Một bé trai sơ sinh còn nguyên dây rốn vừa bị bỏ rơi ở ghế đá đường Đô Đốc Long (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP. HCM).
Gần 21 giờ tối 6/7, người dân sống trong hẻm 38 đường Đô Đốc Long (phường Tân Quý, quận Tân Phú, TP.HCM) nghe thấy tiếng trẻ con khóc.
Một số người kiểm tra thì phát hiện một bé trai sơ sinh còn nguyên dây rốn đặt nằm trên khăn ở ghế đá trong con hẻm.
Bé trai sơ sinh ngay sau đó được đưa vào phòng kín, ủ ấm và chăm sóc ban đầu.
Khi nhận được thông tin sự việc, lực lượng chức năng phường Tân Quý đã có mặt đưa bé đến bệnh viện chăm sóc và kiểm tra sức khỏe.
Bé có sức khỏe ổn định, cân nặng 3,2kg. Hiện vẫn chưa có người thân nào tới nhận bé. Địa phương đã bàn giao bé trai cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận Tân Phú chăm sóc và có hướng giải quyết tiếp theo.
Lực lượng chức năng của phường đang trích xuất hình ảnh từ các camera an ninh khu vực để làm rõ.
Cách đây không lâu, tại Hà Nội cũng đã xảy ra sự việc tương tự, một bé trai sơ sinh bị bỏ rơi dưới hố ga phía sau đền Mẫu (xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây) trong tình trạng không có quần áo mặc, 2 mắt, mũi, miệng, cơ thể đang bị dòi bọ bám dính.
Mặc dù các bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa cho bé nhưng do bé bị nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu, nhiễm khuẩn nặng nên đến chiều ngày 29/6 thì bé tử vong.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sự Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đang là tình trạng đáng báo động về đạo đức xã hội bởi có khá nhiều vụ việc được phát hiện trong thời gian qua.
Đối tượng thường bỏ rơi con nhỏ, trẻ sơ sinh là những phụ nữ gặp hoàn cảnh éo le. Họ thường bị chồng bỏ, lỡ mang thai cùng người mình yêu, gia đình không chấp nhận, thân phận làm công nhân không đủ chi phí sinh nở và nuôi con… Đó là những đứa con ra đời “không mong muốn”.
Phần lớn những phụ nữ này chưa đủ trình độ, kiến thức pháp luật để nhìn nhận lỗi lầm của bản thân.
Mặt khác, nhiều vụ việc trẻ bị bỏ rơi, không tìm được cha mẹ để xử lý trách nhiệm nên một bộ phận người dân mặc định hành vi này không hoặc ít bị xử lý thích đáng.
Đáng nói, ngoài những trường hợp bỏ rơi trẻ ở bệnh viện, chùa miếu, trước cửa nhà dân, một số trường hợp nhẫn tâm bỏ rơi con vừa sinh ở các địa điểm nguy hiểm như: Chỗ tối vắng, treo cành cây, nhà vệ sinh, thùng rác… dẫn đến nhiều trẻ sơ sinh đã tử vong.
Nguyên nhân của tình trạng này cũng chủ yếu do lối sống buông thả, dễ dãi, lệch lạc của nhiều người trẻ hiện nay cũng như thiếu kinh nghiệm và kỹ năng sống, nhận thức pháp luật hạn chế.
Luật sư Cường cho rằng, để hạn chế tình trạng này chúng ta cần tập trung tuyên truyền giáo dục pháp luật về sức khỏe giới tính, sinh sản, nâng cao trình độ nhận thức, đạo đức, kiến thứcpháp luật cho người dân, đặc biệt là bộ phận thanh niên trẻ.
Ngoài ra cần tăng cường phát hiện, điều tra xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm để răn đe, phòng ngừa.