùng bảng điểm của cá nhân để minh họa.
Tuy nhiên cô ấy dùng phương thức truyền đạt ma mãnh, thần thánh. Điều này thật nguy hại cho người xem, nhất là đối tượng xem Thơ Nguyễn chủ yếu là các em nhỏ tuổi”.
Vị chuyên gia tâm lý này phân tích rõ hơn, với trẻ nhỏ, các em thường có thần tượng và làm theo thần tượng của mình. Hơn thế nữa, các em chưa có đủ nhận thức để lọc thông tin cái gì nên giữ lại cái gì nên loại bỏ nên nếu học được từ thần tượng các em sẽ làm y nguyên như thế.
Trẻ nhỏ hiện nay do ảnh hưởng của mạng xã hội phổ biến và các phương tiện điện tử quá thông dụng nên các em bị ảnh hưởng đám đông. Khi thấy nhiều bạn like clip đó thì các em nhầm tưởng rằng nó đúng, mình được ủng hộ, ai cũng như mình... kích thích mạnh cho việc các em làm theo.
Và nếu một lượng lớn fan của kênh YouTube này làm theo Thơ Nguyễn thì quá nguy hiểm, có bao nhiêu nhà tâm lý học đường cũng gặp khó khăn.
Niềm tin chi phối cho cách nghĩ và cách làm của trẻ. Khi trẻ em bị đánh tráo niềm tin, thay vì tin vào khả năng bản thân, tin vào tri thức khoa học mà lại tin vào bùa ngải thì các em sẽ hành động theo đức tin lệch lạc đó.
Vì vậy, để trẻ học hỏi được những điều hay lẽ phải mà vẫn đảm bảo an toàn trước “rừng” thông tin trên mạng xã hội, chuyên gia tâm lý Mạnh Linh khuyên, cha mẹ không nên hoang mang khi đọc các thông tin, cũng tránh bị ảnh hưởng đám đông mà về cấm đoán con mình không cho dùng công nghệ.
Hiện tại có rất nhiều các kênh YouTube không riêng Thơ Nguyễn. Các kênh nhiều thì đương nhiên sẽ có kênh rác nhiều. Tuy nhiên đây là thời đại 4.0 vì thế trẻ cần phải biết công nghệ.
Theo chuyên gia tâm lý Mạnh Linh, cha mẹ đừng vì sợ rủi ro mà cấm, xóa, khóa. Trước tiên, cha mẹ đọc các thông tin hàng ngày và cùng con trao đổi để con nhận thức về sự phát triển đa dạng của công nghệ thông tin và các rủi ro có thể gặp phải.
Bên cạnh đó, cha mẹ cần dạy con các kĩ năng dùng công nghệ trước khi cho con dùng. Dạy con khi nào dùng, dùng trong bao lâu, các kênh nên dùng..., khi các con thuần thục kĩ năng thì cho dùng và có giám sát theo cách hợp lý (xem cùng con, cài một số trang được dùng trong máy...).
Ngoài ra, cha mẹ cũng nên có nội quy và hệ thống thưởng phạt rõ ràng khi con dùng Internet hợp lý hoặc vi phạm luật và thực hiện nghiêm túc.
An AnBạn đang xem bài viết YouTuber Thơ Nguyễn đăng clip xin vía học giỏi từ búp bê, chuyên gia tâm lý nói gì? tại chuyên mục Dạy con của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].