Do bất cẩn của cha mẹ, nhiều đứa trẻ bị bỏng, phải chống chọi với tử thần để giành lấy sự sống cho mình. Dưới đây là 5 tình huống có thật ở Viện bỏng Quốc gia.
Mỗi trẻ đều có những tình huống bỏng khác nhau, nhưng theo Đại tá, PGS, TS Hồ Thị Xuân Hương - Phó chủ nhiệm khoa Bỏng trẻ em, Viện Bỏng Quốc gia, phần lớn đều do sự bất cẩn của người lớn.
Trẻ 2- 5 tuổi rất hiếu động, chưa ý thức được sự nguy hiểm nên sự an toàn của trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào ý thức và kỹ năng của những người chăm sóc trẻ.
Bác sĩ Xuân Hương cho biết: Da trẻ em dưới 6 tuổi mỏng bằng 2,5 lần so với người lớn. Với nhiệt độ 60 độ C và thời gian tác động trên da 30 giây có thể gây bỏng sâu. Da trẻ em mỏng, trọng lượng cơ thể 80- 90% là nước nên hầu hết các vết bỏng bị hoại tử ướt, dễ nhiễm trùng.
Những tác nhân gây bỏng ở trẻ chủ yếu là do bỏng nước sôi (phích nước nóng, ấm nước nóng, nồi cơm điện), bỏng do thức ăn (canh nóng, cháo nóng) và phần còn lại là bỏng do lửa, hóa chất và điện.
Theo các bác sĩ Xuân Hương, bỏng là một trong những tai nạn rất nguy hiểm với trẻ. Việc chữa trị lâu dài, tốn kém, thậm chí có thể gây tử vong, để lại nhiều di chứng nặng nề như sẹo, co kéo cơ hoặc da.
Người lớn quên tắt xe máy
Một tai nạn cũng thường hay xảy ra đối với trẻ nhỏ mà nguyên nhân từ chính sự vô ý của cha mẹ. Với những ai hay đi xe ga, thường có thói quen dựng xe quên tắt máy sẽ là một nỗi nguy hiểm thường trực đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Bác sĩ Xuân Hương kể, mẹ đèo con dừng xe mua thức ăn cạnh hàng bán đồ chiên, rán. Điều nguy hiểm là cháu bé vặn tay ga, chiếc xe bất ngờ lao đi, do mẹ quên tắt xe máy.
Cả chảo mỡ đổ ra, bén lửa khiến cháu bé vừa bị bỏng lửa vừa bị bỏng dầu. Cháu bé bị bỏng đọ 4,5 ở diện rộng và sâu. Thậm chí, vài ngón chân của cháu bé đã bị rụng. Sau khi tích cực điều trị, cháu được ra viện nhưng bị co kéo, biến dạng toàn bộ chân.
Cô giáo bê nồi canh nóng
Chuẩn bị tới bữa ăn trưa, cô giáo bê nồi canh đang còn nóng đi qua chỗ các bé chơi. Các em bé chạy nhảy đã va vào cô giáo, nồi canh nóng bị đổ khiến nhiều cháu bị bỏng.
Bố dùng than sưởi ấm cho con
Đó là một gia đình có 6 cô con gái, đẻ cố thêm được 1 cậu con trai. Để giữ ấm cho trẻ trong thời tiết giá buốt trong mùa đông, bố ôm con ngủ trên võng, đặt chậu than hoa ở dưới để sưởi ấm.
Bố ngủ say, buông tay con lúc nào không hay khiến cậu bé bị rơi xuống chậu than. Lúc đó, cậu bé mới được khoảng 4 tháng tuổi. Cậu bé bị bỏng nặng và phải điều trị trong một thời gian dài.
Bác sĩ Xuân Hương cho biết, đốt than củi sưởi ấm rất nguy hiểm. Vì trẻ có thể ngã vào đống lửa, hoặc gây tình trạng than nóng lâu, bén vào giường gỗ, đệm, chăn (đều là những vật dụng dễ cháy) gây bỏng cho người nằm trên giường (chủ yếu là trẻ con, bé bị cháy mà không chủ động được để chạy khỏi đám cháy).
Con ngồi xe tập đi lao vào bếp lửa
Cháu bé 9 tháng tuổi đang ngồi xe tập đi, thấy chỗ bếp lửa sáng liền lao xe vào vì lúc đó bất chợt mất điện. Cháu bé bị bỏng 15%, trong đó 12% độ sâu 3 – 4 ở đầu, mặt, cổ, thân chi. Phần mặt của bé bị ngã vào bếp nên tình trạng vô cùng nguy hiểm bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến mắt và đường hô hấp. Lúc nhập viện điều trị, khuôn mặt bé đen sạm, biến dạng. Do vết bỏng sâu thời gian tới bé sẽ trải qua nhiều đợt phẫu thuật, phải điều trị lâu dài.
Bác sĩ Xuân Hương cho biết, đây là tình huống thường gặp. Có những cháu bị bỏng nặng tới mức lộ xương sọ não, co kéo hai bên mắt, mũi bị tổn khuyết, tai bỏng sâu mất sụn, dẫn tới bị viêm…
Người đàn ông tạt axit vào tình nhân và con đẻ
Bác sĩ Xuân Hương kể, đã có những tình huống người lớn mâu thuẫn và mang trẻ con ra là đối tượng để trả thù.
Để tránh sự nghi ngờ, ghen tuông từ người vợ của mình, một người đàn ông đã thẳng tay tạt axit vào cô vợ hờ và cháu bé. Cháu bé bị thương nặng đến mức axit ngấm vào nổ tung nhãn cầu, mất cả 2 mắt. Ngoài ra, cháu bị bỏng diện rộng và sâu toàn cơ thể.
Bác sĩ Xuân Hương cho hay, vết bỏng do hóa chất gây ra sẽ để lại sẹo lồi, gây đau buốt và ngứa. Tất cả sẹo này đều là sẹo ác tính, phải phẫu thuật thẩm mĩ rất nhiều lần, do vết bỏng sâu ăn vào toàn bộ lớp da ở vùng bỏng.