Tại sao huyết áp cao lại nguy hiểm, thậm chí có thể đe dọa tính mạng của bạn?
Huyết áp cao là một yếu tố nguy cơ hơn là một vấn đề về tim mạch. Nó có thể âm thầm phá hủy cơ thể bạn trong nhiều năm trước khi những dấu hiệu xuất hiện rõ ràng.
Không kiểm soát cao huyết áp có thể khiến cơ thể bạn ốm yếu, chất lượng cuộc sống nghèo nàn, thậm chí là bệnh tim và đột quỵ gây tử vong.
Cách tốt nhất là điều trị kịp thời và thay đổi lối sống có thể giúp bạn kiểm soát bệnh một cách hiệu quả. Vậy tại sao người ta nói cao huyết áp rất nguy hiểm?
Gây tổn thương động mạch
Động mạch khỏe thường rất linh hoạt và có tính đàn hồi. Bên trong các động mạch trơn tru nên giúp dòng máu lưu thông tốt hơn, cung cấp các chất dinh dưỡng và oxy cho các cơ quan và tế bào cần thiết trong cơ thể.
Tăng huyết áp dần dần làm tăng áp lực máu chảy qua các động mạch. Do đó, bạn có thể có những nguy cơ như sau:
Các động mạch bị tổn thương và bị thu hẹp: Huyết áp cao có thể làm hỏng các tế bào của lớp lót bên trong động mạch của bạn. Thu nạp quá nhiều chất béo từ thực phẩm có thể đi vào mạch máu và phá hủy các động mạch. Cuối cùng, thành động mạch kém đàn hồi và lưu lượng máu lưu thông bị hạn chế.
Chứng phình động mạch: Theo thời gian, áp lực liên tục của máu di chuyển qua động mạch bị suy yếu khiến một phần của thành của nó mở rộng và tạo thành một khối phình (gọi là phình động mạch). Chứng phình động mạch có thể vỡ và gây chảy máu bên trong đe dọa đến mạng sống của bạn. Nó cũng có thể hình thành trong bất kỳ động mạch nào, nhưng chúng phổ biến nhất trong động mạch chủ (động mạch lớn nhất trong cơ thể).
Tổn thương tim
Huyết áp cao có thể gây tổn thương tim, bao gồm:
Bệnh động mạch vành: Xảy ra khi động mạch bị thu hẹp và tổn thương do huyết áp cao. Nó gặp khó khăn trong việc cung cấp máu cho tim của bạn. Khi máu không thể chảy tự do đến tim, bạn có thể cảm thấy bị đau thắt ngực, loạn nhịp tim (nhịp tim không đều) hoặc cảm thấy đau tim.
Tim dày lên: Khi bị huyết áp cao, tim của bạn cần phải làm việc cật lực để bơm máu đến phần còn lại của cơ thể. Điều này khiến tâm thất trái dày lên làm tăng nguy cơ suy tim, đau tim, và đột tử.
Suy tim: Huyết áp cao gây căng thẳng cho tim khiến nó bị suy yếu và hoạt động kém. Bệnh này không được điều trị kịp thời dẫn đến suy tim nhanh chóng.
Tổn thương não
Não của bạn phụ thuộc vào dòng máu nhận được hàng ngày để làm việc hiệu quả. Nhưng huyết áp cao có thể gây ra một số vấn đề cho não như:
Thiếu máu não thoáng qua (TIA) hay còn gọi là cơn đột quỵ nhỏ: Đó là sự gián đoạn tạm thời trong việc cung cấp máu cho não. Các động mạch cứng hoặc các cục máu đông do huyết áp cao có thể gây ra tình trạng này. TIA thường là một cảnh báo cho thấy bạn có nguy cơ đột quỵ toàn diện.
Đột quỵ: Nó xảy ra khi một phần não của bạn bị thiếu chất dinh dưỡng và oxy, khiến các tế bào bị chết đi. Mạch máu bị tổn thương do huyết áp cao có thể vỡ, rò rỉ hoặc bị thu hẹp. Nó cũng có thể hình thành các cục máu đông trong các động mạch dẫn đến não, khiến lưu lượng máu bị chặn và gây đột quỵ.
Mất trí nhớ: Các động mạch bị thu hẹp hoặc bị chặn có thể hạn chế lưu lượng máu đến não dẫn đến chứng mất trí nhớ (còn gọi là chứng mất trí nhớ do mạch máu). Đột quỵ làm gián đoạn lưu lượng máu đến não cũng có thể gây ra chứng mất trí nhớ mạch máu.
Suy giảm nhận thức nhẹ: Tình trạng này là giai đoạn chuyển tiếp giữa thay đổi sự hiểu biết và trí nhớ, đi kèm với sự lão hóa và các vấn đề nghiêm trọng hơn do chứng mất trí nhớ gây ra.
Tổn thương thận
Thận làm nhiệm vụ lọc chất lỏng dư thừa và chất thải từ máu, đòi hỏi các mạch máu khỏe mạnh. Nhưng huyết áp cao có thể phá hủy các mạch máu bên trong và dẫn đến đến phá hủy thận. Thêm vào đó, bị tiểu đường cộng với huyết áp cao có thể gây tổn thương nặng nề cho thận. Bạn có thể gặp một số vấn đề về thận do cao huyết áp như:
Viêm cầu thận: Nó xảy ra khi các mạch máu nhỏ trong thận bị sẹo và không thể lọc hiệu quả các chất lỏng cũng như chất thải từ máu. Viêm cầu thận có thể dẫn đến suy thận.
Suy thận: Huyết áp cao là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây suy thận. Các mạch máu bị tổn thương ngăn thận lọc chất thải từ máu gây tích tụ chất lỏng và chất thải trong cơ thể. Kéo dài tình trạng này khiến thận bị suy yếu trầm trọng.
Tổn thương mắt
Huyết áp cao có thể làm hỏng các mạch máu nhỏ, mỏng manh cung cấp máu cho mắt và gây ra một số vấn đề như:
Tổn thương võng mạc: Tổn thương mô nhạy cảm với ánh sáng ở võng mạc dẫn đến chảy máu mắt, mờ mắt và mất dần thị lực.
Chất lỏng tích tụ dưới võng mạc: có thể dẫn đến tầm nhìn bị hạn chế, thị lực bị suy yếu.
Bệnh thần kinh thị giác (tổn thương thần kinh): Lưu lượng máu bị chặn có thể làm hỏng dây thần kinh thị giác, dẫn đến chảy máu trong mắt hoặc mất thị lực.
Rối loạn chức năng tình dục
Rối loạn cương dương (không còn khả năng duy trì sự cương cứng) đang ngày càng phổ biến ở nam giới từ tuổi 50. Bên cạnh đó, những nam giới bị cao huyết áp cao thậm chí còn dễ bị rối loạn cương dương hơn. Đó là do lưu lượng máu bị hạn chế do cao huyết áp có thể ngăn dòng máu chảy đến dương vật.
Phụ nữ khi bị huyết áp cao còn có thể giảm ham muốn tình dục do lưu lượng máu đến âm đạo bị giảm. Ngoài ra, họ còn gặp một số vấn đề khác như giảm kích thích ham muốn, khô âm đạo hoặc khó đạt được cực khoáikhi quan hệ.
Huyết áp cao thường là một tình trạng mãn tính và có thể dần gây ra những tổn thương cho cơ thể. Theo các chuyên gia, khi ai đó bị cao huyết áp, họ cần điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Hi vọng với những cảnh báo trên đây, bạn sẽ chú ý về huyết áp của mình thường xuyên hơn nhé.