Lo sợ bệnh nhân của mình ra ngoài cắt tóc chẳng may bị trầy xước thì rất khó cầm máu, bác sỹ Vũ Quang Hưng – Phó trưởng khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương cùng cộng sự của mình đã quyết định trở thành thợ cắt tóc trên hành lang bệnh viện.
2 giờ làm thợ cắt tóc mỗi tuần
Mỗi chiều thứ 5 hằng tuần, hành lang Khoa điều trị hoá chất, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương lại tắc kín người.
Nếu không nhìn tấm biển ‘Điểm cắt tóc miễn phí phục vụ bệnh nhân’ treo trên cao thì chắc nhiều người đoán các bệnh nhân đang chờ lấy thuốc hay khám bệnh.
Nơi đó, những người bác sỹ, y tá, điều dưỡng trở thành những thợ cắt tóc, còn khách hàng là những người bị mắc căn bệnh hiểm nghèo.
Có lần, vô tình bắt gặp một bệnh nhân buồn bã quay về cùng chỏm tóc chỗ đã rụng trắng còn da đầu, chỗ lưa thưa loang lổ, với lý do chủ hàng cắt tóc từ chối cắt cho những bệnh nhân kiểu này, bác sỹ Vũ Quang Hưng nảy ra ý định tại sao không biến hành lang bệnh viện thành một cửa hàng cắt tóc di động?
Nơi đó sẽ vừa giúp các bệnh nhân cắt giảm được chi phí mỗi lần đi cắt tóc ở ngoài lại vừa tăng sự gần gũi giữa bác sỹ và bệnh nhân qua những câu chuyện chia sẻ.
Vậy là, bác sỹ Hưng đề xuất lên Ban Giám đốc Viện và ngay lập tức nhận được sự ủng hộ nhiệt tình. Kinh phí mua sắm đồ nghề cắt tóc được Ban lãnh đạo và Đoàn thanh niên Viện đầu tư.
Ngay từ những ngày đầu khai trương, đã có rất nhiều bệnh nhân tìm đến ghi danh để được gặp gỡ bác sỹ với vai trò khác.
Tuy là tiệm cắt tóc trên hành lang bệnh viện nhưng nơi đây được trang trí chẳng kém gì những cửa hàng cắt tóc ngoài hè phố.
Hai chiếc gương hình chữ nhật được bố trí gắn vào tường, đối diện nhau, giúp khách hàng có thể chiêm ngưỡng đủ mọi góc cạnh mái tóc mới của mình.
Các bệnh nhân truyền tai nhau về tiệm cắt tóc có một không hai này, khiến khoảng thời gian 2 tiếng mỗi tuần, từ 14h30 đến 16h30, nơi hành lang bệnh viện đó đông đúc bệnh nhân đủ mọi lứa tuổi đến xếp hàng chờ tới lượt mình.
Tính đến nay, tiệm cắt tóc này đã tồn tại 6 năm với hơn 5000 lượt bệnh nhân được cắt tóc miễn phí.
‘Bác sỹ mà thu tiền cắt tóc ở đây thì chắc giàu lắm, đông thế cơ mà. Bệnh nhân chúng tôi sướng thật, chỉ có bác sĩ là mệt thôi’, tiếng ông cụ vọng ra từ dãy ghế chờ.
Nghe thấy vậy, đang lúi húi cắt tóc cho bệnh nhân bé tuổi, người bác sĩ sinh năm 1978 này cười: ‘Cũng đúng bác ạ, nhưng cháu thấy các bệnh nhân ở viện đã phải chịu đau đớn, vất vả nhiều rồi, cháu chỉ muốn giúp họ hết sức mình có thể. Bệnh nhân vui là cháu cũng vui’.
Để đáp ứng nhu cầu của người bệnh, ngoài bác sĩ Vũ Quang Hưng trực tiếp cắt tóc thì có thêm hàng chục bác sỹ, điều dưỡng cùng tham gia công việc ý nghĩa này. Chính vì thế, tất cả y, bác sỹ ở khoa đều có thể cắt được tóc.
Kinh nghiệm cắt tóc cho các bạn từ khi còn là sinh viên vì không có tiền ra tiệm, bác sỹ Hưng đã áp dụng để thực hiện cho các bệnh nhân.
Rồi tóc sẽ mọc ra nhanh thôi… Đừng sợ
Với thông điệp 'Không có niềm tin không thành cổ tích. Hãy làm nên cổ tích giữa đời thường từ những điều bình dị nhất', bác sỹ Hưng và các cộng sự đã tạo ra những điều kì diệu, đó là niềm tin cho các bệnh nhân của mình.
Một bé gái chừng 12 tuổi với mái tóc dài ngang lưng leo lên ghế, nhìn mình qua 2 chiếc gương đối điện nhau rồi nhắm nghiền mắt lại khi bác sỹ Hưng choàng tấm khăn quanh người.
‘Rồi tóc con sẽ mọc dài ra thôi… Con đừng sợ’, bác sỹ Hưng vừa cắt tóc cho em vừa dỗ dành khi thấy cô bé bắt đầu khóc.
Hầu hết các em nhỏ tuổi chưa ý thức được tình trạng bệnh tật của mình và không hiểu sao mình lại phải cắt ngắn hay cạo trọc mái tóc đang dài đẹp.
Rồi khi những sợi tóc đen dài lần lượt rơi xuống sàn hành lang khoa bệnh, mẹ cô bé đứng lặng nhìn con, mắt đỏ hoe.
Từ trong đám đông, đâu đó vọng lại tiếng thở dài, đâu đó lại là lời khích lệ:‘Bác sĩ Hưng nói đúng đấy! Rồi tóc sẽ mọc lại thôi. Cứ vui lên thì bệnh mới mau khỏi được!’
Bác sĩ Hưng dừng tay kéo trong giây lát, hướng ánh nhìn đồng cảm về phía người mẹ, để nhận lại một nụ cười trong nước mắt của chị.
Người mẹ xoa mái tóc 3 phân của con gái, ánh mắt rưng rưng đầy tâm sự. Rồi chị trùm lên đầu cô bé chiếc mũ vải cho con đỡ mắc gió cảm lạnh. Hai mẹ con cúi chào cảm ơn bác sĩ trước khi rời đi. 'Khách hàng' kế tiếp đã sẵn sàng.
Cứ thế, cứ thế, bác sĩ, em bé, người mẹ và những ‘khách hàng’ của ‘tiệm cắt tóc’ mỗi giây phút lại đến gần nhau hơn, thấu hiểu nhau nhiều hơn.
'Tiệm cắt tóc' nhỏ cuối hành lang mỗi buổi chiều thứ Năm vẫn âm thầm, vẫn bền bỉ gieo thêm niềm an ủi, niềm khích lệ và những nụ cười quý giá cho người bệnh.
Nơi đó có 'thợ cắt tóc' đáng mến như bác sĩ Vũ Quang Hưng và đồng nghiệp của anh.