PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, nếu trong trường hợp vội vàng quy kết bệnh nhân 243 lây COVID-19 từ ổ dịch bệnh viện Bạch Mai sẽ dẫn tới tình trạng bỏ lọt 'ổ dịch'.
Chiều 8/4, trao đổi với PV Gia Đình Mới, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho rằng, dư luận đang "quy kết" bệnh nhân 243 ở Mê Linh, Hà Nội lây nhiễm từ ổ dịch Bạch Mai sau khi tới bệnh viện ngày 12/3.
"Tôi cho rằng chúng ta vào giai đoạn không xác định được ca ban đầu F0, nên chưa thể nói người này ủ bệnh hơn 14 ngày được.
Ca bệnh này đến Bạch Mai ngày 12/3 nhưng sau đó đã đi rất nhiều nơi đông người rồi mới phát hiện nhiễm COVID-19. Trong khi đó hiện nay, dịch COVID-19 đã có sự lây lan trong trong cộng đồng rồi nên không thể khẳng định bệnh nhân này có nguồn lây từ BV Bạch Mai được.
Trong khi đó, kết quả xét nghiệm kháng thể cho thấy, trong người bệnh nhân 243 chưa có kháng thể với virus SARS-COV-2. Do đó, chúng tôi nhận định đây là trường hợp mới nhiễm".
Nói về vấn đề kháng nguyên, kháng thể để xác định thời gian mắc bệnh, TS Phu cho biết: "Có kháng nguyên tức là cơ thể đang nhiễm virus, còn có kháng thể là đã nhiễm virus lâu rồi. Ví dụ trên 3 ngày, trên 7 ngày nhiễm, số lượng kháng thể sẽ khác nhau. Từ đó ta xác định được số ngày bệnh nhân nhiễm virus. Còn nếu không tìm được kháng thể thì chứng tỏ người này mới nhiễm".
TS Phu cũng nhận định, nếu nhận định bệnh nhân 243 có nguồn lây nhiễm từ BV Bạch Mai mà không điều tra kỹ sẽ có thể dẫn tới tình trạng "bỏ lọt" ổ dịch.
TS Phu cho rằng biện pháp quan trọng nhất hiện nay là người dân tuân thủ triệt để các biện pháp giãn cách xã hội, không tụ tập đông người, đặc biệt là ở các khu vực cộng cộng.
"Tìm nguồn lây nhiễm là quan trọng nhưng trong trường hợp đã có lây nhiễm trong cộng đồng, ưu tiên hàng đầu là triển khai ngay các biện pháp cách ly, khoanh vùng, dập ngay, không để dịch lan rộng từ ca nhiễm được phát hiện.
Vì vậy, các địa phương khi gặp các ca nhiễm tương tự, không được mất cảnh giác, chủ quan chỉ cho rằng ca nhiễm mới có liên quan đến những ổ dịch cũ”, ông Trần Đắc Phu chia sẻ.
Đồng quan điểm với TS Trần Đắc Phu, ông Khổng Minh Tuấn, Phó GĐ Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, bệnh nhân 243 đi lại rất nhiều từ ngày 12/3 đến khi phát hiện bệnh, nên không thể khẳng định bệnh nhân này lây nhiễm ở BV Bạch Mai.
Trước ca bệnh phức tạp này, UBND huyện Mê Linh, Hà Nội đã tiến hành phong tỏa thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh trong thời gian 28 ngày. Bộ Y tế cũng khuyến cáo 6 địa điểm người bệnh nhân 243 có mặt trước khi phát bệnh, yêu cầu người dân đã tới những địa điểm này nhanh chóng khai báo y tế.
Bệnh nhân 243 phát hiện nhiễm COVID-19 sáng 7/4. Bệnh nhân này đi nhiều nơi trước khi phát bệnh như: Bệnh viện Bạch Mai, BV Phụ sản Hà Nội, BV đa khoa Phúc Yên (Vĩnh Phúc), đi ăn cưới, giao hoa tại chợ hoa Mê Linh, chợ hoa Quảng Bá (Tây Hồ, Hà Nội).
Đến sáng 8/4, trong số có 2 ca mắc mới Covid-19 có 1 người là hàng xóm đã tiếp xúc gần với bệnh nhân 243 ở Mê Linh, Hà Nội. Ngoài ra, Hà Nội đã ghi nhận 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính lần 1 liên quan đến bệnh nhân này.