Thí sinh 2K4 đang đăng ký các nguyện vọng trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2022. Vậy chọn ngành hay chọn trường đóng vai trò quyết định hơn tới cuộc sống cũng như cơ hội việc làm trong tương lai của thí sinh?
Thí sinh 2K4 đang đăng ký các nguyện vọng vào các trường đại học, cao đẳng năm 2022. Nhiều thí sinh băn khoăn nên chọn ngành hay chọn trường sẽ đóng vai trò quyết định hơn tới cuộc sống cũng như cơ hội việc làm trong tương lai của thí sinh?
GS.TS Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thủy Lợi tư vấn:
Một ngôi trường đại học đẳng cấp cũng rất quan trọng, quyết định đầu ra của công dân đó với xã hội nhưng điều quan trọng nhất để các em chuẩn bị cho mình một công việc tốt là các em lựa chọn ngành đúng đam mê, sở thích, sở trường. Kể cả vào trường tốt nhưng chọn ngành không đúng đam mê thì cũng khó học tốt.
Nhiều em sinh viên nghĩ rằng nếu thấy không phù hợp thì có thể chuyển ngành sau khi học năm thứ nhất. Tuy nhiên các em cũng cần biết là để chuyển ngành trước hết học sinh đó phải đáp ứng đủ quy định của nhà trường. Do vậy, việc lựa chọn ngành nghề nào phù hợp với mình là điều quan trọng hàng đầu mà thí sinh cần lưu ý.
Ngoài ra thì với những em chưa chọn được ngành muốn làm nhất thì dù không thể lạm dụng nhưng có một điểm lưu ý, các em có thể học song bằng và có thể tốt nghiệp đồng thời nhiều bằng cùng lúc.
Chẳng hạn ĐH Thủy Lợi đã từng có những em đạt bằng thứ nhất xuất sắc và bằng 2 là bằng giỏi. Vì thế học sinh và phụ huynh cần tìm hiểu kỹ quy chế để có sự lựa chọn tốt nhất.
Theo ông Nguyễn Đức Bình - Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật công nghệ, (Bộ Lao động TB-XH):
Trước hết tôi nghĩ các em nên chọn nghề của mình đã rồi sau đó mới chọn trường. Môi trường là chất xúc tác, còn điều quan trọng vẫn là đam mê của các em và những nỗ lực của chính bản thân mình.
Quá trình chọn nghề, chọn trường các em phải tỉnh táo để có quyết định phù hợp với bản thân. Ví dụ, cùng muốn làm một công việc nhưng học tốt có thể thi vào trường tốp đầu, trình độ chưa tốt thì thi vào cùng khoa đó nhưng của trường tốp sau. Khi vào trường đại học, cao đẳng và nỗ lực vươn lên, học sinh này có thể không thua kém các bạn học giỏi mà ít kỹ năng thực tế.
Ở đây có một vấn đề mà chúng tôi thông tin thêm là, ví dụ các trường cao đẳng đào tạo bậc cao đẳng, đào tạo nghề rất cụ thể.
Trước đây, các trường đại học cũng đào tạo hệ Cao đẳng. Ví dụ nghề Điện lạnh, ở trường chúng tôi đào tạo nghề này nhưng một số trường đại học về Kỹ thuật cũng mở nghề đó đào tạo nhưng tôi khẳng định là nếu đào tạo hệ cao đẳng với nghề đó, chúng tôi đào tạo vững hơn so với các trường đại học.
Là chuyên gia đã đồng hành với các chương trình tư vấn, hướng nghiệp trong nhiều năm, TS Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh khẳng định: “Lựa chọn ngành nghề, đăng ký nguyện vọng xét tuyển là khâu rất quan trọng. Tuy nhiên nhiều năm làm công tác tư vấn tuyển sinh, tôi nhận thấy, khi đăng ký xét tuyển, thí sinh thường đưa ra quá nhiều nguyện vọng mà chưa tập trung vào ngành nghề mình thật sự quan tâm”.
Theo TS Phạm Tấn Hạ, thí sinh nên đăng ký số lượng nguyện vọng ở mức độ vừa phải, khoảng 4-5 nguyện vọng và dành sự ưu tiên cho lĩnh vực mình quan tâm, không nên có sự chuyển hướng quá đột ngột.
“Nếu đã thích ngành nào thì các em nên tập trung đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào ngành đó và chỉ nên dịch chuyển từ trường này sang trường khác. Bởi khi trúng tuyển vào những ngành phù hợp nguyện vọng, sở thích, năng lực ngay từ đầu thì các em mới có thể tập trung học tập và gắn bó với ngành học đó. Song song với việc chọn ngành, các em cũng chú trọng lựa chọn môi trường học tập phù hợp để có thể yên tâm theo học. Cần cân nhắc các yếu tố như: đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất, điều kiện phát triển bản thân… để lựa chọn đó trở thành nơi chắp cánh thêm cho ước mơ của các em”, TS Hạ nói.