Lụa tơ sen – ‘độc nhất vô nhị’ ở Việt Nam

Lụa tơ sen là một loại vải được dệt bằng sợi kéo từ cuống sen. Đây là sản phẩm “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận (ở Mỹ Đức, Hà Nội) sản xuất.

Độc đáo nghề rút tơ sen dệt lụa

Xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (cách trung tâm Thủ đô khoảng 40km) nổi tiếng với nghề nuôi tằm, dệt lụa truyền thống. Những năm gần đây, làng quê tự hào khi nghệ nhân Phan Thị Thuận nghiên cứu làm thành công lụa tơ sen và làm ra nhiều sản phẩm giá trị từ tơ sen.

Hàng năm, cứ đến mùa sen (từ tháng 6 đến tháng 8) là gia đình bà Thuận lại bước vào giai đoạn khai thác tơ sen. Ngoài việc khai thác tơ sen từ đầm sen của nhà, bà Thuận còn đi khắp nơi trong và ngoài huyện để tìm đầm sen đặt hàng làm nguyên liệu sản xuất lụa tơ sen.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận đi khai thác thân sen lấy tơ

Nghệ nhân Phan Thị Thuận đi khai thác thân sen lấy tơ

Tơ sen được lấy từ thân cuống lá, thân cuống hoa khi còn tươi. Đây là công đoạn khó và phức tạp, đòi hỏi sự tỉ mỉ, bền bỉ, kiên nhẫn và khéo léo của người thợ.

Lụa làm từ tơ sen là loại lụa quý hiếm và đắt đỏ, bởi quy trình sản xuất lụa rất cầu kỳ, phức tạp. Toàn bộ quá trình đều được thực hiện thủ công, tỉ mỉ, đúng quy trình nếu không sẽ bị hỏng. Cây sen sau khi được thu hoạch lên từ đầm thì đem rửa sạch, tách lấy thân, loại bỏ gai ở thân sen và đem kéo sợi ngay khi còn tươi.

Người thợ dùng dao khéo léo khứa xung quanh cuống sen rồi từ từ vặn thân sen kéo dài ra lấy tơ, đồng thời vê cho sợi tơ xoắn tròn lại với nhau. Công đoạn này đòi hỏi độ khéo léo rất cao, lực khứa trên thân sen phải vừa đủ vì nếu khứa quá sâu sợi tơ bên trong sẽ đứt còn nếu quá nông thì sẽ không vặn được thân lấy tơ. Một người thợ lành nghề mỗi ngày cũng chỉ làm được 200 cuống sen.

Bà Thuận hướng dẫn các em học sinh cách rút và vê sợi tơ từ thân sen

Bà Thuận hướng dẫn các em học sinh cách rút và vê sợi tơ từ thân sen

Sợi tơ sau khi được kéo ra phải bảo quản cẩn thận bằng cách giữ ẩm và làm mát cho sợ tơ. Sau đó sợi tơ được đem vào guồng dệt thành vải. Vải dệt từ tơ sen sẽ được luộc lên ở nhiệt độ cao cho tan hết nhựa sen.

“Quy trình sản xuất lụa tơ sen cầu kỳ, phức tạp, trung bình để sản xuất ra sợi tơ, dệt thành vải và làm ra sản phẩm thời trang cần đến gần 20 công đoạn, trong thời gian cả tháng. Chính vì vậy mà lụa tơ sen được ví là một trong những loại vải đắt nhất thế giới. Dù giá thành cao nhưng lụa tơ sen lại rất được lòng người dùng bởi giá trị thực tế mang lại” - nghệ nhân Phan Thị Thuận chia sẻ.

Sản phẩm tơ lụa với nhiều kiểu dáng thêu hình hoa sen

Sản phẩm tơ lụa với nhiều kiểu dáng thêu hình hoa sen

Lụa tơ sen kết tinh từ khí đất trời

Từ năm 2016, bà Thuận bắt đầu nghiên cứu làm lụa tơ sen. Năm 2017 những sản phẩm lụa tơ sen đầu tiên được làm ra rất kỳ công nhưng quá trình sử dụng lại thấy chưa ưng ý lắm. Sau nhiều lần cải tiến, sản phẩm lụa tơ sen hoàn thiện và được đưa ra thị trường. Mỗi sản phẩm làm từ lụa sen tốn rất nhiều công sức và thời gian nên chỉ những người sành về lụa mới dám dùng hoặc đặt hàng mua.

Bà Thuận chia sẻ thêm: “Người đã sử dụng sản phẩm từ lụa tơ sen đều rất thích. Bởi lụa tơ sen bền và thoáng mát, được kết tinh từ khí đất trời nên đem lại hương thơm thảo mộc tự nhiên, tạo cảm giác thoải mái cho người sử dụng. Hơn nữa, tơ sen được rút tay và vê lại có độ co giãn nhẹ, dệt thành vải không bao giờ bị nhăn. Hiện có rất nhiều sản phẩm được làm từ lụa tơ sen như túi, khăn tay, khăn quàng cổ, vỏ bọc sổ sách, tranh trang trí…”.

Bà Thuận giới thiệu về sản phẩm làm từ lụa tơ sen

Bà Thuận giới thiệu về sản phẩm làm từ lụa tơ sen

Lụa làm từ tơ sen là loại lụa quý hiếm và đắt đỏ vào hàng bậc nhất thế giới do quy trình sản xuất khó, phức tạp, cầu kỳ và lượng nguyên liệu có giới hạn (theo mùa vụ). Để làm ra được một chiếc khăn tay nhỏ thêu hoa sen, bà Thuận phải mất khoảng 14 ngày, từ việc đi lấy cuống sen và rút sợi, chọn sợi để dệt vải, chọn sợi để nhuộm màu thêu hoa, dệt vải, luộc vải, làm thành khăn và thêu hình hoa sen lên khăn. Cả quy trình cầu kỳ kéo dài khoảng nửa tháng được bà Thuận gói gọn trong câu thơ: “Rút Tơ từ ruột se lên sợi/Dệt tấm khăn thơm đọng đất trời”.

Không chỉ xây dựng được thương hiệu cho làng dệt Phùng Xá mà bà Thuận còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ gia đình ở địa phương. Hàng năm, vào dịp hè, nghệ nhân Phan Thị Thuận lại tổ chức các lớp học nghề cho các em học sinh trong vùng, giúp các em hiểu thêm về nghề dệt truyền thống của quê hương cũng như tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Nghệ nhân Phan Thị Thuận tổ chức lớp học nghề cho các em học sinh trong vùng

Nghệ nhân Phan Thị Thuận tổ chức lớp học nghề cho các em học sinh trong vùng

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, hiện cây sen được phát triển ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội gắn với du lịch sinh thái và làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may, chế biến hương liệu, tinh bột… Đặc biệt, trong số đó có sản phẩm lụa tơ sen được làm từ tơ sen - “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận sản xuất.

Sản phẩm làm từ tơ sen - “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam

Sản phẩm làm từ tơ sen - “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam

TP.Hà Nội đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi để phù hợp với tiến trình đô thị hóa và xây dựng đô thị sinh thái bền vững.

Đây cũng là hoạt động cụ thể hiện thực hóa Chương trình 04 của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 06 về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội.

Linh Nhi

Tin liên quan

từ khóa Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO Bất động sản- Tài chính