Nhiều bệnh nhân ung thư phải chịu những cơn đau cắn xé thân thể. Để giảm bớt đau đớn, không ít trong số đó sử dụng các loại thuốc giảm đau ngoài chỉ định của bác sĩ. Thế nhưng với những trường hợp đó, gia đình họ không chỉ ‘đau’ trước ‘án tử của người thân’ mà còn phải ‘đau’ bởi nhiều nỗi đau khác.
Đủ kiểu chống đau
Chị T.M.L (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: ‘Tôi có chú bị ung thư đại tràng đã di căn sang gan.
Khoảng 5, 6 năm trước, chú bắt đầu xuất hiện cơn đau ở bàn chân, nghĩ mình bị gout, chú mua các gói thuốc dạng bột có nguồn gốc tại Hòa Bình để sử dụng. Cứ khi bị đau, chú uống 1 gói và ngay lập tức cơn đau dứt.
Về sau, ngoài cơn đau, chú xuất hiện sốt về chiều, chú tiếp tục dùng các gói thuốc không tên đó để giảm bớt khó chịu.
Kì lạ là chỉ cần uống, mọi triệu chứng bất thường đều khỏi ngay lập tức.
Cho đến khi bị ngất, huyết áp cực thấp, chú đi khám thì được bác sĩ chẩn đoán bị ung thư và đã di căn, không thể can thiệp thêm.
Trong khi chờ ‘án tử’, những cơn đau tiếp tục dày lên, trước dùng 1 gói/lần, giờ chú dùng 3 gói/lần’.
Một câu chuyện khác là chị Lê Thị Duyên (Giao Thủy, Nam Định). Chị chia sẻ: ‘Năm ngoái, tôi phát hiện ung thư tử cung, điều trị trên Bệnh viện K3 được 5 tháng.
Sau khi điều trị xạ, mổ, bác sĩ xét nghiệm tế bào lành tính, tôi được cho xuất viện.
Nhưng 3 tháng sau đó, tôi xuất hiện những cơn đau buốt ở hông. Nó đau không có lời nào tả được, đau trong xương như có con gì cắn bên trong. Đau tới mức chỉ muốn cắn rứt quần áo, không ai có thể động vào người được.
Cả 1 gian nhà chỉ có mình tôi vì không ai có thể động vào. Nỗi đau nó khiến mình khó nết đến như vậy cơ mà
Tôi đi tái khám, tại bệnh viện địa phương, tôi được chẩn đoán bị gai cột sống nên mua thuốc tây y, đông y uống nhưng không đỡ’.
Cũng như chị Duyên, khi sự đau đớn bệnh tật vượt ngoài sự chịu đựng, không chỉ bệnh nhân, gia đình người bệnh cũng mong muốn giảm nhẹ nỗi đau đó trước khi người bệnh ‘kiệt sức’.
Tuy nhiên, không ít trong số đó lần mò theo những thông tin thiếu căn cứ, mua các loại thuốc được ‘đồn thổi’ có hiệu nhiệm cho bệnh nhân sử dụng.
Đặc biệt, rất nhiều người tự mua morphine điều trị ngoài chỉ định của bác sĩ. Có những trường hợp hi hữu hơn, gia đình mua heroin cho bệnh nhân sử dụng để tránh các cơn đau.
Chị T.T.L (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) chia sẻ: ‘Tôi có 1 người bạn thân. Gia đình bạn ấy có anh trai bị ung thư phổi. Gia đình nghĩ rằng anh ấy sẽ không còn sống được bao lâu nên muốn giảm bớt nỗi đau anh ấy phải chịu đựng.
Họ nghe được thông tin sử dụng heroin sẽ giúp anh ‘phê’ lâu hơn nên đã mua và cho anh sử dụng. Cứ như thế, vài tiếng/ lần, 1 ngày vài cữ’.
Tuy nhiên, nỗi đau không giảm đi mà cả người thân, người bệnh phải chịu thêm những ‘cơn đau’ khác. ‘Giờ đây đã được 2 năm, người đó trở thành 1 con nghiện và chi phí giảm đau không giống ai đã lên tới tiền tỉ’, chị L. cho biết thêm.
Vẫn có nơi để bệnh nhân ung thư thoát khỏi ‘bế tắc’ trong nỗi đau
‘Tôi quay lại Bệnh viện K3, sau khi chụp 64 dẫy thì phát hiện có 2 cái hạch chèn vào xương, có u nên được chuyển xuống K2, vào khoa Chăm sóc triệu chứng và Điều trị chống đau. Từ ngày đó, tôi đã đỡ đau hơn rất nhiều, 10 phần đã giảm được 7’, Chị Tô Thị Duyên (Giao Thủy, Nam Định) cho biết thêm.
Tại khoa Chăm sóc triệu chứng và Điều trị chống đau, ngoài bệnh nhân vừa điều trị bệnh vừa giảm nhẹ nỗi đau thì cũng có những gia đình, khi biết người thân không còn nhiều cơ hội sống, bị các bệnh viện trả về cũng tìm đến Khoa.
Họ đến đây với mong muốn sự ra đi của người bệnh nhẹ nhàng nhất. Vì khi gia đình không biết cách chăm sóc, người bệnh vẫn có thể trông cậy vào bác sĩ với những phương pháp giảm nhẹ như ở viện K.
Nhưng trên thực tế, con số đó không nhiều và cộng đồng ung thư vẫn đang ‘bế tắc trong cơn đau’ nên sử dụng thuốc giảm đau một cách bừa bãi. Nhất là dòng giảm đau trung ương như morphine.
Điều này trực tiếp gây hại cho người bệnh với các tác dụng phụ, quen thuốc, ‘nghiện’ thuốc. Đặc biệt, nhiều người còn tử vong vì sử dụng quá liều.
Địa chỉ không thể thiếu cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối
Ths. Bs Nguyễn Thị Hương - Phó khoa Chăm sóc Triệu chứng và Điều trị chống đau – Bệnh viện K cho biết ung thư có 3 cấp độ đau: đau nhẹ, đau thường và đau nặng.
Ở giai đoạn mới xuất hiện, bệnh nhân chỉ gặp phải những cơn đau ở mức gây khó chịu, không cần dùng đến thuốc. Chính vì vậy, nhiều người đã mắc ung thư nhưng chỉ nghĩ mình mắc các bệnh đơn giản và tự chữa.
Điều đó dẫn đến phần lớn bệnh nhân khi phát hiện ung thư khi đã ở thể nặng và phải chịu rất nhiều đau đớn. Ths Bs Nguyễn Thị Hương chia sẻ: ‘70% người bệnh phát hiện ung thư khi đã ở giai đoạn muộn. Và 70% trong số đó phải chịu đựng đau đớn từ bệnh tật’.
Và với các trường hợp đó, bệnh tật không đáng sợ bằng những cơn đau cắn xé thân thể. Nhiều người cho biết, nỗi đau đó khiến tâm lý, tinh thần và quá trình điều trị của họ bị ảnh hưởng rất nhiều.
Bệnh nhân đau đớn về thể trạng thì sẽ suy sụp về tinh thần và mất dần nghị lực đấu tranh với bệnh tật nên khâu chăm sóc giảm nhẹ rất cần thiết.
Chăm sóc giảm nhẹ giúp làm dịu các cơn đau, nâng cao tối đa chất lượng cuộc sống và giá trị tinh thần cho bệnh nhân đến lúc mất.
Chia sẻ về việc tự sử dụng morphine hiện nay, Ths. Bs Hương cho biết: ‘Bệnh nhân dùng morphine không theo chỉ dẫn của bác sĩ sẽ dễ gặp phải tác dụng phụ.
Thường gặp nhất là buồn nôn và nôn, táo bón, ức chế thần kinh, co đồng tử, bí đái... Bệnh nhân có thể gặp các biểu hiện khác với mức độ ít hơn như ức chế hô hấp, ngứa, toát mồ hôi, lú lẫn, ác mộng, ảo giác, co thắt túi mật, co thắt phế quản...
Khi người bệnh sử dụng morphin liều quá cao có thể gây ức chế hô hấp, dẫn tới tử vong’.
Nhiều người lo ngại chi phí điều trị cao nhưng theo bác sĩ Hương, hiện nay, điều trị chống đau được bảo hiểm y tế hỗ trợ rất nhiều.
‘Nếu 1 viên mocphin chỉ khoảng vài nghìn/viên, tuýp mocphin hơn chục nghìn/tuýp. Nhưng nhiều bệnh nhân không biết, họ chia sẻ với bác sĩ, có khi phải mua bên ngoài hàng trăm nghìn đồng’.
Khoa Chăm sóc triệu chứng và Điều trị chống đau có những vai trò quan trọng:
- Hỗ trợ cho việc điều trị triệu chứng và điều trị đặc hiệu bệnh được hiệu quả hơn.
- Giúp cân bằng quá trình điều trị.
- Giúp giảm tác dụng phụ của liệu trình điều trị.
- Giúp tăng tính tuân thủ của điều trị.
- Giúp giảm thương tổn và giảm thương vong