Là một quốc gia phương Đông, hệ thống giáo dục của người Nhật có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam nhưng cũng có những điều khác biệt đáng học tập.
Cùng Gia Đình Mới tìm hiểu về hệ thống giáo dục của người Nhật xem họ đã đào tạo những con người thông minh, có sức khỏe tốt và văn minh lịch sự như thế nào.
1. Tiên học lễ, hậu học văn
Mặc dù có cùng quan điểm với người Việt nhưng cách thực hiện của người Nhật có phần khác biệt.
Ở Nhật, đến khi học lớp 4 học sinh mới phải làm bài kiểm tra. Người Nhật tin rằng 3 năm đầu Tiểu học nên dành để phát triển tính cách và rèn cách ứng xử chứ không phải đánh giá kiến thức hoặc khả năng học của trẻ.
Trẻ được dạy tôn trọng người khác, biết yêu thương động vật và thiên nhiên. Ngoài ra, trẻ còn học cách cư xử hào phóng, biết cảm thông, kiểm soát bản thân và kiên trì, nhẫn nại.
2. Năm học bắt đầu vào ngày 1/4
Trong khi phần lớn các trường trên thế giới bắt đầu năm học vào tháng Chín hoặc tháng Mười, người Nhật chọn tháng Tư để đánh dấu năm học mới.
Ngày đầu tiên đi học thường trùng với một trong những thời điểm đẹp nhất trong năm: mùa hoa anh đào nở.
Năm học của Nhật chia làm 3 học kỳ: từ 1/4 – 20/7, 1/9 – 26/12 và 7/1 – 25/3.
Học sinh Nhật được nghỉ hè 6 tuần và nghỉ đông – xuân 2 tuần.
3. Trường không thuê lao công, học sinh tự dọn dẹp
Có lẽ Nhật là quốc gia duy nhất mà các trường học không thuê lao công, học sinh tự dọn dẹp lớp học, căngtin, thậm chí cả nhà vệ sinh.
Các em được chia thành nhiều nhóm nhỏ và phân công nhiệm vụ luân phiên trong năm.
Người ta tin rằng để học sinh thực hiện công việc dọn dẹp sẽ giúp các em biết cách làm việc tập thể và giúp đỡ lẫn nhau.
Ngoài ra, thông qua việc này, các em học được cách tôn trọng công sức của mình và của người khác.
4. Thực đơn ăn trưa theo tiêu chuẩn quốc gia; cả lớp ăn trưa tại phòng học
Để đảm bảo học sinh có bữa ăn lành mạnh và đủ chất, tất cả các trường công ở Nhật cung cấp những bữa ăn theo tiêu chuẩn quốc gia được khuyến cáo bởi những đầu bếp và chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu.
Học sinh ăn trong phòng học cùng với giáo viên của mình. Điều này giúp tình cảm bạn bè và thầy trò thêm gắn bó.
5. Hiện tượng học thêm cực kỳ phổ biến
Giống như ở Việt Nam, tình trạng học thêm buổi tối, đặc biệt là để chuẩn bị thi vào trường cấp 3 ở Nhật cũng rất phổ biến.
Học sinh Nhật học 8 tiếng/ngày, ngoài ra các em cũng không được nghỉ trong các ngày lễ và dịp cuối tuần.
6. Học sinh Nhật được học làm thơ và viết thư pháp
Để giữ gìn truyền thống, dạy học sinh tôn trọng những giá trị văn hóa lâu đời, người Nhật đưa thơ Haiku và nghệ thuật thư pháp Shodo vào chương trình giảng dạy.
7. Ai cũng phải mặc đồng phục
Tất cả các trường trung học đều yêu cầu học sinh mặt đồng phục. Trong khi một số trường có trang phục riêng, đồng phục truyền thống của Nhật gồm trang phục theo kiểu nhà binh dành cho con trai và phong cách thủy thủ dành cho con gái.
Chính sách đồng phục nhằm giúp xóa bỏ rào cản xã hội giữa các học sinh và giúp các em tập trung học tập hơn cũng như thúc đẩy tinh thần cộng đồng.
8. Tỷ lệ đến trường ở Nhật là khoảng 99,99%
Có lẽ trong chúng ta ai cũng từng ít nhất một lần cúp học. Tuy nhiên, học sinh Nhật không bao giờ bỏ tiết hoặc đến trường muộn.
Hơn nữa, họ luôn chú ý trong lớp - khoảng 91% học sinh cho biết họ chưa bao giờ hoặc chỉ trong một vài môn học là không tập trung nghe giảng.
Có một điều đáng ngạc nhiên nữa là học sinh Nhật hầu như 100% được lên lớp.
9. Bài thi đại học quyết định tương lai mỗi người học sinh
Tương tự như ở Việt Nam, vào cuối cấp 3, học sinh Nhật Bản phải tham gia một kỳ thi quan trọng vào đại học, quyết định tương lai của mỗi người.
Mỗi học sinh có thể chọn một trường đại học mình yêu thích và cố gắng ôn luyện để đạt điểm đầu vào của trường đó.
Tỷ lệ chọi rất cao, chỉ 76% học sinh tốt nghiệp cấp 3 có thể học tiếp đại học. Vì thế, giai đoạn chuẩn bị thi đại học ở Nhật được gọi là ‘địa ngục thi cử’.
10. Những năm đại học được coi là ‘kỳ nghỉ’ tuyệt vời nhất trong cuộc đời mỗi người
Sau khi trải qua ‘địa ngục thi cử’, các học sinh Nhật thường nghỉ xả hơi trong một thời gian ngắn rồi mới bắt đầu học đại học.
Với người Nhật, đại học được xem như những năm tháng đẹp nhất trong đời, là một ‘kỳ nghỉ’ trước khi bắt đầu đi làm.