Thương lắm, trẻ con ơi!

Không shopping, không xem phim, không dã ngoại, cuối tuần của những em nhỏ trong Viện Huyết học – Truyền máu thường diễn ra một cách đặc biệt.

 Niềm vui của các bé ở nơi sự sống mong manh. 

Trò chơi 

Hành lang tầng 6, toà nhà H, viện Huyết học – Truyền máu Trung ương ngày cuối tuần vắng lặng. Qua rèm cửa, hình ảnh các bệnh nhân nhỏ tuổi túm năm tụm ba chơi đùa với nhau hiện ra.

Trên tay chúng vẫn còn đang cắm truyền dịch hoặc băng trắng cố định kim luồn.

Bé Hải Yến (4 tuổi) tay cầm bơm tiêm vừa xin được, tay kia dắt bé Ngọc Châm (5 tuổi) tung tăng đi về phòng bệnh của mình ở cuối dãy.

Trên không gian là 2 chiếc giường kê sát nhau, có vài bé đã chờ sẵn Yến và Châm về để cùng chơi.

 Các bé lần lượt cầm bơm tiêm, băng dính y tế để 'chữa bệnh' cho em thú nhồi bông. 

Leo tót lên giường, phân phát bơm tiêm và bao tay cao su, cả nhóm bắt đầu chơi đồ hàng bác sỹ mà bệnh nhân chính là con gấu bông be bé.

Trong lúc đó, các mẹ của bé sang giường bên cạnh hoặc ngồi trên mấy chiếc ghế nhựa vừa nói chuyện với nhau vừa quan sát chúng.

‘Đến lượt em tiêm chứ’, ‘Chị chứ’, ‘Không phải, cho em chơi với’… Các bệnh nhân nhỏ tuổi, đứa cầm kim tiêm, đứa cầm bao tay, rồi cả băng dính y tế, tranh giành nhau xem đến lượt ai ‘tiêm’, ‘khám’, ‘chữa bệnh’ cho em thú nhồi bông đang ầu ơ trên tay.

Những thao tác đó, bọn trẻ học lỏm được từ các cô y tá đều đặn hằng ngày đến tiêm, truyền, thay băng cho. Giờ đây, chúng được các em thực hiện như một việc tạo ra niềm vui.

 Bé Phương Anh chăm chú vào thao tác của mình giống như một cô y tá nhí. 

Tuổi thơ của em 

Ngồi thụt lại giường bên cạnh, bé Đức Kiên (5 tuổi) lặng lẽ phía sau, chăm chăm nhìn vào điện thoại đang phát tập phim hoạt hình, thi thoảng ngẩng lên nhìn các bạn, chỉ cười mỉm mà không nói năng gì.

Kiên nằm viện từ tháng 7/2012. Căn bệnh bạch cầu tuỷ đã gần như cướp mất một tuổi thơ khoẻ mạnh của cậu bé khôi ngô này.

‘Bọn nó khoẻ lên thì nô đùa với nhau vui thế thôi chứ chốc mệt lại nằm bệt, chẳng nói chẳng rằng gì’, chị Hồng Hà, mẹ bé Châm chia sẻ trong khi nhìn bọn trẻ nô đùa với nhau.

Ở căn phòng cuối dãy này, 16 bệnh nhân nhỏ chia đều 8 giường bệnh, bé lớn nhất 6 tuổi và nhỏ nhất mới chỉ 2 tuổi.

Vậy mà, có nhiều bé dùng 2/3 quãng đời đã sống để quẩn quanh bên bác sĩ, những cô y tá thuộc làu làu tên và gắn mình với những mũi kim, chai dịch, bịch truyền hồng cầu…

 Dù có đau với những băng trắng trên người hay dây truyền cắm trên tay nhưng các bé vẫn luôn tìm thấy niềm vui của mình. 

Những đứa trẻ xa lạ đến từ nhiều tỉnh thành, chúng cùng không may mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, chúng gặp gỡ và làm quen từ nơi phòng bệnh.

Rồi lũ trẻ dần trở nên thân thiết đến mức cứ tự nhiên leo sang giường ‘hàng xóm’, cùng chơi đùa hồn nhiên với nhau.

Mỗi cuối tuần, trong khi nhiều đứa trẻ khoẻ mạnh bình thường được dẫn đi công viên, siêu thị, các khu vui chơi… thì các bệnh nhân nhỏ tuổi tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương lại rất khác. 

Đi dọc hành lang phòng bệnh, có mấy em nằm trên giường, gác chân lên đùi người thân hoặc vài em nhỏ tự ngồi chơi 1 mình bên những thiết bị điện tử, màn hình là mấy trò dễ chơi hoặc bộ phim hoạt hình thích thú.

 Gắn mình với bệnh tật nhưng các bé vẫn luôn cười hồn nhiên trong vòng tay cha mẹ mình. 

 Đu chân, hai tay bám chặt vào thanh treo truyền dịch, bé Như Ngọc (5 tuổi, ở Sơn Tây) được bà ngoại đẩy đi dọc hành lang.

‘Con muốn mặc váy trắng có tầng như công chúa, đi chơi công viên như các bạn. Con nhớ các bạn ở nhà lắm’, cô bé sún răng đã nằm viện 23 tháng tủm tỉm cười khi ngồi nghỉ ở ghế.

Bên cạnh là người bà chạc tuổi 70, luôn tay xoa lưng cho đứa cháu của mình: ‘Thương lắm cơ, lần trước xuống viện truyền tưởng đỡ rồi mà bệnh cháu lại nặng thêm’.

 Bé Nam Dương và mẹ của mình ra hành lang ngồi để thay đổi không khí. 

Bé Nam Dương (quê Hà Giang) tay cắm kim truyền tiểu cầu đang nô đùa cùng mẹ của mình. 4 tháng nằm viện, cuối tuần nào Dương bố xuống chơi cùng nhưng cậu chỉ theo mẹ.

Cô gái trẻ ôm chặt đứa con 20 tháng tuổi của mình vào lòng: ‘Con ơi con đừng khua tay nữa, ven bị lệch rồi đây này, ngoan nào ngoan nào để nhanh khoẻ nhanh được về nhà’.

Một lúc sau, mẹ của bé Quang Sáng bế em tiến tới, treo chai truyền có dây dẫn từ tay cậu bé đã nằm viện hơn 1 năm này lên cùng cột truyền dịch với bé Dương.

Hai mẹ cho 2 bé chơi với nhau để phần nào quên đi sự hiện diện của những bịch truyền lơ lửng trên cao kia.

 Những chiếc xe nhiều màu sắc có thanh treo truyền dịch 'đỗ' bên ngoài phòng bệnh, chờ các bé khoẻ hơn để vi vu trên hành lang bệnh viện. 

Không cuối tuần 

Dường như bên trong phòng bệnh, tất cả người nhà và các thiên thần nhỏ đều không có khái niệm thời gian, không quan tâm hôm nay là ngày thường hay mai sẽ là cuối tuần.

Bởi với họ, ngày nào cũng như ngày nào, các con đứa nào cũng phải tiêm, phải truyền và thực hiện theo phác đồ điều trị.

Những quen thuộc đó đã ở lại với các em trong một quãng thời gian dài và sẽ còn cả quãng đời phía trước. Nhưng trong ánh mắt bọn trẻ, vẫn là những hồn nhiên của lứa tuổi mầm non, mẫu giáo.

Cứ như vậy, sau mỗi đợt điều trị, các cô bé, cậu bé lại có cuộc hẹn ngầm với nhau ở ‘sân chơi chung’ chính là những chiếc giường bệnh và hành lang bệnh viện.

Nơi hành lang sâu hun hút đó, mấy chiếc xe đồ chơi có gắn cột truyền dịch phía sau vẫn sẵn sàng chờ các bệnh nhân nhỏ tuổi đủ sức để điều khiển, đưa các ‘chiến binh’ đó đi 1 vòng rồi dừng lại ở phòng bệnh của mình.

Ở giữa của những khoảng đau đớn luôn là những hồn nhiên con trẻ. Thương...! 

Hình ảnh các con tự cầm cây chuyền di chuyển đi vệ sinh đã quá quen thuộc ở nơi đây 
Kiều Dương - Tú Anh /giadinhmoi.vn