Ngày 7/5, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết các dịch vụ trợ giúp khẩn cấp trên khắp châu Âu đã ghi nhận số cuộc gọi liên quan tới bạo lực gia đình tăng đột biến trong bối cảnh các biện pháp phong tỏa được áp đặt tại hầu khắp các nước trong châu lục.
Hàng tỷ người trên toàn cầu đã phải tuân thủ các quy định ở trong nhà và hạn chế ra ngoài, và giới chuyên gia cho rằng phụ nữ và trẻ em là những đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương trước những hành vi lạm dụng và ngược đãi trong giai đoạn này.
Giám đốc khu vực châu Âu của WHO Hans Kluge cho biết tính riêng trong tháng 4 vừa qua, các nước đã ghi nhận các cuộc gọi khẩn cấp tìm kiếm sự trợ giúp từ những người phụ nữ bị chồng hay bạn tình bạo hành tăng tới 60%.
Theo WHO, bạo lực gia đình thường tăng trong những giai đoạn khủng hoảng, và càng trầm trọng hơn do các biện pháp hạn chế đi lại. Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) ước tính sẽ có thêm 31 triệu trường hợp bạo lực gia đình trên thế giới nếu các biện pháp phong tỏa vẫn được duy trì trong 6 tháng tới.
Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) vừa tổ chức tọa đàm “Bạo lực giới thời COVID-19”.
Bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc CSAGA nhận định, không phải vì dịch bệnh mà các vấn đề xã hội khác dừng lại. Bạo lực vẫn tồn tại, thậm chí có sự chuyển biến phức tạp. Thế nhưng đôi khi những lời kêu cứu của các nạn nhân không được xử lý kịp thời và thỏa đáng.
“Tôi mong muốn mỗi gia đình có thể tìm ra phương pháp, cách thức để sống vui vẻ với nhau trong mùa dịch bệnh. Mỗi thành viên cần tự điều chỉnh tâm lý, giảm căng thẳng không cần thiết, hạn chế xung đột dẫn đến bạo lực gia đình. Tuy nhiên, nếu bạn bị bạo lực thì hãy chia sẻ, hãy tìm kiếm sự hỗ trợ chứ không phải cố gắng chịu đựng” - bà Vân Anh lưu ý.
Tuấn AnhBạn đang xem bài viết WHO: Bạo lực gia đình tăng vọt tại châu Âu trong thời gian đại dịch COVID-19 tại chuyên mục Giới & Phát triển của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].