Tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực trong đời và bạo lực hiện thời của nhóm phụ nữ có trình độ tiểu học hoặc không đi học đều cao hơn so với nhóm phụ nữ có trình độ trung học phổ thông, cao đẳng hoặc đại học và trên đại học.
Bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu
Câu chuyện của chị Hoàng Thị Mai và những thống kê của cuộc điều tra bạo lực với phụ nữ quốc gia lần thứ hai ở Việt Nam do Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam công bố ngày 14/7/2020 là một minh chứng về tình trạng bạo lực trong gia đình Việt hiện nay.
Cũng cần nhắc thêm rằng, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã thực hiện thành công điều tra quốc gia lần thứ hai về bạo lực đối với phụ nữ.
Gần 6.000 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 - 64 đã được phỏng vấn tại cuộc điều tra lần thứ 2. Theo đó, cứ 3 phụ nữ thì có khoảng 2 phụ nữ (gần 63%) bị một hoặc hơn một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế cũng như bị kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời.
Gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua). Phụ nữ khuyết tật bị các hình thức bạo lực do chồng gây ra cao hơn so với phụ nữ không bị khuyết tật.
Đáng chú ý, Báo cáo còn chỉ ra rằng, bạo lực đối với phụ nữ vẫn bị che giấu. Một nửa phụ nữ bị chồng bạo lực chưa bao giờ kể với bất kỳ ai. Gần như tất cả phụ nữ (90,4%) bị chồng bạo lực đã không tìm sự giúp đỡ từ các các cơ quan chính quyền, chủ yếu là do sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà.
Trẻ em cũng là nạn nhân khi sống trong môi trường bạo lực. Trong số phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác, 61,4% cho biết con cái họ đã từng chứng kiến hoặc nghe thấy bạo lực. Phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục nói rằng con cái họ (5-12 tuổi) thường có các vấn đề về hành vi.
Những rào cản đã biết
Lý giải về nguyên nhân của việc “bạo lực với phụ nữ vẫn bị che giấu”, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam cho rằng: Do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự im lặng, kỳ thị của cộng đồng và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản khiến người bị bạo lực không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Có thể thấy định kiến giới và “văn hóa đổ lỗi” là những rào cản đã cũ và đã biết, nhưng vẫn chưa được khắc phục triệt để.
Cũng chính vì thế mà cuộc điều tra quốc gia lần thứ hai đã “giúp chúng ta hiểu hơn về những điều đã thay đổi và chưa thay đổi kể từ cuộc điều tra lần thứ nhất vào năm 2010, cũng như những việc cần phải thực hiện nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam”.
Báo cáo của cuộc điều tra lần hai này cũng cho thấy, tuy tỷ lệ bạo lực đối với phụ nữ ở tất cả các hình thức năm 2019 đều thấp hơn so với năm 2010, nhưng tỷ lệ phụ nữ bị chồng bạo lực tình dục lại cao hơn khá nhiều.
Cụ thể, con số năm 2019 là 13,3%, cao hơn so với năm 2010 (9,9%). Điều này đặc biệt đúng ở nhóm phụ nữ trẻ ở độ tuổi từ 18 - 24 (13,9% năm 2019 so với 5,3% năm 2010), đặc biệt có 4,4% phụ nữ cho biết họ đã bị lạm dụng tình dục trước tuổi 15.
“Mặc dù điều này phản ánh sự gia tăng của tình trạng bạo lực nhưng cũng có thể là kết quả của sự thay đổi xã hội mà ở đó phụ nữ cởi mở hơn khi nói về chủ đề tình dục và bạo lực tình dục. Trong tương lai cần có nghiên cứu và phân tích sâu hơn để xác định được đúng xu hướng này” - ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ KH&ĐT nêu quan điểm.
Báo cáo nhận định, bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và sức khỏe thể chất, tinh thần phụ nữ. Ước tính thiệt hại kinh tế do bạo lực gây ra cho nền kinh tế Việt Nam tương đương với 1,8% GDP.
Theo bà Naomi Kitahara - Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tại Việt Nam, nếu không giải quyết vấn đề bạo lực đối với phụ nữ thì Việt Nam không có cách nào đạt được Mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030. Việt Nam chỉ còn 10 năm để thực hiện điều đó.
Phụ nữ trẻ không cam chịu bạo lực
Báo cáo của cuộc điều tra bạo lực với phụ nữ quốc gia lần thứ hai ở Việt Nam cũng cho thấy, ngày nay tình trạng bạo lực thể xác đã có xu hướng thay đổi khi phụ nữ trẻ tuổi đã biết tự bảo vệ mình.
Báo cáo cho thấy tỷ lệ phụ nữ bị bạo lực trong đời và bạo lực hiện thời của nhóm phụ nữ có trình độ tiểu học hoặc không đi học đều cao hơn so với nhóm phụ nữ có trình độ trung học phổ thông, cao đẳng hoặc đại học và trên đại học.
Từ góc độ của Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhận định, thay đổi tích cực đang diễn ra rõ nét ở nhóm phụ nữ trẻ tuổi, họ không cam chịu và mạnh mẽ hơn trong đấu tranh với bạo lực.
Những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị bạo lực cũng thấp hơn và điều này cho thấy học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp phụ nữ tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống. Điều này có nghĩa rằng chúng ta phải đầu tư đúng hướng vào nhóm người trẻ tuổi để lên tiếng, đẩy mạnh sự thay đổi trong xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ.
Đây cũng là mục tiêu hướng tới khi Bộ VH-TT&DL xây dựng và đưa vào thí điểm Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình tại nhiều tỉnh thành để tiến tới áp dụng toàn quốc. Theo Bộ tiêu chí, trong gia đình ngày nay, vợ chồng đều bình đẳng. Nếu người chồng chỉ muốn thỏa mãn “cái tôi”, coi vợ phải phục tùng chồng, không cho vợ bày tỏ quan điểm, chính kiến, không lắng nghe và tôn trọng vợ thì người chồng không chỉ xúc phạm nhân cách của vợ mà còn tự phá hoại hạnh phúc của chính mình và gia đình.
“Cuộc sống gia đình không phải lúc nào cũng hạnh phúc, êm đẹp mà cũng trải qua những sóng gió, khó khăn, bất đồng. Không phải ai cũng có những kỹ năng tốt để xử lý cơn nóng giận hoặc đối mặt với khó khăn một cách bình tĩnh, tuy nhiên người chồng – vốn được coi là trụ cột gia đình, chỗ dựa vững chãi của người vợ không nên hành xử cộc cằn, thô lỗ, bạo lực mà hãy cố gắng trao đổi, xử lý mọi khúc mắc theo chiều hướng tích cực” – Bộ tiêu chí nhấn mạnh.
Hồng Minh/PLVN