Gần 15 năm làm công việc điều dưỡng châm cứu, chị hiểu ra, chẳng có gì mạnh mẽ bằng trái tim của người mẹ và cũng chẳng có gì mong manh như việc cầu mong những mầm nhỏ phát triển bình thường.
Những ngày cuối tháng 8 mùa thu, bệnh nhi Phương Anh theo mẹ của mình về quê sau đợt điều trị kéo dài 25 ngày ở Khoa Điều trị Liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương.
Nếu như các lần khác, Phương Anh và mẹ chỉ về nhà 15 ngày rồi lại lên với điều dưỡng Nguyễn Thị Kim Anh - Điều dưỡng trưởng Khoa Điều trị Liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương thì lần này, cô bé sẽ ở nhà đến mùa hè năm sau.
Bởi công việc là một người giáo viên không cho phép mẹ của Phương Anh rời bỏ trường học quá lâu. Đây là mùa hè thứ 2 Phương Anh và mẹ phải chia tay các y bác sĩ tại nơi đây lâu đến vậy.
Nắm chặt tay con gái, mẹ bé chào các y bác sĩ trong khoa, các bà mẹ cũng có con bị bại não như cô bé. Còn Phương Anh, em chỉ cười hềnh hệch rồi lại chăm chú vào bất kỳ thứ gì có thể phản chiếu lại hình ảnh cô bé đang lẽo đẽo theo mẹ đi dọc hành lang bệnh viện về phía cầu thang.
Bịn rịn chia tay nhau, điều dưỡng Kim Anh căn dặn mẹ Phương Anh về nhà chịu khó tập luyện cho con, nhớ cho con ăn uống đủ chất dinh dưỡng, để con nhanh tiến bộ.
Ánh mắt chứa chan, gửi gắm, mẹ bé Phương Anh giữ gìn sức khoẻ nhé, để có sức chăm con. Mùa hè sang năm lại lên đây!
“Nhiều người ghê sợ rớt dãi của các bé bị bại não còn tôi thấy thương”
Phải chờ hết năm học 2018-2019 này, điều dưỡng Kim Anh mới lại được gặp Phương Anh, một bệnh nhân dễ thương và cứ hễ thấy bác Kim Anh tới là nhảy ra ôm chân hay rúc vào ngực, đến mức rớt rãi vương đầy bộ đồ.
Trước khi về khoa làm việc, điều dưỡng Kim Anh tự hỏi: “Các bé rớt rãi như thế kia thì không biết khi mình tiếp xúc thì sẽ như thế nào?”.
Thế nhưng, khi vừa bắt tay vào làm việc, chị nghiệm ra: “Nếu không ở đây, làm công việc này thì chắc gì tôi đã không ghê sợ rớt rãi của bọn trẻ như nhiều người. Tôi không hề thấy sợ như đã nghĩ mà ngược lại, tôi thương các con vô cùng”.
Cứ thế, chị chẳng nề hà điều gì, vỗ về các con như chính người thân của mình, để mặc rớt dãi ngấm ướt cả áo.
Điều dưỡng Kim Anh kể, những ngày đầu đến đây, Phương Anh sợ và đau nên khóc rất to khiến kim châm bị tuột ra. Chị chính là người dỗ dành, ôm ấp bé vào lòng.
Sáng nào cũng vậy, điều dưỡng Kim Anh bắt đầu công việc của mình từ 7 giờ 30. Chị đi từng buồng bệnh mà mình phụ trách, hỏi han người nhà bệnh nhi xem tối qua các con ngủ có ngoan không? Ăn uống thế nào…
- Phương Anh ngủ ngoan không con?
Điều dưỡng Kim Anh vuốt má bé Phương Anh nhỏ nhẹ cười. Dù chị biết sẽ chẳng nghe được lời đáp từ cô bé nhưng sao chị vẫn thấy vui khi nhìn thấy Phương Anh ngồi ngoan trên giường bệnh hoặc cưỡi con thú nhún.
Rồi chị đi loanh quanh 8 bệnh nhi mình phụ trách, lặp lại những vui đùa như kiếm tìm sự hứng khởi của một ngày làm việc.
Những bệnh nhi ở đây đã không còn lạ lẫm với bóng áo blouse, với bác Kim Anh như thời gian đầu vào bệnh viện khóc ằng ặc.
Với chị, Phương Anh và các bạn nhỏ khác cũng như những đứa con, đứa cháu trong gia đình nên lúc nào chị cũng muốn đến gần, hít hà, chơi đùa với các con.
Đi một vòng, điều dưỡng Kim Anh quay lại giường bệnh của bé Hoa, bắt đầu xoa bóp bấm huyệt, vận động tay chân trước khi bé được các bác sĩ tiến hành các quy trình điều trị tiếp theo.
Tiếng khóc, tiếng cười của Hoa đan xen, theo phần cơ thể được xoa bóp. Hoa khóc nhiều nhất khi điều dưỡng Kim Anh xoa bóp mặt và cười nhiều nhất khi được nắn tay, nắn chân.
Lặng nhìn vào đôi mắt khờ dại của bé Hoa rồi điều dưỡng Kim Anh quay sang mẹ bé.
- Dù con chưa giao tiếp được nhưng các mẹ vẫn phải thường xuyên trò chuyện với con. Kể cả có những khi độc thoại, lặp đi lặp lại một câu nói, một mẩu chuyện cũng được, không sao cả. Các mẹ tránh suy nghĩ con chưa nói được thì không cần nói chuyện với con.
Chứng kiến hành trình của một đứa trẻ từ chưa ngồi được, chưa đi vững, chưa nói được từ nào đến khi làm được những điều “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” khi đã lên 5, điều dưỡng Kim Anh hạnh phúc tột cùng. Với chị, chẳng có điều gì phấn khởi bằng sự tiến bộ của các bệnh nhi.
Khi đặt chân tới Khoa Điều trị Liệt vận động - Ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, bé Hoa chưa đứng và đi được, chưa nói sõi được từ nào.
So với mùa hè trước, cô bé đã ngồi được, đứng được, đi được và nói được vài từ đơn “mẹ”, “bà”, biết ngoảnh lại khi nghe mọi người gọi từ phía sau dù không được rõ ràng.
“Vậy là công sức của y bác sĩ và gia đình cuối cùng cũng đã có kết quả”, điều dưỡng Kim Anh vui mừng.
Mỗi ngày xoa bóp bấm huyệt gần 300 phút
8 bệnh nhi điều dưỡng Kim Anh phụ trách tương đương với trên dưới 300 phút xoa bóp bấm huyệt cho các con mỗi ngày.
Thời gian xoa bóp bấm huyệt cho các con rải rác cả ngày làm việc của chị. Chị đùa, làm công việc này nên chị chẳng cần tập thể dục nữa rồi.
Vừa xoa bóp bấm huyệt cho bé Hoa, điều dưỡng Kim Anh vừa trò chuyện với mẹ cô bé. Chị chia sẻ với các bà mẹ kiến thức về dinh dưỡng, chăm sóc vệ sinh cho các con.
Chị hướng dẫn mẹ cô bé cách tập luyện cho con bằng cách sử dụng bàn tay, ngón tay hoặc khuỷu tay để tác động trực tiếp lên da, thịt, xương, khớp, dây chằng, hệ thống kinh lạc, huyệt vị của cơ thể con người với mục đích lập lại thăng bằng âm dương và thông kinh hoạt lạc.
Bằng cách này, điều dưỡng Kim Anh tin rằng, ngoài phiên xoa bóp bấm huyệt của điều dưỡng, bố mẹ có thể thực hiện thêm 2-3 lần mỗi ngày cho con. Như vậy, hành trình giúp các con cải thiện sẽ nhanh tới đích hơn. Bởi quỹ thời gian eo hẹp khiến chị không thể chăm chút lâu cho hơn khoảng 40 phút cho mỗi bé được.
Là điểm tựa của nhiều bà mẹ
Với nghề điều dưỡng, ngoài trình độ chuyên môn thì cần biết lắng nghe, nắm bắt tâm tư, tình cảm của bệnh nhân và người nhà.
Ở nơi đây, các bệnh nhi là những đứa trẻ phát triển không bình thường nên hầu hết những người bà, người mẹ và người cha đi chăm con đều chất chứa nỗi lòng.
Ngơi việc lúc nào, điều dưỡng Kim Anh lại chạy sang các phòng bệnh, hỗ trợ các bà mẹ. Chị và đồng nghiệp vẫn bảo với các ông bố, bà mẹ là hãy coi nhân viên nơi đây như người nhà của mình.
Chúng tôi có điều gì thì cứ thẳng thắn phản ánh. Các con bị sao thì cứ mạnh dạn lên tiếng. Chúng tôi có thể làm đến đâu thì sẽ cố gắng giúp các con cải thiện.
Nhiều lúc, Phương Anh khóc thét, giãy giụa vì sợ hãi, điều dưỡng Kim Anh phải nhờ tới sự giúp đỡ của mẹ cháu, ôm con vào lòng hoặc đặt con nằm sấp trên đùi mẹ để chị tiếp tục thao tác.
Nhờ đó mà điều dưỡng Kim Anh và người nhà của các bệnh nhi trở nên gần gũi, thân thiết với nhau từ lúc nào không biết.
Chị nhớ mặt nhớ tên được gần như trên dưới 50 đứa trẻ đang điều trị tại khoa và bố mẹ của chúng. Chị nhớ từng bệnh nhi bị làm sao, tới đây bao nhiêu lần, hoàn cảnh như thế nào.
Có những người, chỉ trực chờ đến khi gặp được chị để trút bầu tâm sự. Những giãi bày rất đàn bà được người nhà bệnh nhân bộc bạch tự nhiên và chị cũng lắng nghe, đón nhận.
14 năm làm điều dưỡng của bệnh nhân là người lớn và gần 3 năm với bệnh nhi, chị luôn tìm cách phủ kín khoảng lặng giữa điều dưỡng và người nhà bằng những hỏi han đời thường. Chị nghĩ rằng, nếu mình mở lời trước với họ, biết đâu sẽ giúp họ nguôi ngoai phần nào nỗi đau đang mang.
Với điều dưỡng Kim Anh, trong biết bao vui buồn mỗi ngày trôi qua, niềm vui thì có thể dễ quên còn nỗi buồn thì chưa bao giờ. Chị khéo léo sắp xếp những hoàn cảnh khó khăn, câu chuyện dứt day, giọt nước mắt rơi tong tong rồi đọng lại nơi khoé mắt của những bà mẹ có con bị bại não… vào phần sau cuối mỗi ngày, khi những công việc đời thường khép lại.
Lắng nghe nỗi niềm bị đổ lỗi, hắt hủi từ gia đình nhà chồng của các mẹ có con không may bị bại não, điều dưỡng Kim Anh chỉ biết động viên:
- Mẹ phải thoải mái lên thì mới có sức chiến đấu, đồng hành với con đi qua chặng đường còn dài còn nhiều gian nan phía trước...
- Vâng chị, không cố gắng thì cũng không còn cách nào khác…
Có lẽ, cũng là phụ nữ, là một người mẹ nên chị lại càng thấu hiểu, đồng cảm. Đêm buông chính là lúc điều dưỡng Kim Anh nghĩ về những bà mẹ bất hạnh này nhiều hơn cả. Con cái sinh ra bình thường nhưng lại chẳng dám chắc không có điều gì bất hạnh xảy đến.
Nhìn về cuộc đời của mình, chị chỉ mong sao những đứa con của mình phát triển bình thường chứ chẳng cầu chúng trở thành ông nọ, bà kia trong cuộc đời này. Với chị, như vậy là hạnh phúc lắm rồi.
“Được nói chuyện với chị, tư tưởng em thoải mái hơn hẳn. Ở nhà, em chẳng trò chuyện với ai nhưng ở đây, em nhận được sự chia sẻ, đồng cảm từ các y bác sĩ”… Điều dưỡng Kim Anh đón nhận sự tin tưởng của người nhà bệnh nhân nhẹ nhàng như vậy.
Không cần hứa hẹn, chỉ cần tha thiết với điều đó
Tiếng kêu lúc 10 giờ 30 phút phát ra từ điện thoại trong túi áo điều dưỡng Kim Anh báo hiệu đã đến giờ rút kim châm cứu. Theo thứ tự như khi xoa bóp bấm huyệt, chị thực hiện điều đó với lần lượt các bé.
Mỗi lần rút kim ra, chị lại mong cho đứa trẻ này sẽ sớm mang được đầu, có thể ngồi được, nhanh biết nói, biết đi. Rồi cao xa hơn nữa là mong chúng có thể đi học hoà nhập – cũng là điều các bà mẹ khao khát.
Chị hiểu, mục tiêu lớn nhất của việc điều trị là giúp các bạn nhỏ có khả năng tự phục bản thân. Bởi sau này, khi bố mẹ ốm yếu, không đủ sức chăm con hoặc khuất đi thì các con biết nương nhờ vào đâu khi ngay cả sinh hoạt cá nhân vẫn chưa thể làm được?
Có lẽ, điều dưỡng Kim Anh không cần các ông bố, bà mẹ hứa hẹn điều gì cho những đứa trẻ. Chị cần và chị tin bố mẹ chúng không bỏ cuộc, dù có khó khăn như thế nào cũng nỗ lực vượt qua, đồng hành với các con. Cũng như chị, tha thiết với công việc này đến vậy.
2/3 thời gian mỗi ngày, chị ở nơi đây, phối hợp với các y bác sĩ khác, điều trị cho bệnh nhi, trò chuyện với người nhà. Được sống trong không khí này, chị thấy được là chính mình.
- Sao bác Kim Anh trẻ thế?
- Ủ mưu ít thôi…
Những tràng cười không ngớt bên hành lang bệnh viện như thế giúp điều dưỡng Kim Anh đi qua những thăng trầm đời sống.
Những gương mặt ngờ nghệch rớt dãi, rồi thời gian vài chục phút xoa bóp bấm huyệt cho mỗi bé thấm đẫm vào mảng ký ức đặc biệt của điều dưỡng Kim Anh. Chị chẳng bao giờ quên được gương mặt bệnh nhi nào…