Những học sinh khai giảng... trên giường bệnh

Lễ khai giảng 5/9 là một sự kiện trọng đại và quen thuộc với các em học sinh. Nhưng luôn có những học sinh không còn lựa chọn nào khác ngoài khai giảng trên giường bệnh.

Hôm nay, ngày 5/9, là ngày toàn dân đưa trẻ đến trường. Đâu đó vẫn có những cô bé, cậu bé không thể đến trường hay quay lại trường học vì bệnh tật không cho phép. Đó là những chiến binh dũng cảm đang chiến đấu với căn bệnh ung thư quái ác. 

Hai nhân một bằng hai

Hai nhân hai bằng bốn

...

Nguyễn Ngọc Diệu Linh (SN 2011, quê Phú Thọ) lảnh lót đọc bảng cửu chương nhân hai theo chỉ tay của mẹ mình. Trên tay em, kim truyền dịch vẫn cắm. 

Diệu Linh được chẩn đoán bị ung thư xương sau hơn 1 tuần nhận phần thưởng lớp một.

Tháng 6 vừa rồi, Diệu Linh bắt đầu đợt truyền hoá chất đầu tiên. “Con có sống được lâu nữa không hả mẹ?”, cô bé chàng màng hỏi mẹ giữa cơn đau do tế bào ung thư len lỏi, giữa mệt nhọc do tác dụng phụ của hoá chất.

Được nghỉ vài ngày giữa 2 đợt truyền hoá chất, vừa về đến nhà, cô bé đòi mẹ đưa tới trường. Tháng 7, đang là kỳ nghỉ hè, trường Tiểu học Phượng Vĩ của Diệu Linh vắng lặng, không có cô giáo, cũng chẳng có bạn bè của Linh. Nhưng với cô bé chuẩn bị lên lớp 2, được ngắm nhìn ngôi trường đã gắn bó năm học qua cũng khiến em vui sướng.

Tạm biệt trường lớp, Diệu Linh quay lại Bệnh viện K3, bước vào đợt truyền hoá chất thứ 3. Bác sĩ trực tiếp điều trị cho cô bé nói, có khả năng Diệu Linh phải tháo khớp tay.

Nếu có thể, gia đình sẽ cho Diệu Linh chụp PET/CT để đưa tới quyết định có tháo khớp tay cho em hay không. Bởi nếu khối u của Linh đã di căn thì việc tháo khớp tay sẽ được ngưng lại.

Giữa cơn li bì vì tác dụng phụ của hoá chất, Diệu Linh vẫn bảo mẹ dạy bảng cửu chương và chăm chỉ viết chữ. Hiện tại, Linh đã thuộc hết bảng cửu chương nhân 3.

Diệu Linh ước mình khỏi bệnh, được trở về nhà, giữ được cánh tay để đi học lớp 2 cùng các bạn: “Con muốn được đi học lắm! Con còn chưa thuộc bảng cửu chương”.

Cô bé Lưu Thị Khánh Linh (SN 2011, quê Thanh Hoá) đang dựa lưng vào tường, chăm chú xem một chương trình dạy học qua điện thoại.

Khánh Linh nói điều đó với chị Hiền – mẹ của em trong những ngày nằm tại Khoa Nội Nhi, Bệnh viện K3. Đó là ước mơ của cô bé còn chưa được đi hết niềm vui của một mầm non đất nước.

Dự lễ khai giảng năm học lớp 1 được 1 tháng, Khánh Linh được chẩn đoán bị ung thư thận sau đợt ốm sốt triền miên. Ngay sau đó, cô bé phải cắt bỏ một bên thận trái.

Vậy là, mới đi học được tròn tháng, Khánh Linh phải tạm biệt trường lớp, thầy cô, bạn bè để chiến đấu với căn bệnh quái ác. Từ tháng 11/2017 đến tháng 8/2018, Khánh Linh đã trải qua 6 đợt truyền hoá chất.

Chị Hiền tâm sự, từ ngày không thể đến trường, bị tác dụng phụ của hoá chất, cô bé trở nên ít nói, lì lợm, chẳng vui tươi như hồi khai giảng năm ngoái.

Những giai điệu “Múa chiều lên bản”, “Một gia đình nhỏ”… thi thoảng ngân vang trong buồng bệnh. Đó như một cách giúp cô bé Khánh Linh giữ lại phần tuổi thơ hát vang cho mình. Thậm chí, vừa ra khỏi phòng mổ, cô bé đã hát véo von.

Có lẽ với chị Hiền, cùng với ngày tựu trường thì những khi lắc lư, cất tiếng hát là khoảnh khắc tươi đẹp nhất của cô con gái Khánh Linh.

Khi những đợt truyền hoá chất đi qua, tác dụng phụ sục sạo trong cơ thể cô bé 7 tuổi, Khánh Linh ước mình sẽ khỏi bệnh, được đi học bình thường như những bạn bè đồng lứa và trở thành bác sĩ.

Nhìn Khánh Linh đang cười theo hình ảnh hiện lên trên màn hình, chị Hiền trầm giọng, con đâu có biết bố mẹ có bị bệnh gì hay không? Con chỉ biết, trở thành bác sĩ để giúp đỡ mọi người.

Trước thềm khai giảng năm học 2018-2019, Minh Anh (SN 2012, quê Ninh Bình) theo mẹ tới Bệnh viện K3, tiếp tục đợt điều trị sau 3 lần bị bệnh viện trả về.

- Sắp đến Trung thu rồi, bà Hương (bác sĩ Việt Hương – pv) gọi con lên đây chơi với các bạn. Mẹ dẫn con đi…

- Mẹ ơi sao bụng con lại có u, sao không hết được? Mẹ ơi con phải chết à…

Tháng 2/2018, bác sĩ chẩn đoán Minh Anh bị u tuyến thượng thận trái giai đoạn muộn. Đầu tháng 7, kết thúc 16 đợt điều trị hoá chất, chị Thuỷ đưa con gái Minh Anh về quê. Đây là lần thứ ba, Minh Anh bị bệnh viện trả về.

Chị Thuỷ đã bỏ hết giấy tờ bệnh viện sau ngày trở về này, vì đã nghĩ con mình không thể sống được nữa. Chị lại càng không mong con mình đủ sức khoẻ để được tham dự lễ khai giảng đầu tiên trong cuộc đời cô bé với tư cách là học sinh tiểu học.

Lần trở về để “chuẩn bị lo hậu sự” này, cô bé sắp bước vào lớp 1 thi thoảng rủ rỉ với mẹ rằng: “Tóc con rụng hết, con bị trọc đầu thế này, các bạn có trêu con không?”…

Đặt chân tới Khoa Nội nhi, Bệnh viện K3, Minh Anh ngờ ngợ hiểu ra, khai giảng năm nay, em sẽ bỏ lỡ và không đi học lớp 1 được như các bạn.

Không biết nếu có cơ hội bước tiếp, những cô em gái nhỏ như Diệu Linh, Khánh Linh, Minh Anh… và nhiều bạn nhỏ phải nằm viện điều trị sẽ nhớ lại những kỉ niệm ấu thơ với buổi tựu trường có thầy cô, bạn bè, sách vở như thế nào.

Lễ khai giảng năm nay, các em chưa thể quay lại trường lớp, không kịp bắt đầu một năm học mới như bao bạn nhỏ và có thể nhiều ngày tựu trường nữa, các em sẽ chẳng thể đến trường.

Ngồi trên giường bệnh ngơi nghỉ trong những đợt truyền hoá chất, nằm bẹp im lìm trên giường bệnh cho hoá chất chảy trôi vào cơ thể bé nhỏ, các em vẫn khao khát được đến trường.  

Dù quãng đường đến trường với các em còn xa quá…


Tin liên quan