THACO hé lộ bí quyết tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Bền bỉ trong việc đẩy mạnh sản xuất và cung ứng linh kiện theo hình thức OEM, THACO vẫn đều đặn được xuất khẩu ngay giữa thời điểm sản xuất của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

Công nhân điều khiển máy cắt vải CNC tại Nhà máy sản xuất ghế Thaco

Mặc cho những tác động của dịch bệnh khiến sản xuất nhiều nơi phải ngưng trệ, những lô hàng xuất khẩu của Công ty Ô tô Trường Hải (THACO) vẫn đều được chuyển đi. Có được kết quả như  hôm nay chính là nhờ THACO đã dày công và bền bỉ trong việc đẩy mạnh sản xuất và cung ứng linh kiện theo hình thức OEM (Original Equipment Manufacturer) để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

OEM - lựa chọn của người đi sau

Trong chuỗi giá trị toàn cầu, công ty làm OEM là nơi sản xuất cho công ty khác và sản phẩm được đưa ra thị trường dưới thương hiệu của công ty đặt làm sản phẩm.

Ngành công nghiệp ô tô thế giới là một trong những lĩnh vực phải sử dụng nhiều OEM vì linh phụ kiện phức tạp, thay đổi liên tục và nhu cầu cá nhân hóa cao. Trước đây, các hãng xe thường tự sản xuất linh kiện phụ tùng, nhưng hiện nay đã tăng tỷ lệ mua ngoài từ nhà cung cấp. Các nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) ngày càng gia tăng tính chủ động, sáng tạo trong khâu thiết kế, sản xuất sản phẩm, tư vấn các giải pháp cho doanh nghiệp đặt hàng; đồng thời cung ứng phụ tùng cho dịch vụ sau bán hàng. 

Thực tế, Việt Nam đã chậm chân trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng ô tô của khu vực và thế giới khi chỉ có lợi thế với những phụ tùng cồng kềnh, còn linh kiện chi tiết nhỏ, kỹ thuật cao gần như phải nhập khẩu; khả năng cung ứng linh kiện nội địa thấp, chỉ từ 10 - 30% tùy theo dòng xe.

Khoảng cách giữa yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia và năng lực đáp ứng của các nhà cung cấp linh kiện còn rất lớn. Do đó, để tham gia vào chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp Việt phải xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, đầu tư lớn về công nghệ, sản phẩm, nhân lực; đồng thời tăng cường kết nối với các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong và ngoài nước.

Không chỉ sản xuất lắp ráp ô tô mà còn đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, THACO là một trong những doanh nghiệp tiên phong tham gia vào chuỗi cung ứng linh kiện OEM. Công ty đã đầu tư sản xuất và cung cấp các linh kiện nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa cho các sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam của các hãng như Kia (Hàn Quốc), Mazda (Nhật Bản), Peugeot (Pháp), Mitsubishi Fuso (Nhật Bản).

Lắp ráp ghế ô tô

Từ OEM tới nhận chuyển giao công nghệ

Có ý chí, vạch ra được chiến lược dài hơi, nuôi khát vọng ngay từ đầu, sau gần 20 năm phát triển tại Chu Lai, THACO đã hình thành được nền sản xuất mang tính tích hợp cao, với giải pháp liên doanh, liên kết và tự đầu tư linh hoạt, phù hợp từng giai đoạn phát triển.

Bắt tay với các thương hiệu lớn, có tên tuổi lâu đời trong ngành công nghiệp ô tô thế giới là cách được vị thuyền trưởng của THACO xem là một cơ hội để bộ máy hiện có của mình học hỏi và trưởng thành hơn.

Các chi tiết, linh kiện ô tô do THACO sản xuất

Trên thực tế, THACO đã hợp tác sản xuất và cung ứng linh kiện phụ tùng với các nhà sản xuất ô tô, xe máy, các doanh nghiệp ở lĩnh vực khác trong và ngoài nước. Công ty đã đầu tư xây dựng khu công nghiệp sản xuất linh kiện ô tô lớn nhất Việt Nam tại Khu Kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) với quy mô 100 ha, gồm 12 nhà máy linh kiện phụ tùng và Tổ hợp Cơ khí sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ô tô và ngoài ngành ô tô.

Việc xuất khẩu nhiều loại sản phẩm linh kiện phụ tùng và liên tục mở rộng thị trường kinh doanh trong nước gần đây đã cho thấy kết quả của THACO khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Với thị trường trong nước, THACO cung cấp các sản phẩm: kính, nhíp, ghế, dây điện, máy lạnh, Audio, AVN, ống xả, moving parts, la phông trần, tappi sàn, tấm lót khoang hành lý, pallet nhựa xe đẩy hàng, sơn linh kiện nhựa, cản xe,  khuôn, linh kiện cơ khí ô tô, cơ khí xây dựng, cơ khí nông nghiệp, thiết bị công nghiệp… cho các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô của THACO tại KCN THACO Chu Lai và các công ty bên ngoài THACO.

Các chi tiết linh kiện,phụ tùng được sản xuất tại THACO

Đặc biệt, THACO đã trở thành nhà cung cấp OEM (cấp 1 và cấp 2) và xuất khẩu các sản phẩm như linh kiện composite, nhíp, cản xe, áo ghế, bọc cần số, khung ghế bằng vật liệu composite, thùng xe, bồn nhiên liệu, khuôn công nghiệp, xe đẩy hành lý sân bay, linh kiện cơ khí nông nghiệp… cho các đối tác Independence, Daewon, Shin Myung, Cellmech, SMT, JMK, Fori (Hàn Quốc); NAZA, C.N.A (Malaysia); Youngsan (Nga); TIP Composite, Hanaoka (Nhật Bản)...

Doanh thu xuất khẩu linh kiện năm 2019 đạt 15 triệu USD và dự kiến năm 2020 là 21 triệu USD.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch THACO

Tư duy của nhiều người Việt Nam là khi liên doanh, cứ để nước ngoài làm hết cho… khoẻ, chỉ cần chia lời cho mình hưởng. Điều này không đúng, bởi không ai đi làm để người khác hưởng lợi. Trong khi đó, cái mình cần là công nghệ và kỹ thuật của đối tác. Bởi vậy, đến giờ này, tôi chưa liên doanh mà chỉ ký hợp đồng chuyển giao công nghệ, nếu có cam kết liên doanh thì cũng sẽ nắm cổ phần chi phối 

Nhờ chiến lược phát triển phù hợp, THACO đã sở hữu hạ tầng công nghệ, thiết bị, kinh nghiệm sản xuất và quản trị. Là đối tác sản xuất lắp ráp và phân phối tại Việt Nam của các hãng Kia, Mazda, Peugeot, THACO nắm rõ yêu cầu, quy trình sản xuất và kiểm soát chất lượng linh kiện OEM theo tiêu chuẩn toàn cầu, trên cơ sở đó xây dựng lộ trình nội địa hóa các linh kiện phù hợp với tiêu chuẩn của các hãng xe.

Các nhà máy công nghiệp hỗ trợ được đầu tư dây chuyền công nghệ, thiết bị tiên tiến nhập khẩu từ châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… và áp dụng hệ thống sản xuất trên nền tảng số hóa, hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu.

THACO cũng đẩy mạnh liên doanh, liên kết để hợp tác, nhận chuyển giao công nghệ, gia tăng năng lực sản xuất; đầu tư hoạt động R&D, nâng cấp hệ thống máy móc, thiết bị thử nghiệm, kiểm tra sản phẩm trước khi xuất xưởng, phát triển đa dạng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm theo yêu cầu riêng biệt của khách hàng; tăng cường kết nối với các hiệp hội, tổ chức xúc tiến thương mại, khu công nghiệp, doanh nghiệp FDI và Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài... để mở rộng thị trường trong và ngoài nước.

Không bằng lòng với những kết quả đã có, hiện THACO đang đàm phán về hợp tác sản xuất và cung ứng linh kiện OEM cho các nhà máy sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, xe đạp điện tại Việt Nam và các doanh nghiệp FDI, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang Ecuador, Bồ Đào Nha, Ấn Độ, Đức, Australia, Mỹ, Ba Lan, Italia…

Khu công nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng THACO-Chu Lai

Nói về những thành quả ngày hôm nay, vị thuyền trưởng của Thaco cho rằng, đó là nhờ “không ngại chấp nhận sự thay đổi” và “luôn nỗ lực tìm lối ra để tồn tại và phát triển”.

Đấy cũng là lý do mà những lô hàng xuất khẩu ô tô thành phẩm hay sản phẩm cơ khí của THACO vẫn ngược xuôi tới các nơi trong hơn nửa năm qua, dù dịch bệnh vẫn khiến kinh tế khó khăn.

Yến Anh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan