Rất nhiều vụ bạo hành gia đình mà chủ yếu là người chồng hành hung, sử dụng bạo lực với vợ mình. Vậy phụ nữ có nên đi học võ để đối phó với chồng vũ phu hay không?
Bình luận về vụ việc võ sư đánh vợ đang bế con nhỏ với PV Gia Đình Mới, võ sư Nguyễn Khắc Phấn - Chưởng môn Thiên Môn Đạo cho rằng, người học võ chân chính, đi theo chính đạo sẽ không ra tay đánh người yếu hơn mình, nhất là vợ, con, người thân của mình.
Trả lời câu hỏi, phụ nữ có nên đi học võ để... đề phòng bị chồng đánh?, võ sư Nguyễn Khắc Phấn bày tỏ, nhiều người nghĩ rằng đi học võ để đấu lại với những người lỗ mãng, chống lại những ông chồng vũ phu, điều này là không đúng với tinh thần võ thuật.
Đi học để rèn luyện sức khỏe, biết cách ứng xử và cảm hóa những người lỗ mãng. Với một người vợ cũng vậy, khi không may lấy phải một người chồng vũ phu, luôn nổi cơn điên thì nên tránh đi chứ không phải tìm cách để đấu lại với người chồng vũ phu. Làm như vậy người vợ đó sẽ mất nhiều hơn được.
Cách khôn ngoan là dùng các biện pháp khác để tránh, khắc phục, kìm hãm nó chứ không nên lấy cứng đối cứng, như trong võ thuật hay nói là lấy nhu thắng cương.
Trong cuộc sống có những hoàn cảnh khác nhau xảy ra xung đột, người học võ họ sẽ rất linh hoạt để xử lý các tình huống, nhậy bén, khai mở trí tuệ, phản ứng kịp thời.
Theo Võ sư Nguyễn Khắc Phấn, học võ là để rèn luyện sức khỏe, để có một lối sống đúng đắn, hợp với truyền thống văn hóa, tuân thủ và thực hiện đúng pháp luật.
Người học võ chân chính phải biết bảo vệ, giúp đỡ những người yếu kém hơn, tôn trọng và chấp hành đúng pháp luật, biết yêu thương và biết cách đối xử để làm sao cảm hóa được những người không đúng tư cách đạo đức, người xúc phạm, gây hấn với mình mà không cần dùng đến bạo lực để giải quyết.
Người học võ đánh nhau là hạ đẳng, nhất là dùng võ để ra tay với những người thân của mình, những người yếu hơn mình như phụ nữ, người già, trẻ nhỏ… Điều này là không đúng với truyền thống võ học của Việt Nam.
"Chính vì vậy mà người học võ phải xác định cho mình hướng đi đúng, chọn đúng môn phái, chọn đúng người thầy để tầm sư học đạo, chứ không phải đi học võ tập luyện linh tinh, võ không biết có biết không nhưng tính cách không được rèn luyện, cư xử lỗ mãng, cậy mình có sức mạnh làm càng thì không được, như thế sẽ ảnh hưởng đến chính trị, an ninh trật tự” – Võ sư Phấn chia sẻ.
Người học võ nên được học và rèn luyện từ lúc nhỏ, theo một đường lối đạo, khi trưởng thành sẽ có những cách cư xử tốt hơn, đúng đắn hơn với những người xung quanh, không ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người trong gia đình và toàn xã hội.
Thiên Môn Đạo của tạo một đường lối đúng đắn, đúng pháp luật, đúng truyền thống văn hóa. Người học võ chân chính không bao giờ cậy mình mạnh hơn người khác, chúng tôi dạy các học trò khả năng nhẫn nhịn, chịu đựng cao hơn những người bình thường nên rất ít khi phải dùng đến nắm đấm để giải quyết những mâu thuẫn trong xã hội. Người học võ chân chính sẽ luôn biết nghĩ cho người khác, hy sinh cho người khác.
"Chính vì vậy mà trong giới võ thuật chúng tôi, để muốn xét một người học võ giỏi hay không phải xét về cách ứng xử, xem người ta đối xử với vợ con, người thân gia đình, bạn bè thế nào? Với người thân mà họ còn không đối xử đúng, không bảo vệ thì ra ngoài xã hội họ sẽ rất khó để tử tế với người khác.
Đi học võ có sức mạnh hơn mà lại dùng sức mạnh để làm việc trái với luân thường đạo lý, trái với đạo đức xã hội thì học bằng thừa. Giống như việc giao một vũ phí tối tân, vũ khí nguy hiểm cho một kẻ không biết sử dụng sẽ gây nguy hại cho xã hội” – Võ sư Phấn nói.