50% trẻ bị chấn thương ở mắt sẽ suy giảm thị lực
Chị T.T.T. – mẹ bé C. nghẹn ngào kể lại rằng: ‘Chủ nhật vừa qua (21/1) con được nghỉ học nên ở nhà chơi với anh hàng xóm. Thường ngày cháu rất ngoan, chỉ học và chơi ở nhà. Hôm đó cháu lại xin đi chơi ở cuối xóm.
Tôi đang bận làm nên cũng đồng ý để cháu đi chơi. Đến khi có người quen gọi báo mới biết con ra chơi phi dao vào thân cây với các anh lớn trong xóm, do đứng gần cây nên bị các anh phi trúng vào mắt.
Ngay sau đó gia đình tôi đã chuyển con đi bệnh viện cấp cứu. Hiện cháu đã mổ mắt một lần để điều trị và giờ đang chờ để mổ lần 2’.
Còn bé N.T.A.D. (5 tuổi, ở Lương Tài, Bắc Ninh) nhập viện đến nay đã được một tuần với tổn thương rất nghiêm trọng ở mắt.
Mẹ của bé D. cho biết: ‘Chiều ngày 17/1, sau khi đi lớp về, D. ở nhà với bà. Trong lúc bà đang nấu cơm và trông em nhỏ thì cháu ra cổng chơi với các anh, chị họ và chẳng may bị càng xe bò bằng sắt đập vào mắt dẫn đến bị chảy nhiều máu, tổn thương nghiêm trọng.
Sau khi tai nạn xảy ra, vợ chồng tôi đã đưa con đi cấp cứu tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Mặc dù đã được các bác sĩ điều trị nhưng máu vẫn còn tụ nhiều, cháu vẫn kêu đau nên cần phải tiếp tục theo dõi’.
TS.BS Hoàng Cương, khoa Chấn thương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết, đây chỉ là 2 trong số 10 trường hợp trẻ phải nhập viện những ngày gần đây do bị tổn thương ở mắt.
Với các trường hợp trẻ bị chấn thương ở mắt như này thì có đến 50 – 70% trẻ bị giảm thị lực. Đối với vết thương bị xuyên, chọc vào mắt có khoảng 10 – 20% trẻ bị mù lòa. Còn lại chỉ một số ít trường hợp không bị ảnh hưởng nặng là do vết thương ở vùng ngoài mi, rách mi, vết thương ở phần nông do bị dị vật…
Trường hợp các cháu bị tổn thương rất nặng ở mắt, nhãn cầu vỡ, lòng đen tổn thương nặng, máu trong vẫn chảy sẽ phải tiếp tục làm phẫu thuật hút máu tụ. Nếu điều trị không đỡ nhiều khả năng sau này phải ghép giác mạc thì mới tránh khỏi nguy cơ mù lòa.
Lý giải về nguyên nhân những ngày gần đây có nhiều trẻ phải nhập viện điều trị vì chấn thương ở mắt, bác sĩ Hoàng Cương cho biết: Thời điểm trước tết, tai nạn gây tổn thương mắt ở trẻ nhỏ tăng lên. Tại khoa chúng tôi có 60 giường bệnh thì có đến 10 cháu bé các lứa tuổi khác nhau đang điều trị do chấn thương ở mắt.
Nguyên nhân là do trước đó trẻ nghỉ rét tương đối nhiều, trẻ mẫu giáo ở nhà với ông bà, mà ông bà còn bận việc nhà nên để trẻ tự chơi với nhau nên dẫn đến bị tai nạn ở mắt.
Cũng có gặp trường hợp trẻ đang độ tuổi đi học gặp chấn thương ở mắt là do thời điểm này trẻ mới thi học kỳ xong nên được nghỉ ở nhà. Con ở nhà nhiều, người lớn lại chuẩn bị tết, tất bật công việc cuối năm nên không có thời gian dành cho con trẻ và dẫn đến trẻ gặp tai nạn khi chơi đùa.
Xử lý thế nào khi trẻ bị chấn thương ở mắt
Đa phần trẻ bị chấn thương ở mắt đều đến từ các vùng nông thôn với điều kiện chăm sóc trẻ không tốt, kiến thức về việc xử lý vết thương cũng không nhiều nên tình trạng của trẻ thường nặng khi được đưa đến viện.
Để giảm thiểu tình trạng này, bác sĩ Hoàng Cương đưa ra lời khuyên đối với các bậc phụ huynh khi xử lý vết thương ở mắt cho trẻ như sau:
Vết thương ở mắt trẻ chia ra làm 2 nhóm, với trường hợp mắt trẻ bị bỏng do mỡ nóng, dầu rán, bỏng nước tẩy rửa vệ sinh, bỏng axit thì cần phải rửa càng nhanh, càng nhiều bằng nước sạch sẵn có, sau đó đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Còn đối với trường hợp trẻ bị tổn thương ở mắt dẫn đến chảy máu, người lớn không nên dùng khăn, băng gạc để đè nén lên mắt với mục đích cầm máu. Bởi, chấn thương ở mắt thường tạo thành lỗ xuyên vào bên trong nên việc ấn, bó chặt mắt sẽ làm tổn thương càng thêm nghiêm trọng.
Khi thấy chảy máu ở mắt, đất cát bẩn ở mắt không nên dùng thuốc, nước muối để rửa, sát trùng, vì làm như vậy sẽ gây hại cho mắt nhiều hơn lợi. Việc xối rửa mắt bằng kháng sinh, thuốc sát trùng, nước muối sinh lý không những không làm sạch vết thương mà còn làm nhiễm trùng mắt.
Cách tốt nhất khi trẻ bị vết thương chảy máu ở mắt là người lớn chỉ lên đặt một miếng gạc sạch, băng kín nhẹ nhàng rồi chuyển đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu đến các cơ sở y tế tuyến dưới như ở xã, huyện cũng có thể chụp phim để xem có dị vật ở mắt hay không, tiêm một mũi kháng sinh phổ rộng để phòng nhiễm khuẩn và tiêm phòng uốn ván nếu cần. Sau đó chuyển bệnh nhân lên cơ sở y tế có chuyên khoa nhãn khoa gần nhất để điều trị.
Phòng ngừa chấn thương ở mắt cho trẻ bằng cách nào?
Bác sĩ Hoàng Cương cho rằng, để phòng ngừa tổn thương ở mắt cho trẻ thì ý thức của người lớn trong việc chăm sóc, dạy dỗ trẻ đóng vai trò quan trọng.
Cha mẹ cần phải chú ý quan sát khi con chơi đùa. Đặc biệt, khi cha mẹ chở con đi chơi cần cho con đội mũ bảo hiểm hoặc có phương pháp bảo hộ với trẻ để tránh trường hợp xảy ra tai nạn mặt trẻ mài xuống đường, mắt bị đập vào vật cứng, nhọn…
Người lớn cần thu dọn nhà cửa, không để trẻ tiếp xúc, chơi với các đồ vật sắc, nhọn, nguy hiểm, có tính sát thương cao…
Tạo một không gian an toàn cho trẻ vui chơi, với các đồ chơi lành mạnh, kích thích sự sáng tạo của trẻ.
Khi chẳng may xảy ra tai nạn, người lớn cần biết cách sơ cứu hợp lý để không làm tình trạng của trẻ thêm nặng hơn.
Khi trẻ bị chấn thương ở mắt tốt nhất đưa trẻ đến viện để được can thiệp ở 6 giờ đầu.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Bé trai tổn thương mắt nghiêm trọng do chơi phi dao như phim kiếm hiệp tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].