Gắn bó với nghề ướp trà sen từ bé
Từ khi còn bé, năm nào đến mùa hoa sen là bà Ngô Thị Thân (69 tuổi, chủ thương hiệu Trà sen Bà Dần ở Tây Hồ, Hà Nội) cũng phụ mẹ ướp trà và được mẹ từng chút một dạy nghề ướp trà sen. Nhưng vì yêu thích hoa nên khi trưởng thành, người con gái đất Hà Thành đã chọn bán hoa tươi để thỏa niềm yêu thích hoa của mình.
Tuy nhiên, chỉ bán hoa tươi được vài năm, bà Thân đã bị mẹ mình thuyết phục quay về nghề ướp trà sen, về để giữ lấy nghề truyền thống của gia đình. “Có lẽ là nghề chọn người nên tôi không thể từ chối được yêu cầu của mẹ. Nhà có đông anh chị em nhưng cũng chỉ có tôi theo nghề của mẹ. Hơn nữa, công việc làm trà ướp sen cũng được tiếp xúc với các loại hoa như hoa sen, hoa nhài, hoa bưởi, hoa cúc…, đúng theo sở thích của tôi nên tôi quay lại với nghề ướp trà sen và gắn bó đến bây giờ” – bà Thân nói.
Mặc dù đã truyền lại nghề ướp trà sen cho con gái, nhưng đến nay dù đã 101 tuổi, mẹ bà Thân (cụ bà Nguyễn Thị Dần) vào mùa sen vẫn cùng các con cháu tỉ mỉ chọn hoa, tách gạo sen, ướp trà sen, tạo ra sản phẩm trà ướp sen Tây Hồ đặc biệt được nhiều người yêu thích.
Nói về nghề ướp trà sen, bà Thân chia sẻ: “Công việc này không quá khó vì từ bé tôi đã làm được rồi. Nhưng nó đòi hỏi sự tỉ mỉ và kiên trì. Đầu tiên là việc chọn trà. Gia đình tôi thường sử dụng loại trà Thái Nguyên thượng hạng. Tiếp đó là chọn sen. Sen dùng để ướp trà phải là sen bách diệp (trăm cánh) Hồ Tây mới cho hương vị đặc biệt”.
Công đoạn thu hái sen cũng rất công phu. Hoa sen nở có giờ nên người hái phải chọn thời điểm sáng sớm (khoảng 4 – 5 giờ sáng), khi chưa có ánh nắng mặt trời. Những bông hoa sen thấm đẫm sương đêm, ngậm đủ tính túy của đất trời mới chớm nở, hé miệng sáo là thời điểm cho hương tốt nhất.
Hoa sen hái từ Đầm Trị về được bứt cánh, lấy phần gạo màu trắng đục, nhỏ li ti đậu trên sợi chỉ vàng ở đầu nhụy hoa. Công đoạn lấy gạo sen là khó nhất. Người làm phải rất khéo léo, nhanh tay để hạt gạo sen không bị nát và bay mất hương thơm.
Sau khi thu được gạo sen thì đem đi ướp trà. Cứ một lớp trà lại rải một lớp gạo sen, ướp trong 1 đêm. Sau đó trà được đem sấy để giữ đẫm hương sen. Có nhiều cách để sấy trà nhưng gia đình bà Thân vẫn luôn sấy thủ công bằng hơi nước. “Qua nhiều năm làm nghề ướp trà sen, từng thử nhiều cách sấy trà, mẹ tôi nhận thấy cách sấy bằng hơi nước đem lại hiệu quả tốt nhất, mà lại giữ được hương vị thơm ngon của trà sen. Sau đó mẹ đã dạy lại cách sấy này cho tôi. Trước kia bà cũng đã từng sấy trà bằng than củi nhưng thấy cách sấy này rất vất vả mà dễ bị cháy trà, trà bị gẫy vụn, có mùi khói, làm giảm hương vị”.
Gói trọn tinh hoa nghìn bông sen
Trà sau khi được sấy khô vừa đủ thì đem sàng bỏ lớp gạo sen cũ, rồi tiếp tục ướp lớp gạo sen mới. Để làm ra được 1 kg thành phẩm trà sen truyền thống, bà Thân cần khoảng 1 kg gạo sen và ướp, sấy từ 5 – 7 lần để hương sen ngấm vào trà. Cũng có nghĩa là phải mất 15 ngày ủ rồi sấy, rồi lại ủ, sấy… mới có một mẻ trà sen.
Mà để có được 1kg gạo sen thì phải lấy khoảng 1.000 bông sen Hồ Tây. Mùa sen cũng chỉ kéo dài rất ngắn, khoảng từ tháng 6 đến tháng 8, nên số lượng trà sen truyền thống ướp được mỗi năm ở nhà bà Thân cũng không nhiều. Vào mùa sen, mỗi ngày gia đình bà làm cả nghìn bông sen để ướp trà, huy động toàn bộ con cháu trong nhà mỗi người một việc.
“Sống bằng nghề ướp trà sen không giàu được, nhưng nó ngấm vào máu rồi, vẫn nhớ và mong mỏi mỗi mùa sen tháng 6. Hết mùa sen gia đình tôi chuyển sang làm các loại trà hoa nhài, hoa bưởi… để duy trì kinh tế” – bà Thân chia sẻ.
Những năm gần đây, gia đình bà Thân làm thêm trà sen ướp xổi, hay còn gọi là trà sen ướp nguyên bông. Sen dùng để ướp trà vẫn là những bông sen bách diệp Hồ Tây được hái từ Đầm Trị vào buổi sáng sớm. Sau đó, một lượng nhỏ trà ngon được cho vào bông sen rồi gói chặt bằng lá sen bên ngoài. Bông sen được cắm trong nước một ngày cho hương tỏa ra, quện chặt với trà. Tiếp đó, bông sen sẽ được mang trữ đông hoặc sấy để bảo quản. Loại trà sen ướp xổi này làm đơn giản hơn nên giá thành cũng rẻ hơn trà sen truyền thống.
Trà sen ướp xổi có hương nhẹ nhàng của cánh sen, còn trà sen truyền thống là hương của gạo sen – phần hương tinh tế nhất của bông hoa sen. Do vậy, để tận hưởng được hương thơm dịu nhẹ, thanh mát, sự tinh túy của đất trời vẫn cần những cánh trà sen được ướp theo cách truyền thống.
Chính vì cách ướp trà sen rất công phu, cầu kỳ nên từ xa xưa trà ướp sen Tây Hồ đã là một sản phẩm quý, được dùng để tiến vua và các quan lại quý tộc quan trọng của triều đình. Ngày nay, đặc sản trà sen Tây Hồ là một trong những sản phẩm mang tính biểu tượng của Thủ đô Hà Nội. Với hương thơm dịu nhẹ, vị thanh mát, trà sen Tây Hồ đã trở thành món quà đặc biệt được nhiều người yêu thích và lựa chọn cho gia đình, bạn bè.
Lễ hội Sen Hà Nội và giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc năm 2024 được tổ chức trong 5 ngày (từ 12/7 đến 16/7/2024) tại Không gian Văn hóa sáng tạo Tây Hồ, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội (ngõ 612, Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội).
Lễ hội Sen Hà Nội được tổ chức với mục đích quảng bá, tôn vinh những nét đẹp, giá trị văn hoá của Thăng Long Hà Nội, của vùng đất Tây Hồ, của hoa sen - loài hoa tượng trưng cho khí phách, bản sắc tâm hồn Việt. Thông qua Lễ hội, giới thiệu những giá trị độc đáo của nghề “ướp trà sen” cũng như những nét đặc trưng riêng có của văn hoá Sen trong đời sống người Việt.
Đây cũng là hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng cường liên kết, sản xuất và tiêu thụ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm các sản phẩm sen Hà Nội với các tỉnh, thành trên cả nước.
Ngoài ra, Lễ hội Sen Hà Nội cũng là dịp để quảng bá và kích cầu du lịch, khơi dậy tiềm năng phát triển các sản phẩm OCOP của các địa phương; thu hút du khách đến tham quan Hà Nội, Tây Hồ, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương.
Linh NhiBạn đang xem bài viết Trà ướp sen Tây Hồ - Gói trọn tinh hoa nghìn bông sen tại chuyên mục Du lịch của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].