Trong khu nhà hoang vắng, 10 con người bám trụ lại Trại phong Đá Bạc đi qua những ngày Tết hiu hắt buồn nhưng vẫn tìm cách đón Tết theo những cách riêng.
Gió rít từng cơn qua khe cửa sổ, 4 giờ sáng, Trại phong Đá Bạc (xã Minh Phú, Sóc Sơn, Hà Nội) trở mình thức giấc cùng tiếng lục tục mở cửa đi ra ngoài của cụ Sợi. Một sớm Mùng Một Tết năm nào của người đã ở đây 50 năm mở ra bằng các công việc đã được xếp theo thứ tự giống như những ngày thường, chỉ khác là cụ có thêm thao tác cắt cái bánh chưng, lấy mấy củ dưa hành.
Cơn gió ào vào lòng cụ Sợi những giá buốt của một mùa đông muộn. Cụ đi nhặt từng cái rác, gom cùng đụn lá khô, đem đến bãi đất đã nhuốm màu đen của tàn tro. Lửa bén cháy giòn rụm, khói từ bãi đốt bay tà tà, tãi ra trôi theo ngày đơn độc.
Rồi cụ đi về phía hông chỗ ở, lượm từng thanh củi, dang hai tay ôm hết vào trước ngực, hít một hơi lấy sức đứng lên và khó nhọc đi men theo hàng gạch. Chừng ấy việc, cụ làm trong 2 tiếng từ khi thức giấc. Tang tảng 6 giờ sáng, cụ đi lấy nước tưới rau. Công việc này cũng lấy của cụ 2 giờ đồng hồ.
Năm nào cụ Sợi cũng đi chợ từ hai mấy Tết, đem về căn bếp chất những bó củi khô và đống lá thơm vài cân hành tươi, muối một âu dưa hành đầy đủ gia vị mắm, đường, giấm. Căn bếp đó được cụ tận dụng lại từ phòng ở của bệnh nhân ngày trước. Để bữa nào trong mấy ngày Tết, cụ cũng có mấy củ dưa hành cùng một phần tư miếng bánh chưng cụ ăn 4 lần mới hết.
Tết năm nay là cái Tết thứ 50 cụ Sợi ở Trại Phong Đá Bạc. Lớp những người cùng đến Đá Bạc đầu tiên nay chỉ còn mỗi mình cụ. Từ quê nhà ở huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, cụ Sợi vào ở Đá Bạc từ đầu những năm tuổi đôi mươi. Cụ lấy chồng năm 31 tuổi và có một người con gái. Cuộc đời cụ rẽ lối thêm một lần nữa khi người chồng từng chấp nhận căn bệnh của cụ đã bỏ cụ đi lấy vợ hai.
50 năm nay, cụ sợi ôm Đá Bạc vào lòng như ôm chú chó tên Bun đen tuyền. “Bun vào đây với bà”, thế là chú chó 5 tháng tuổi quẫy đuôi chạy vào nhảy lên ôm cụ Sợi như người thân của mình. Những ngày cuối năm gió thốc mạnh, cụ Sợi lo Bun ở ngoài bị lạnh và bị bắt mất nên để Bun ở trong phòng có sẵn cái chăn ấm, lúc nào đi đâu, cụ lại dắt theo Bun dẫn lối.
Từ 8 giờ sáng, cụ nhẩn nha đi khắp Đá Bạc rồi quay về ngồi dưới cái cây tán rộng trước chỗ ở, nhìn lên khoảng trời cao trên cao, đất trời đang chuyển mình, cụ Sợi sụt sùi: “Cứ nhắc đến Tết là tôi buồn. Tôi không thích Tết. Tôi ở trong này nhìn quanh chẳng thấy ai lại càng buồn. Có một mình thì tôi vui với ai? Người ta có cửa, có nhà, có con cái đón về còn tôi chẳng có một ai, cứ lủi thủi một mình”.
Trong sương giá khoảng 10 độ C, đôi chân trần phăng phăng xé toang màn đêm u tối từ ngôi nhà đầu khu đến dãy nhà cuối, cụ Oanh vừa đi mua đèn dầu và vài cây nến về chuẩn bị cho Tết. “Chân tôi mất hết cảm giác rồi, có biết lạnh là gì đâu”, cụ Oanh vừa dựa chiếc xe đạp vào thành tường trước cửa phòng mình vừa nói.
Mỗi năm, cụ Oanh chỉ được ăn bánh chưng vào dịp Tết. Cầm miếng bánh chưng bằng đôi bàn tay không có ngón, cụ Oanh bỏm bẻm nhai “Bánh ngon quá, thơm quá. Tết về rồi!”.
Ngày nào, cụ Oanh cũng tụ kinh niệm phật để tâm được an, nhắc đi nhắc lại những lời răn dạy:
"Sống không giận, không hờn, không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai
Sống an hòa với mọi người chung sống.
Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống yên vui danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến"
Tối nào cũng vậy, cụ Thực cũng sang phòng cụ Liên xem “ké” tivi. Từ dạo có chiếc tivi, đêm Giao thừa năm nào, cụ Thực cũng ngồi xem pháo hoa. Xem hết, cụ mới yên tâm đi ngủ.
Cụ Thực tới Đá Bạc từ năm 1970. Cụ lấy một người đồng bệnh, sinh sống với nhau được 15 năm thì ông qua đời, để lại cậu con trai đang đi học lớp 8. Tuy có con trai ở gần nhưng thi thoảng cụ Thực mới được gặp con, gặp cháu. “Chắc chúng nó bận”, cụ Thực ngậm ngùi.
Nằm trên giường cùng xem tivi với cụ Thực, cụ Liên nói vọng xuống “Bà chuyển kênh khác đi…”.
Bố mẹ cụ Liên cùng mất năm 1945 vì đói quá, cách nhau có 6 ngày. Cụ Liên bỗng dưng mồ côi cả bố lẫn mẹ từ năm 9 tuổi. Một năm sau, cậu em trai duy nhất qua đời, cụ sống nương nhờ người chú họ. Cả tuổi thơ của cụ Liên trôi qua trong sự lam lũ và nghèo khổ.
Năm 19 tuổi, tương lai của cụ khép lại khi cụ biết mình bị bệnh phong. Cụ được đưa lên trại phong Quả Cảm (Bắc Ninh) điều trị. Năm 25 tuổi, hưởng ứng phong trào của trại phong, cụ kết hôn với một người đàn ông cũng bị bệnh như mình và sinh một cậu con trai.
Sau khi cụ Liên và chồng lấy nhau, trại phong bước vào đợt di tản lớn. Cụ chuyển vào trại phong ở Nghệ An còn chồng cụ ở lại Quả Cảm. Năm 1965, trại phong Nghệ An bị ném bom, chính quyền buộc phải trả bệnh nhân về chỗ cũ. Cụ và chồng đoàn tụ với nhau sau 7 năm xa nhớ tại Quả Cảm. Đến năm 1980, vợ chồng cụ Liên chuyển về trại phong Đá Bạc. Ám ảnh cuộc đời của mình luôn bị kỳ thị, hai cụ cho con mới lên 7 tuổi đi làm con nuôi. Chồng cụ mất sau đó vì bệnh tật, để lại cụ trơ trọi ở Đá Bạc.
Khi nhắc về quê hương, người cụ 85 tuổi rơm rớm: “Tôi có quê hương mà không dám về”. Hằng ngày, cụ Liên nghe tụng kinh, niệm phật cùng chiếc đài đã cũ. Hơn nửa đời người lưu lạc qua các trại phong, cuộc đời của cụ Liên cứ thế trôi qua lặng lẽ.
Buổi tối của cụ Liên và cụ Thực khép lại cũng là khi bộ phim chiếu trên một kênh truyền hình kết thúc lúc gần 23 giờ. “Buồn mãi cũng đến thế mà thôi nên tôi chẳng buồn nữa…”, cụ Thực chia sẻ.
Phía cuối dãy nhà, cụ Đón chắp đôi tay đang đeo len vào đầu gối, ngồi trên bậc thềm, cạnh chiếc xe đạp của mình. Chiếc xe này là phương tiện đồng hành với cụ mỗi ngày vài lần từ nhà cụ tới Đá Bạc rồi quay về nấu cho vợ bữa cơm trưa, xem bát cháo lúc sáng cụ làm vợ đã ăn hết chưa, bệnh thấp khớp của khiến vợ đớn đau như thế nào…
20 phút đạp xe trên con đường quen, cụ Đón về lại căn nhà mà cậu con trai sau khi lấy vợ đã để hai cụ ở với nhau, không một lời hỏi han, quan tâm. Hai cô con gái của cụ đi lấy chồng nên cũng không chăm lo được cho bố mẹ.
Năm 1957, trong lần khám sức khoẻ đi nghĩa vụ quân sự, cụ Đón biết mình bị bệnh phong. Cụ tưởng mình phải dừng bước ở tuổi 24 trong sự ghẻ lạnh của bạn bè, sự xa lánh của gia đình. Sau khi biết cụ bị bệnh, mẹ vợ đã bắt vợ cụ về nhà. Gia đình tan vỡ, cụ càng suy sụp và đau khổ.
6 năm sau, cụ đến với người vợ hiện tại của mình. Người vợ chấp nhận và cảm thông với cụ đã cho ông một gia đình êm ấm, xua đi sự ghẻ lạnh của người đời, bù đắp sự thiệt thòi khi mới được 3 tháng tuổi thì bố mất, mẹ đi bước nữa và cũng đi theo bố vào năm 1950.
“Cứ nghĩ đến con cái là tôi buồn nhưng cũng phải chịu thôi. Tôi cố sống nốt cuộc đời còn lại của mình chứ chẳng mong chúng nó quan tâm…”, cụ Đón thổ lộ.
Nỗi khắc khoải ngóng trông từng người con, đứa cháu của mỗi cụ ông, cụ bà được đáp lại bằng vang vọng của núi rừng nơi đây. Âm thầm gạt nước mắt, họ bước qua đêm giao thừa và những ngày đầu xuân như sự luân hồi của đất trời.
Đá Bạc không phải địa phương duy nhất được gán với hai từ “trại phong”. Trên cả nước có hơn 10 cơ sở chăm sóc hàng trăm bệnh nhân phong tương tự. Bệnh phong, còn gọi là bệnh hủi hay cùi đã không còn là nỗi sợ hãi của nhiều người.
Không ít người đã đến gần những người bị bệnh với mong muốn động viên, khoả lấp phần nào nỗi đau tinh thần mà họ đang phải gánh chịu. Tuy nhiên, bao nhiêu đó là không đủ với những di chấn về cả thể chất và tinh thần mà căn bệnh mang lại.
Trại phong Đá Bạc được thành lập từ năm 1968. Từng là trại phong lớn với khuôn viên rộng, giờ đây, được thu hẹp lại và vẫn là nơi cư trú, chăm sóc cho các bệnh nhân mắc bệnh phong. Đá Bạc chỉ còn là những dãy nhà nối tiếp nhau, dãy được dùng làm nơi nuôi gà, nuôi chó, dãy bị bỏ trống và dãy để các cụ ở.
Trước đây, trại từng có tới hơn 100 bệnh nhân nhưng vào năm 2013, chính quyền thành phố quyết định di dời trại đi nơi khác. Các bệnh nhân phong, người trở về sống với gia đình, họ hàng, người tìm đến trại khác và cuối cùng, chỉ còn 10 bệnh nhân đều đã ngoài 70 – 80 tuổi xin ở lại để thắp hương cho những người quá cố, chấp nhận cuộc sống không có sự trợ cấp của Nhà nước.
Từ đó đến nay, gần 5 năm, 6 cụ nữ và 4 cụ nam sống ở khu nhà hoang. Họ coi đây chính là nhà của mình, đã sống cả thời thanh xuân và gần như toàn bộ cuộc đời bên Đá Bạc.
Sự tĩnh lặng bao trùm lên toàn bộ khu sinh sống của 10 con người đã lựa chọn ở lại Đá Bạc. Nơi đây chỉ rộn ràng tiếng nói cười, mâm cơm quây quần khi có sự xuất hiện của các cá nhân, tổ chức tới thăm.
“Tôi chỉ vui mỗi lần có người tới chơi cùng, nấu cho chúng tôi bữa cơm, cùng ăn với nhau ấm áp như gia đình”, cụ Sợi bộc bạch.
“Còn tôi, tôi thèm người, thèm tình người lắm, đừng phỉ báng chúng tôi…”, cụ Oanh gạt giọt nước mắt lưng tròng.
Những đoàn thiện nguyện, tình nguyện lần lượt tới trao quà, làm một số việc giúp các cụ tại đây. Họ đến và rời đi nhanh đến mức, lúc trước cả khoảng sân, con đường đông vui, xe cộ nêm chặt là thế, lúc sau quay lại đã chẳng còn ai khác ngoài những cái tên “Sợi”, “Oanh”, “Liên”, “Thực”, “Đón”…
Đêm buông, ánh đèn điện hắt ra từ hai dãy nhà cách nhau đoạn đường sâu hun hút. Cả đoạn đường mấy trăm mét đó được bao bọc bởi một hàng cây lớn và 3 dãy nhà, trũng lại tối om. Đứng từ căn nhà này nhìn xuống dãy nhà bên dưới, chỉ một màu lặng im. Đáp lại điều đó vẫn là sự im lặng khi nhìn theo phía ngược lại. Những buổi tối đắm chìm trong lặng thinh đã diễn ra ở nơi đây cả nhiều năm trời.
Và ngày mai, cụ Sợi lại đánh thức Đá Bạc từ 4 giờ sáng, bắt đầu một ngày như những ngày trong mấy chục năm đã qua.