Theo thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Đoàn Dư Đạt, cao huyết áp (hay tăng huyết áp) là một bệnh lý mãn tính khi áp lực của máu tác động lên thành động mạch tăng cao. Huyết áp tăng cao gây ra nhiều áp lực cho tim (tăng gánh nặng cho tim) và là căn nguyên của nhiều biến chứng tim mạch nghiêm trọng như: tai biến mạch máu não, suy tim, bệnh tim mạch vành, nhồi máu cơ tim,...
Theo Hiệp hội Tim mạch Việt Nam, huyết áp đạt dưới 120/80 mmHg được coi là mức bình thường. Khi huyết áp luôn ở mức từ 140/90 mmHg trở lên thì được xem là tình trạng tăng huyết áp.
Có một số loại cao huyết áp chủ yếu như:
+ Cao huyết áp vô căn: Không có nguyên nhân cụ thể, chiếm đến 90% trường hợp
+ Cao huyết áp thứ phát: có liên quan tới một số bệnh trên thận, động mạch, bệnh van tim và một số bệnh nội tiết.
+ Cao huyết áp tâm thư đơn độc: Khi chỉ có huyết áp tâm thu tăng trong khi huyết áp tâm trương bình thường;
+ Cao huyết áp khi mang thai: Tăng huyết áp thai kỳ và tiền sản giật
Theo số liệu WHO, tại Việt Nam, ước tính hiện nay có khoảng 12 triệu người bị cao huyết áp, tức là cứ 5 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh.
Kết quả điều tra của Bộ Y tế (năm 2015) cũng cho thấy, hiện có 45% nam giới hút thuốc; 77% nam giới uống rượu bia, trong đó gần một nửa uống ở mức nguy hại. Người dân ăn muối nhiều gấp hai lần so khuyến nghị của WHO và khoảng 1/3 dân số thiếu hoạt động thể lực… Đây là yếu tố nguy cơ chính gây cao huyết áp, hoặc làm cho bệnh tiến triển nặng gây biến chứng tim mạch. Đặc biệt, trong số 12 triệu người mắc cao huyết áp ở cộng đồng hiện nay, có gần 60% chưa phát hiện được và hơn 80% chưa được điều trị…
Nguyên nhân, triệu chứng của bệnh cao huyết áp
Nguyên nhân: Trong hầu hết các trường hợp, cao huyết áp không rõ nguyên nhân. Khoảng 5-10% cao huyết áp là hệ quả của một số bệnh lý như bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận hoặc tác dụng phụ của thuốc tránh thai, thuốc cảm, hoặc các loại thuốc và đồ uống kích thích.
Cao huyết áp do thai kỳ thường xảy ra ở sau tuần thai thứ 20. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu máu trầm trọng, do nước ối quá nhiều, do đa thai, thai phụ còn trẻ hoặc khá cao tuổi, thai phụ có tiền sử cao huyết áp hoặc đái tháo đường.
Triệu chứng: Đúng như tên gọi “kẻ giết người thầm lặng”, bệnh cao huyết áp thường không có triệu chứng biểu hiện rõ rệt. Ở một số người, đó có thể là biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tại mất ngủ, nặng hơn là khó thở, suy giảm thị lực, mặt đỏ bừng, da tái xanh, nôn ói, hồi hộp, đánh trống ngực, hốt hoảng và hiếm hơn là chảy máu cam.
Chính vì không có triệu chứng rõ rệt nên khi bệnh ở giai đoạn nghiêm trọng, các biến chứng tim mạch có thể xuất hiện đột ngột và cướp đi sinh mạng người bệnh ngay lập lức.
Những người có nguy cơ cao huyết áp
Nếu bạn nằm trong nhóm nguy cơ này, hãy thường xuyên kiểm tra huyết áp để kịp thời điều trị nếu bị bệnh, tránh để bệnh tiến triển tới mức nguy hiểm:
+ Người lớn tuổi: Nhóm người này có nguy cơ cao vì thành mạch máu đã giảm tính đàn hồi
+ Giới tính: Đàn ông dưới 45 tuổi có nhiều khả năng bị hơn so với phụ nữ. Tuy vậy chị em sau mãn kinh cần chú ý bởi lúc này khả năng mắc bệnh cao huyết áp của phụ nữ lại cao hơn đàn ông
+ Tiền sử gia đinh: Nếu trong gia đình có người bị cao huyết áp thì nguy cơ bạn bị cao huyết áp là khá cao.
Ngoài ra, nếu bạn thừa cân béo phì, lười vận động, ăn uống không lành mạnh, lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá và bị căng thẳng thường xuyên thì bạn đang nằm trong nhóm nguy cơ cao đấy.
Hãy chăm chỉ đi kiểm tra sức khỏe nhé!
Với bệnh cao huyết áp, bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, một chế độ dinh dưỡng hợp lý sẽ giúp bạn giảm thiểu sự tiến triển của bệnh.
Thực phẩm người cao huyết áp cần tránh xa
Những người bị bệnh cao huyết áp, cần tránh xa những thực phẩm này nếu không muốn vào bệnh viện sớm:
1. Thực phẩm nhiều muối
Những thực phẩm như pho mát, các loại đồ hộp, đồ muối.. có chứa rất nhiều muối. Thực phẩm nhiều muối và chế độ ăn mặn là kẻ thù của người bị bệnh cao huyết áp. Nguyên nhân là muối làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp.
2. Thực phẩm nhiều cholesterol
Những loại thực phẩm nhiều cholesterol như mỡ động vật, thịt có màu đỏ, bơ thực vật, bắp rang bơ, các loại hạt như hạt điều, hạnh nhân, hạt thông, mì ống và pho mát…cần phải bị loại bỏ khỏi thực đơn ăn uống hàng ngày của người cao huyết áp. Người cao huyết áp khi ăn những thực phẩm này sẽ dẫn tới tình trạng dư thừa cholesterol. Cholesterol dư thừa sẽ tích tụ ở thành mạch máu và màng tế bào gây ra những mảng xơ vữa ở động mạch, dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ, mỡ máu, gout.
3. Caffein và chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá
Caffeine trong cà phê gây co thắt các mạch máu, làm tăng áp huyết của bạn.Hút thuốc có thể làm tăng huyết áp một cách đột biến và tăng huyết áp tâm thu nhiều hơn 4 mm thủy ngân (mm Hg). Chất nicotine trong sản phẩm thuốc lá kích thích hệ thần kinh để tạo ra những hóa chất làm co mạch máu và làm tăng huyết áp. Hút thuốc cũng gây tổn hại lâu dài cho mạch máu. Vì vậy, ngoài các nguy cơ làm cao huyết áp, thói quen kéo dài này sẽ làm tăng nguy cơ phát triển các vấn đề như đột quỵ, bệnh tim mạch và nhồi máu cơ tim.
Ngoài ra, kết hợp giữa hút thuốc lá và cao huyết áp sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ hoặc các tai biến tim mạch khác so với những người không hút thuốc bị cao huyết áp.
Cồn gây hại cho gan và còn ảnh hưởng đến mức huyết áp, làm tăng huyết áp, khiến bệnh tình trở nên nghiêm trọng hơn. Cồn gây ảnh hưởng đến huyết áp thông qua endothelin (một chất cảm ứng mạnh làm co mạch).
4. Nội tạng
Nội tạng động vật là loại thực phẩm có chứa nhiều đạm, chất béo bão hòa và cholesterol cao hơn nhiều so với các loại thực phẩm khác. Nội tạng đặc biệt có hại cho người bệnh cao huyết áp, mỡ máu, tim mạch, người cao tuổi, bệnh gout, thừa cân béo phì.
5. Đường
Việc ăn nhiều đường hơn mức cho phép có thể dẫn tới tình trạng thừa cân, béo phì – 1 yếu tố nguy cơ bị cao huyết áp. Hiệp hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo mỗi phụ nữ chỉ nên dùng 6 thìa đường hoặc 24gr đường/ngày. Đàn ông thì là 9 thìa hoặc 36gr/ngày.
6. Da gà và thực phẩm đóng hộp
Đây là những thực phẩm có nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, không tốt với người bị huyết áp cao. Nguyên nhân là ăn quá nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol xấu, làm tăng huyết áp và có thể dẫn tới bệnh động mạch vành.
Chất béo chuyển hóa được tìm thấy nhiều trong các sản phẩm sữa hoặc thịt nhiều mỡ. Tuy nhiên, chất béo chuyển hóa có nhiều nhất trong thực phẩm đóng hộp.
Hãy chú ý tới chế độ ăn uống và uống thuốc điều trị bệnh theo đúng quy định để giảm nguy cơ tử vong từ bệnh cao huyết áp bạn nhé!