Buổi sáng trong tuần tại Khoa Điều trị Liệt vận động ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương mở ra bằng hình ảnh các bà mẹ lục tục trở dậy bên cạnh những đứa con của mình, vệ sinh cá nhân và í ới hỏi nhau sáng nay ăn gì, có cần mua giúp đồ ăn không?
Ngoài hành lang bệnh viện, chị Yến đang chơi cầu trượt cùng đứa con của mình. Trong phòng bệnh cuối dãy hành lang, các bà mẹ cùng phòng với mẹ con chị Yến đang dỗ dành, cho con ăn sáng.
Chậm rãi bên cạnh đứa con 5 tuổi mới biết đi cách đây ít tháng, chị Yến mắng yêu con gái: “Cả phòng ăn cả rồi mà con vẫn chơi chưa muốn ăn…”
Cứ như thế, chị Yến kiên nhẫn bước theo đứa con bé bỏng của mình mà chẳng một lời trách than.
"Ðố ai đếm được lá rừng,
Ðố ai đếm được mấy từng trời cao
Ðố ai đếm được những vì sao,
Ðố ai đếm được công lao mẫu từ"
Mỗi khi được hỏi về nghề nghiệp của mình, các bà mẹ của những đứa trẻ đang điều trị tại Khoa Điều trị Liệt vận động ngôn ngữ trẻ em, Bệnh viện Châm cứu Trung ương đều mau mắn trả lời như vậy.
Khi chưa lấy chồng, các chị nửa đùa nửa thật, mong lấy được một ông chồng có thể gánh vác, lo toan kinh tế gia đình, chỉ cần ở nhà nội trợ. Thế mà ngờ đâu, họ cũng đang khoác lên mình vai “bà nội trợ” nhưng lại theo một cách rất khác. Thay vì nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, làm những công việc người phụ nữ của gia đình, các chị đi chăm sóc con ở bệnh viện.
Dù không thành thục nhưng các chị thuộc làu làu kỹ năng xoa bóp bấm huyệt, vận động tay chân trước khi các bác sĩ tiến hành các quy trình điều trị tiếp theo như điện châm, thuỷ châm, xoa bóp bấm huyệt, chiếu đèn hồng ngoại để điều trị một cháu bị bại não.
Hằng ngày, mọi sinh hoạt của các bà mẹ đều xoay quanh đứa con bị các bệnh liên quan tới liệt vận động, thần kinh.
Những bà mẹ không phải bươn bả kiếm tiền ngoài kia nhưng trong bệnh viện, những cơn bão lòng đi qua, cuộn lên rồi bình yên. Chưa khi nào, họ từ bỏ hy vọng tình trạng của con mình được cải thiện.
Chị Ngân đưa con gái từ Hải Phòng đến đây điều trị đã gần 1 năm nay, cứ 25 ngày nằm viện liên tục, mẹ con chị lại về nhà 15 ngày. Tính ra, chị và con đã di chuyển 5 buồng bệnh.
Tới buồng bệnh nào, chị cũng nhanh chóng hoà đồng, nhập cuộc cùng các bà mẹ ở đó. Chị bảo, tuy là ở bệnh viện cùng con nhưng chẳng lúc nào các bà mẹ ngậm được mồm cười. Những tràng cười cuộn lên khiến nỗi niềm của các bà mẹ vơi đi. Ở khoảnh khắc nào đó, nỗi xót xa chẳng còn nữa.
Mỗi đứa con nằm viện lại có một bà mẹ đi kèm, cứ thế gắn chặt với nhau, mà chưa biết khi nào kết thúc những tháng ngày ăn cơm nơi đây còn nhiều hơn ở nhà. Thế nhưng, các bà mẹ chẳng lấy điều đó làm ủ rũ mà lại tự tìm niềm vui, an ủi nhau, vực nhau lạc quan rằng, con chúng mình rồi sẽ ổn cả thôi.
Ngoài những lúc hỗ trợ y bác sĩ thuỷ châm cho đứa trẻ, không gian phòng bệnh huyên náo lạ kỳ bởi tiếng cười nói của các bà mẹ. Những câu chuyện chẳng đầu không cuối xuất hiện, dàn đều cả một ngày dài hoá ngắn.
Đôi khi, phòng có đứa trẻ nào khó bảo, là các bà mẹ cùng cất tiếng gọi hỗ trợ. Những cái tên Minh Anh, Phương Anh… được bật ra từ người nhà bệnh nhân giống như họ cũng mà mẹ của lũ nhỏ vậy. Tha thiết và âu yếm.
Ở giường bệnh đối diện với chị Ngân, chị Yến đủng đỉnh: “Nếu ở nhà thì có khi cả ngày nói chuyện với người lớn chưa tới 10 câu”. Còn ở nơi đây, chị buôn chuyện cả ngày với chị em trong buồng bệnh.
Cuộc sống ở nơi đây đã tạo cho các bà mẹ nếp nghĩ, thời gian còn dài, mình chẳng hấp tấp làm chi. Con 6 tuổi chưa đi học được thì 7 tuổi, 8 tuổi… con sẽ đến trường như các bạn. Thậm chí, 2 năm, 3 năm học 1 lớp cũng chẳng sao.
Cùng theo phác đồ điều trị của bác sĩ, các bà mẹ chia sẻ với nhau về câu chuyện của mỗi đứa nhỏ. Cũng nhờ cạnh nhau mà họ còn hiểu thói quen của những đứa trẻ mắc chung bệnh bại não này.
Chị Ngân biết cô con gái 5 tuổi của chị Yến có thói quen và cũng là sở thích hét, cười lớn rồi soi mình vào gương, thấy một cô bé giống mình. Còn chị Yến, chị biết con chị Ngân cũng bằng tuổi con mình mà tuổi khôn chỉ như đứa trẻ 3 tháng tuổi, đứa bé đó thích ngồi xe lăn đi chợ ngắm nghía cùng mẹ.
Các bà mẹ còn hay bông đùa, các nhà thiên tài vĩ đại trong lịch sử như Newton, Einstein hay Michelangelo... đều mang trong mình nhiều triệu chứng thần kinh không bình thường. Và cười, biết đâu những đứa trẻ ở đây lại tiếp bước họ thì sao… Rồi họ cùng cười phá lên trước suy nghĩ lạc quan của mình.
Từ năm 2016, hai mẹ con chị Lan điều trị tại trung tâm phục hồi chức năng ở quê nhà Nghệ An, năm 2017, rồi vào Sài Gòn lấy thuốc đến năm 2018, cuối cùng dừng chân ở Hà Nội. Ba năm cuốn chị Lan thăm thẳm đi theo đứa con được chẩn đoán bị bại não sau 1 tháng ra đời.
Con trai chị Lan bị ngạt khi vừa chào đời. Vào giây phút sinh tử đó, chị nguyện cầu con được ở lại với mình thì cho dù phải đánh đổi điều gì chị cũng sẵn sàng. Con trai đã ở lại với chị nhưng để lại di chứng nặng nề. Chị đâu biết, sau 12 ngày nằm viện, được về nhà rồi 2 tuần sau, hai mẹ con chị lại dắt díu nhau vào bệnh viện vì con trai cứ quấy khóc không dứt.
Chị Yến an ủi bản thân cũng là động viên các bà mẹ cùng phòng, con có như thế này thì nó mới ở với mình cả đời chứ nếu nó như đứa trẻ khác, đến tuổi lấy chồng nó “bay” đi mất thì hết.
Nhưng đằng sau đó lại là nỗi lo to như cơn mưa trong bão lớn. Những cái cúi đầu ẩn chứa nỗi lòng mà thường ngày các bà mẹ giấu kín vào nội tâm. Đó là những khi cơn bão lòng cuộn lên.
Các bà mẹ trăn trở, khi già đi, chẳng đủ sức khoẻ chăm bẵm và ở cạnh con mãi thì ai sẽ là người nuôi chúng đây? Họ có thể đi theo, chăm con cả cuộc đời của họ nhưng khoảng thời gian khi không có mẹ bên cạnh, những đứa con sẽ như thế nào?
Từ cảm giác hoang mang, hẫng hụt khi nghe chẩn đoán con bị bại não, chấp nhận con mình chẳng thể phát triển như những đứa trẻ cùng trang lứa đến việc đồng hành với con. Đó là một hành trình dài vô tận.
Nhưng giai đoạn nào, các bà mẹ cũng ôm con vào lòng như muốn gánh hết nỗi đau con đang mang. Con thêm một tuổi, họ thêm nhiều mong chờ.
Phải đợi thêm bao nhiêu thời gian nữa, những bà mẹ có con bị bại não mới nghe con cất tiếng gọi “mẹ” đầu tiên? Và có thể, chúng sẽ chẳng thể biết về nghi lễ bông hồng cài áo mùa vu lan báo hiếu. Là khi những đóa hoa hồng đỏ thắm nở trên áo của những ai may mắn còn mẹ, và những đóa hoa hồng trắng sẽ lặng lẽ trước ngực những ai sớm mất mẹ thiếu cha.
Đêm buông, tiếng ê a của các bạn nhỏ đến tuổi lẽ ra đã biết gọi bà, gọi mẹ, nói được câu dài khiến không gian buồng bệnh ồn ào. Các bà mẹ cũng đã quen với thanh âm phát ra từ chính phòng đang nằm hay vọng lại nơi hành lang bệnh viện.
Những giản đơn mỗi ngày trôi qua như thế, các bà mẹ ở nơi đây đổi hết kỳ vọng thành hy vọng, lấy dịu dàng nhẫn nại đi với con suốt cuộc đời gian khó phía trước.