Theo thông báo mới nhất, Lễ hội vật cầu bùn sẽ chính thức diễn ra vào ngày 27/5/2018 tại sân đình Làng Vân. Đây là lễ hội vô cùng thú vị, giàu bản sắc dân tộc, được nhiều nhiếp ảnh gia, người dân mong chờ.
Sở dĩ lễ hội này được nhiều người mong chờ bởi hình ảnh vật giữa sân đình ngập bùn vô cùng ấn tượng. Trai làng mình trần đóng khố, vật nhau, đẩy cầu trơn bùn từ đầu này sang đầu kia của sân để tìm cách ghi điểm.
Lễ hội vật cầu bùn xuất phát từ việc rèn quân chống giặc ngoại xâm của các tướng lĩnh ngày trước. Do thường xuyên phải chống lại các cuộc xâm chiếm của quân xâm lược phía Bắc, các tướng quân thường xuyên phải cho lính tập luyện võ nghệ, giỏi giáp chiến, tinh thông môn vật truyền thống.
Đặc biệt, trong tập luyện còn cần phải có tính giải trí tạo hào hứng cho quân sĩ. Vì vậy mỗi nơi có một cách tập luyện riêng, nhất là khi môn này được đưa về các vùng quê có truyền thống võ nghệ, có người làm tướng.Vì vậy, có thể thấy có vật cầu trên sân đất, trên sân bùn lầy và có nơi lại biến tấu thành dạng cướp phết, giằng cầu…
Lễ hội năm nay chính thức diễn ra từ ngày 26/5 (tức thứ 7) với các nghi thức lễ và phong cờ ở Đình, Đền, Chùa. Chiều cùng ngày sẽ diễn ra những trận đấu đầu tiên trong vòng loại của vật cầu bùn.
Trong ngày 27/5 (tức Chủ Nhật), các trận đấu tiếp theo vẫn diễn ra vào buổi chiều, từ 13h30 đến 17h
Ngày 28/5 (tức thứ 2), trận Chung kết sẽ diễn ra giữa các đội mạnh nhất để tìm ra nhà vô địch năm 2018.
Một điều bạn cần biết, tại các cuộc thi đấu này sẽ có sự xuất hiện của những đô vật cổ truyền trong đội tuyển quốc gia, vốn là con cháu Làng Vân.
Tinh thần thi đấu vật cầu bùn luôn đề cao sự vui vẻ, hoà khí, không có va chạm dẫn đến xô xát như một số lễ hội tương tự.
Do sân đình khá nhỏ, lại có bùn nhiều, bắn bẩn nên lượng khách có thể ghé xem được không nhiều.
Bạn nên cân nhắc chọn 1 trong 3 buổi thi đấu để đến dự. Như vậy sẽ có cơ hội được xem trận đấu nhiều hơn.
TRUYỀN THUYẾT VỀ LỄ HỘI VẬT CẦU BÙN:
Tục truyền rằng, khi xưa có hai anh em Trương Hống, Trương Hát đi theo Triệu Quang Phục đánh giặc, khi đánh thắng quân Lương trở về đầm Dạ Trạch thì bị bọn quỷ đen ở đầm quấy phá. Hai bên xung trận, bọn quỷ ra điều kiện, nếu thắng, chúng phải được thưởng lớn; còn nếu thua, chúng sẽ quy phục theo hầu nhà thánh. Cuối cùng bọn quỷ đen thua trận, phải quy phục đức thánh Tam Giang ở đây.
Chính vì vậy, dân làng Vân mở hội vật cầu (còn gọi là hội Khánh Hạ) vào ngày hóa của đức thánh, là với ý nghĩa hội mừng chiến thắng. Trước kia đây là vùng đất trũng hay bị lụt lội cho nên những năm sau này, để tránh lụt lội, hội vật cầu được tổ chức trong ba ngày là 12, 13, 14 tháng 4 âm lịch hằng năm. Quả cầu ở đây tượng trưng cho mặt trời. Nó được mang, được vác, được tung từ Đông sang Tây theo hướng mặt trời mọc và lặn. Cướp được cầu cũng có nghĩa là cướp được mặt trời, cướp ánh nắng cho lúa khoai.