Trong bài phát biểu tại trường đại học Harvard mới đây, Giáo sư Karin Michels cảnh báo dầu dừa là: 'Một trong những thực phẩm tồi nhất'. Thậm chí, bà còn gọi dầu dừa là 'chất độc tinh khiết' đối với sức khỏe con người.
Dầu dừa được nhiều người ưa chuộng bởi nó không chỉ được sử dụng rộng rãi trong chế biến thực phẩm đồ ăn thức uống, mà còn là thành phần trong các sản phẩm làm đẹp da, dưỡng tóc... khá hiệu quả.
Tuy nhiên, công bố mới đây của Giáo sư Karin Michels - trường ĐH Harvard (Mỹ) lại cho thấy mặt trái của dầu dừa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người nếu sử dụng nhiều và lâu dài.
Cụ thể, trong nhiều sai lầm về dinh dưỡng mà Giáo sư Karin Michels chỉ ra, việc sử dụng dầu dừa như một "siêu thực phẩm" là sai lầm nhiều người mắc phải.
Dầu dừa được nhiều người cho là thực phẩm tốt cho sức khỏe, thậm chí có người tuyên bố nó tốt hơn hẳn so với các dạng chất béo khác. Dầu dừa được sử dụng trong nấu ăn, cho vào cà phê, sinh tố... Tuy nhiên Giáo sư Karin Michels lại cho rằng sử dụng dầu dừa không hề tốt cho sức khỏe.
Nguyên nhân là do trong dầu dừa nhiều chất béo bão hòa (saturated fat). Vấn đề này cũng đã được Tổ chức Tim mạch Anh (BHF) đề cập. Theo tổ chức BHF cho biết, hiện không có đủ nghiên cứu chất lượng tốt để trả lời dứt khoát về việc liệu dầu dừa có tốt hơn các chất béo bão hòa khác hay không.
Tuy nhiên điều chắc chắn là bạn nên chọn chất béo không bão hòa, như dầu thực vật hoặc dầu hướng dương.
Dầu dừa chứa tới 86% chất béo bão hòa - nhiều hơn cả chất béo bão hòa có trong bơ, chiếm khoảng 52%.
Số lượng quá nhiều chất béo bão hòa trong dầu dừa làm tăng cholesterol, có thể dẫn đến tắc nghẽn động mạch và bệnh tim.
Theo khuyến cáo của BHF, để tốt cho sức khỏe, bạn nên đổi từ các loại chất béo bão hòa như: bơ, dầu dừa, dầu cọ, mỡ lợn... sang dùng các chất béo không bão hòa như: dầu ô liu, dầu hạt cải hoặc dầu hướng dương.