Cha mẹ thường không tiếc dành lời khen cho con trẻ, nhưng nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, những lời khen sai cách có thể dẫn đến hậu quả khó lường.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Khoa học Tâm lý chỉ ra rằng khen trẻ không đúng cách sẽ khiến trẻ không thành thật.
Nhóm nghiên cứu người Trung Quốc và Mỹ thuộc trường Đại học Toronto đã thực hiện thí nghiệm tại Trung Quốc để nghiên cứu xem liệu có phải khen ngợi trẻ là khuyến khích chúng gian lận.
Nghiên cứu tiến hành trên 150 trẻ 3 tuổi và 150 trẻ 5 tuổi từ các trường mầm non ở phía đông Trung Quốc.
Trẻ được cho chơi trò đoán lá bài và được cho biết, nếu đoán đúng 6 lần thì bé sẽ thắng và được thưởng.
Ở thí nghiệm đầu tiên, họ tách các bé thành 3 nhóm và khen ngợi theo 3 cách khác nhau khi trẻ thắng.
Nhóm thứ nhất được khen ngợi năng lực: ‘cháu thật thông minh’; nhóm thứ hai được khen ngợi thành tựu: ‘cháu làm tốt lắm’; và nhóm thứ ba không được khen.
Sau đó, ở năm lượt chơi tiếp theo, họ dùng một số thủ thuật để mỗi bé đoán đúng 2 lượt và sai 3 lượt.
Trong khi đang chơi, người thực hiện thí nghiệm giả vờ nói là có việc bận phải ra ngoài một chút.
Sau khi họ đi, camera giấu kín sẽ quan sát xem trẻ có nhìn trộm lá bài khi ở một mình hay không.
Trẻ em được khen là thông minh trong nhóm được khen ngợi năng lực có xu hướng gian lận nhiều hơn trẻ chỉ được khen ngợi vì đã làm tốt
Ở thí nghiệm thứ hai, họ nói với một nhóm trẻ em là nghe nói bé rất thông minh, và lời khen này khiến chúng không thành thật hơn nữa.
‘Lời khen phức tạp hơn chúng ta tưởng,’ giáo sư Kang Lee, một trong những tác giả bài nghiên cứu cho biết.
‘Khen ngợi năng lực của trẻ tức là: với một hành vi cụ thể mang tính nhất thời, ta lại khen và nhận xét về năng lực mang tính cố định, ví dụ thông minh là một lời khen về năng lực cố định.
Điều này rất khác với các cách khen ngợi khác, như khen ngợi một hành vi cụ thể hoặc khen ngợi sự cố gắng.’
Vì vậy, khen trẻ rằng bé thông minh có thể gây hậu quả tiêu cực từ khi trẻ mới lên 3.
Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Li Zhao từ đại học Hàng Châu giải thích, do trẻ được khen ngợi năng lực sẽ bị áp lực phải làm tốt để đáp ứng kỳ vọng của người khác bằng mọi cách, kể cả gian lận.
Nhưng nếu trẻ chỉ được khen ngợi thành tựu, chúng sẽ không cảm thấy bạn đang kỳ vọng chúng phải luôn làm tốt, và chúng sẽ không cảm thấy áp lực.
‘Chúng ta muốn khuyến khích trẻ, muốn khiến chúng tự tin vào bản thân. Nhưng nghiên cứu khoa học cho thấy chúng ta phải học khen trẻ đúng cách, chẳng hạn phải khen một hành vi cụ thể,’ giáo sự Lee nói.
‘Chỉ có như vậy, lời khen mới mang lại tác động tích cực.’