Khi gặp trường hợp có bạo lực gia đình các chị em cần “chạy” để bảo toàn tính mạng. An toàn rồi mới tính đến bước tiếp theo vì an toàn bao gồm cho bản thân và cảm xúc con trẻ.
Chia sẻ với Gia Đình Mới chuyên gia tâm lý Mạnh Linh cho rằng:
Hiện nay tình trạng bạo hành gia đình là một vấn đề được xã hội quan tâm trong đó có việc bố bạo hành mẹ và ngược lại mẹ bạo hành bố; con trẻ là người vô tình chứng kiến hoặc “cưỡng ép” chứng kiến.
Quan điểm của tôi, bạo hành gia đình là vấn đề cần được cả xã hội cùng chung tay tìm cách khắc phục, nhưng vai trò thuộc về người lớn, trẻ em không có trách nhiệm giúp giải quyết bạo lực gia đình của người lớn.
Việc trẻ trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình tôi thấy nhiều. Trường hợp này tôi không có bình luận gì nhiều. Vì tôi cho rằng các em không có trách nhiệm trong việc duy trì mối quan hệ của người lớn. Tôi chị có sự cảm thông sâu sắc và lòng thương đối với các bạn nhỏ trong hoàn cảnh này.
-PV: Thái độ “bình thường” của con trẻ khi thấy bố đánh mẹ trong 2 vụ việc gần đây có phải là bất bình thường không, thưa bà?
-Tôi cho rằng thái độ này không có gì bất bình thường cả. Vì theo quan điểm của tôi: Trẻ em không có trách nhiệm đi giải quyết bạo lực của người lớn và chúng cũng không có năng lực để giải quyết.
Lâu nay có những ông bố bà mẹ vẫn sử dụng con mình như một quân bài chiến lược: kiểu dùng con để giải quyết mâu thuẫn cho bố mẹ, bố đi chơi về khuya mẹ không hài lòng nhưng lại xui con gọi điện kêu bố về (trong khi thực tình đứa con có khi còn không mong bố về nhưng mẹ bảo gọi thì vẫn gọi - chưa hiểu hết ý nghĩa việc mình làm).
Như thế chẳng phải người lớn đang lạm dụng quyền đối với con sao? Theo tôi, người lớn có bạo hành thì người lớn cần đối diện để giải quyết.
Đứa trẻ trong những trường hợp chứng kiến bố bạo hành mẹ hoặc ngược lại mà thái độ dửng dưng có thể là do một số các giả thuyết sau:
Có thể do trẻ chứng kiến nhiều quá nên thành thói quen “chuyện như cơm bữa có gì đâu”. Có thể là do trẻ sợ bị đánh do vào hùa nên tạo một lớp vỏ ngụy trang là không thiên về bên nào để bảo vệ chính mình.
Có thể do trẻ sợ quá mà không phản ứng được. Có thể trẻ đã từng phản ứng và bị đòn. Có thể trẻ đã có nhận thức đúng – sai (nhận thức nhân – quả) nên trẻ hiểu theo cách sai thì bị đánh là chuyện bình thường...
Dù trẻ phản ứng như nào đi chăng nữa thì tôi vẫn không quy trách nhiệm có tên của bọn trẻ, tôi chỉ dành cho những em nhỏ hoàn cảnh đó sự thấu hiểu sâu sắc và tình thương mà thôi.
Nếu bảo trẻ phải phản ứng thì tôi cho rằng đã bắt ép trẻ ( người lớn còn chưa phản ứng phù hợp được thì trẻ con khó lắm). Gặp tình huống đó đứa trẻ nào cũng sợ hãi. Mà sợ hãi thì tìm cách trấn an sợ hãi đã vất vả lắm rồi, tìm cách để can thiệp bạo lực của người lớn thì khó lắm!
-Thường xuyên chứng kiến cảnh này thì em bé sẽ gặp diễn biến tâm lý như thế nào trong tương lai? Trong quá trình làm nghề tư vấn bà có gặp trường hợp trẻ nào bị bất thường về tâm lý hành vi sau này khi từng phải chứng kiến bố mẹ bạo hành?
-Những trẻ em chứng kiến bạo lực gia đình sẽ có xu hướng bạo lực ở trường lớp hoặc các mối quan hệ của các em.
Một số khác lại không dùng bạo lực nhưng có tâm lý tổn thương là điều chắc chắn. Có thể bộc lộ tổn thương tức thời sau thời điểm chứng kiến bạo hành nhưng cũng có những em sau nhiều năm dồn nén thì những uất ức trở thành những dồn nén làm sai lệch cảm xúc, nhận thức và hành vi của các em.
Tôi lấy ví dụ: học sinh nam chứng kiến bố đánh mẹ có thể có hệ quả trông thấy là em ấy sẽ hay có xu hướng đánh bạn, tuy nhiên cũng có những em sau nhiều năm em dồn nén, em ghét bố, không muốn trở thành người giống bố nhưng lại thấy mình ngày càng giống bố.
Điều đó gây ra vấn đề nhiễu tâm cho em (không muốn chấp nhận con người mình => có thể lệch giới, muốn thay đổi giới tính, tìm cách thay đổi giới tính. Tôi đã từng trị liệu can thiệp với một vài học sinh dạng này.
-Đứng ở góc độ người phụ nữ, theo bà trường hợp gặp chồng vũ phu thì ứng xử sao để không rơi vào cảnh bị thượng cẳng chân, hạ cẳng tay?
-Với quan điểm của tôi, phụ nữ cần được nuôi dạy ở một môi trường bình an, hạnh phúc, ngoài việc nâng cao kiến thức văn hóa thì còn được học để phát triển các giá trị của bản thân.
Một người phụ nữ có hiểu biết, có tâm hồn khỏe mạnh thì không lựa chọn một người đàn ông vũ phu. Lựa chọn sai là cái mốc đầu tiên để bản thân phải gánh chịu hậu quả.
Nuôi dạy là cả một quá trình dài hơi. Sau quá trình này thì theo tôi mỗi bạn gái khi tốt nghiệp THPT cần được học về tâm lý học tình yêu và hôn nhân, gia đình.
Tôi vẫn đang làm các khóa đó nhưng phần đông lại là các chị em có chồng rồi, vấp váp rồi mới quay lại học. Lẽ ra nên học từ sớm, lúc là sinh viên mà tốt nhất là học THPT đã nên học rồi, vì lứa tuổi này các em đã xác định tình yêu gắn kết.
Được học “chuyên khoa” (học mấy khóa lởm làm kinh doanh tôi không tính) thì các em sẽ có kiến thức, có kĩ năng xử lý tình huống, hiểu quả trình vận hành và duy trì tình yêu cũng như cuộc sống hôn nhân gia đình, hiểu tâm lý đối phương.
Nếu có như này thì làm gì đến lúc chị em bị đánh. Sự hiểu biết và kỹ năng ứng phó là cách để chị em thoát khỏi bạo lực gia đình.
Nhưng cũng không tránh khỏi việc lựa chọn phải những kẻ ngụy trang giỏi thì khi gặp trường hợp có bạo lực gia đình các chị em cần “chạy” để bảo toàn tính mạng và giữ gìn khuôn mặt xinh đẹp.
Đừng cố tranh thắng, tranh giỏi giang, tranh thể hiện làm gì rồi bị ăn đòn. An toàn rồi mới tính đến những bước tiếp theo. An toàn ở đây bao gồm cả an toàn cho bản thân và an toàn cho cảm xúc của con trẻ.
-Nhiều người nói rằng: đánh lại chồng hoặc đi học võ để đối phó, bà có ủng hộ quan điểm lấy bạo lực trả đũa bạo lực không?
-Như trả lời ở phần trên, tôi không đồng tình với việc trả đũa học đi học võ. Học võ chỉ là cách chống chế thôi.
Nếu giả sử học võ, chồng đánh vợ sứt đầu, vợ đánh lại chồng mẻ tai. Vậy khi ngưng cuộc chiến thì “người thương binh” khó xây lại gia đình bằng tình yêu thương mà chỉ có hận thù, làm gì có gia đình nữa.
Giữ gia đình là cả một nghệ thuật mà cả chồng và vợ là nghệ nhân, con cái là sản phẩm của nghệ nhân. Việc gia đình có bạo lực là do thiếu hiểu biết về tâm lý đối phương, thiếu kiến thức về hôn nhân và gia đình.
Vì vậy chị em và cả những người đàn ông muốn có cuộc sống hạnh phúc thì nên học tiền hôn nhân, đó mới là cái gốc của vấn đề!
Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!