Trẻ cận thị tiến triển trên 0,75 đi ốp/năm do xem tivi, điện thoại quá nhiều có nguy cơ bị mù loà

'Bình thường độ cận thị tăng theo thời gian khoảng 0,75 đi ốp/năm, nhưng nếu trẻ nào tăng vượt quá 0,75 đi ốp/năm được coi là cận thị tiến triển' - TS.BSCKII Trịnh Thị Bích Ngọc cho hay

Để giúp các bậc phụ huynh hiểu rõ hơn về bệnh cận thị tiến triển và biết cách phòng tránh bệnh cho trẻ, Gia Đình Mới đã có cuộc trao đổi với TS.BSCKII Trịnh Thị Bích Ngọc – Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội.

TS.BSCKII Trịnh Thị Bích Ngọc – Nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội

Xin bác sĩ cho biết, cận thị tiến triển được hiểu thế nào cho đúng?

Khái niệm cận thị tiến triển được dùng để chỉ tình trạng gia tăng độ cận của mắt ở trẻ trong độ tuổi học đường từ 6 đến dưới 18 tuổi.

Bình thường độ cận thị tăng theo thời gian khoảng 0,75 đi ốp/năm, nhưng nếu trẻ nào tăng vượt quá 0,75 đi ốp/năm được coi là cận thị tiến triển.

Nguyên nhân gây ra tình trạng cận thị tiến triển là gì, thưa bác sĩ?

Cận thị tiến triển là một dạng của cận thị nên nguyên nhân gây ra bệnh cũng giống như cận thị. Trong đó, nguyên nhân gây cận thị có đến 25% là do yếu tố di truyền, còn lại là do mắc phải.

Với các trường hợp trẻ cận thị do mắc phải, yếu tố nguy cơ gồm có thói quen xem tivi, chơi điện tử, sử dụng điện thoại di động, sử dụng máy vi tính, ngồi học không đúng tư thế, ngồi học thiếu ánh sáng…

Trẻ bị cận thị tiến triển khi các yếu tố bất lợi tác động nhiều hơn đến mắt, ví như trẻ chơi điện thoại, xem tivi nhiều hơn; trẻ thường xuyên ngồi học không đúng tư thế; góc học tập ánh sáng không phù hợp kéo dài…

Bệnh cận thị nói chung và cận thị tiến triển nói riêng cần được phát hiện và điều trị sớm để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm

Cha mẹ làm thế nào để biết được trẻ bị cận thị tiến triển?

Để phát hiện cận thị tiến triển ở trẻ, cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu như :

- Thị lực của trẻ kém, nhìn không rõ vật ở xa dù đang đeo kính

- Trẻ bị lác mắt, hay chảy nước mắt

- Theo dõi độ tăng của mắt trẻ sau những lần đi khám bác sĩ mắt và hỏi bác sĩ khi thấy mắt trẻ có những dấu hiệu bất thường.

Cận thị tiến triển gây ra biến chứng nguy hiểm gì?

Bệnh cận thị nói chung và cận thị tiến triển nói riêng cần được phát hiện và điều trị sớm. Bởi tình trạng cận thị tăng nhanh và kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng nhìn của trẻ.

Tình trạng cận thị kéo dài sẽ gây nhược thị, lác mắt và là một trong những nguyên nhân gây ra mù lòa ở trẻ.

Hơn nữa, cận thị tiến triển còn gây biến chứng bong võng mạc dẫn đến mù lòa. Điều này được hiểu là khi trục nhãn cầu bị kéo dài khiến cho mạch máu nội nhãn bị kéo dài, gây nên tình trạng rối loạn dinh dưỡng võng mạc. Từ đó thị lực sẽ giảm dần dẫn đến võng mạc bị kéo dài, có chỗ bị dát mỏng và làm xuất hiện những lỗ thủng trên võng mạc gây nên bong võng mạc.

Cận thị tiến triển có thể gây biến chứng bong võng mạc dẫn đến mù lòa nếu không được phát hiện và điều trị sớm

Phương pháp điều trị cận thị tiến triển ở trẻ là gì, thưa bác sĩ?

Các biện pháp để điều trị cận thị hiện nay gồm:

- Đeo kính gọng, đây là phương pháp điều trị cận thị tốt nhất hiện nay

- Đeo kính áp tròng vào ban đêm để giúp mắt điều tiết

- Phẫu thuật trong trường hợp bệnh quá nặng theo chỉ định của bác sĩ. Nếu không phải trường hợp đặc biệt các bác sĩ sẽ không chỉ định phẫu thuật vì mắt trẻ dưới 18 tuổi vẫn đang phát triển và có sự thay đổi.

Cha mẹ có thể làm gì để phòng ngừa cận thị tiến triển ở trẻ, thưa bác sĩ?

Để phòng ngừa cận thị cho trẻ nhỏ, nhất là cận thị do mắc phải, cha mẹ cần loại bỏ các yếu tố bất lợi cho mắt trẻ như: hạn chế cho trẻ chơi điện thoại, hạn chế xem tivi, máy tính; Rèn cho trẻ thói quen ngồi học đúng tư thế; Góc học tập của trẻ đủ ánh sáng, nên mua các loại đèn học đã được kiểm định theo quy chuẩn.

Chế độ dinh dưỡng của trẻ cần bổ sung đủ đạm, vitamin và khoáng chất, nhất là các tiền vitamin A có trong rau xanh và các thực phẩm màu đỏ, vàng.

Ngoài ra, cần bổ sung cho trẻ các loại thực phẩm bổ sung chứa lutein, zeaxanthin, beta carotene… để giúp nuôi dưỡng và bảo vệ mắt.

Cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!

Linh Nhi/giadinhmoi.vn

Tin liên quan