Một cụ ông tầm 70 tuổi, được tìm thấy ở một quận của Osaka (Nhật Bản) trong thời tiết giá lạnh, không có giấy tờ gì trong người. Cụ đã đi lang thang quá xa nhà và bị lạc.
Khi đến được đồn cảnh sát, cụ không thể cung cấp được địa chỉ nhà, tên người thân cũng như tên của chính mình.
Tetsuo Yamauchi, một nhân viên tư pháp ở đây, cố gắng giúp cụ nhưng bất thành. ‘Tôi hỏi tên ông cụ là gì, hàng trăm lần. Nhưng lần nào cụ cũng nói rằng cụ không nhớ.
Đây là tình huống khó khăn cho tất cả mọi người. Cho tôi, một nhân viên an ninh, cũng như các viên chức khác ở Hội đồng thành phố’ – ông Tetsuo Yamauchi cho biết.
Hàng nghìn người cao tuổi ở Nhật bản lang thang và mất tích khỏi nhà nhiều năm, gây hoang mang cho gia đình và áp lực lên hệ thống an ninh.
Tình trạng già hóa dân số cũng như các vấn đề về văn hóa đã dẫn đến tình trạng năm 2016 có tới 15.000 người được thông báo mất tích do chứng sa sút trí tuệ ở Nhật.
Trở lại câu chuyện của cụ ông đi lạc ở Osaka: cụ được đưa vào nuôi dưỡng tại Trại dưỡng lão Daini-Taisho-En với tên gọi là Taro Nishiyodo. Họ ‘Nishiyodo’ được đặt theo tên một quận ở Osaka, nơi cụ ông được tìm thấy.
Ông Tetsuo Yamauchi nói rằng đây là tình trạng ‘lần đầu xảy ra ở Nhật’ và ‘không ai biết phải làm thế nào để giải quyết’.
Không một quy trình nào được lập ra để xử lý việc này, và việc xác định danh tính một người trong một nước có tới 127 triệu dân quả thật là bất khả thi.
Tình trạng những người gia bỏ nhà đi lang thang như cụ Taro đang tăng nhanh và trở thành một cuộc khủng hoảng ở Nhật.
Theo số liệu của chính phủ, số người từ 65 tuổi trở lên đang tăng mạnh ở Nhật, hiện đã chiếm 27.7% dân số nước này.
Năm 2016, số người mất tích do chứng sa sút trí tuệ là 15.000 người – tăng 26% so với năm 2015 (số liệu do Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản cung cấp).
Dự báo là con số này còn tiếp tục tăng, khi mà số người mắc chứng sa sút trí tuệ dự đoán sẽ tăng từ 4,6 triệu người hiện nay lên 7 triệu người vào năm 2025. Con số này tương đương với 1/5 số người trên 65 tuổi mắc phải bệnh này.
Luật sư Tetsuhiko Kobayashi, đứng đầu nhóm Tình nguyện viên chuyên tìm kiếm bệnh nhân sa sút trí tuệ mất tích ở Tokyo, nói: ‘Nếu như chính phủ không có những giải pháp hiệu quả để giải quyết, tình trạng này sẽ trở thành một thảm họa’.
Câu chuyện cụ Taro cho thấy một trường hợp bị sa sút trí tuệ và bị lạc có thể gặp khó khăn như thế nào trong việc tìm đường trở về nhà.
Khi cụ ông này mất tích, gia đình của ông đã đến trình báo cảnh sát ở quận Hyogo, và thông báo từ cơ quan này được gửi tới 46 đồn cảnh sát trên cả nước.
Nhưng thông báo đó không hề ăn khớp với thông báo của cơ quan cảnh sát tại ngoại thành Osaka, nơi người ta tìm thấy cụ.
Tất cả những thông báo về những người mất tích hoặc đã được tìm thấy tại Nhật đều được đưa lên hệ thống dữ liệu quốc gia, tuy nhiên thông tin không hề trùng khớp.
Ông Yamauchi nói: ‘Tôi đã xem xét quy trình tổ chức của cảnh sát và nhật ra rằng với việc nhận diện con người, hệ thống dữ liệu không hoàn chỉnh.
Đó không chỉ là là lỗi do hệ thống mà còn là lỗi do con người’.
Cho đến tận khi cụ Taro rời khỏi đồn Cảnh sát và được chuyển đến nơi chăm sóc của thành phố Osaka, những người giám hộ của ông cũng không nhận ra thông tin cá nhân của ông đã có trong thông báo của quận Hyogo.
Phải mất 2 năm cụ ông Taro sống tại nhà dưỡng lão, các thông tin mới được tích hợp và gia đình phát hiện ra nơi ở mới của cụ.
Nhân viên cảnh sát đang ‘quá tải’ – đây là nhận xét của một viên chức về hưu, ông Hiroshi Tahara. Ông đã khởi xướng Hiệp hội Hỗ trợ nơi ở và tìm kiếm người mất tích Nhật Bản vào năm 2009.
Ông Hiroshi cho rằng: ‘Cảnh sát không thể có trách nhiệm là đi tìm một ai đó khi họ cứ thường xuyên đi lang thang. Cảnh sát chỉ tìm kiếm trong vòng 3 ngày đầu tiên mà thôi’.
Luật của Nhật cho phép một người có thể sống ở đâu mà họ muốn, vì vậy ‘ngay cả khi nhân viên cảnh sát nghĩ rằng một người nào đó là người bị mất tích, họ cũng không thể can thiệp’ – ông Hiroshi nói.
Mất trí nhớ hay còn gọi là sa sút trí tuệ (dementia) không hẳn là một chứng bệnh riêng biệt mà là tổng thể một số triệu chứng khác nhau liên quan đến sự mất cân bằng về suy nghĩ, ghi nhớ và giao tiếp.
Theo Hội Alzheimer Mỹ, có khoảng 60% - 80% ca bệnh sa sút trí tuệ là do hậu quả của bệnh Alzheimer. Triệu chứng của bệnh tiến triển theo thời gian. Người bệnh có thể quên địa chỉ, số điện thoại và thông tin cá nhân, thay đổi tính khí, rối loạn giấc ngủ...
Dần dà, bệnh trạng sẽ nặng hơn, đến giai đoạn cuối, trí nhớ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều bệnh nhân không còn nhận ra người thân.
Việc tìm kiếm những người mất tích do sa sút trí tuệ trở nên rất khó khăn bởi vì những người này không nhận ra họ bị lạc, không yêu cầu trợ giúp.
Một số người thậm chí cưỡng lại sự giúp đỡ, trong khi những người khác không thể diễn tả điều mà họ muốn.
Tình hình còn tồi tệ hơn, khi những người thân của người mất tích không báo tin cho cơ quan chức năng về vấn đề này. Có một kiêng kỵ liên quan đến chứng sa sút trí tuệ ở Nhật, đó là việc chia sẻ các vấn đề cá nhân được coi là ‘không tốt’ trong văn hóa nước này.
Một số trường hợp, người nhà có thông báo về chuyện các cụ già mất tích, nhưng không cung cấp ảnh. Họ không muốn quảng bá chuyện người thân của mình bị già đi, lú lẫn – và, có thể, quan trọng hơn, họ không muốn lộ ra chuyện đã không thể ngăn người thân của mình đi lang thang.
Bà Sachiko Nishida là người đã báo cho cảnh sát mỗi khi cha bà đi ra ngoài và bị lạc, nhưng bà vẫn giấu chuyện ông cụ bị sa sút trí tuệ như là một bí mật với họ hàng và láng giềng.
‘Thật khó khăn khi kể rằng có một bệnh nhân sa sút trí tuệ trong gia đình’ – bà thừa nhận.
Thông thường, bất cứ tình huống nào bất thường, khác lạ thì đều bị coi là xấu hổ với người Nhật. Họ không muốn người ngoài biết chuyện.
‘Dù cho đó là một điều tốt đi chăng nữa, chúng tôi cũng muốn giấu. Đó là lối suy nghĩ đặc trưng của người Nhật’ – bà Sachiko Nishida chia sẻ.
Dù cho không thể chăm sóc 24/24 giờ cho cha mình, bà Sachiko vẫn từ chối sự giúp đỡ của người thân. Vào năm 2016, bà bị suy nhược và quyết định phải nhờ em trai giúp chăm sóc cha.
‘Tôi đã nghĩ rằng họ không thể giúp, nhưng dù sao tôi cứ hỏi. Thật bất ngờ... những người họ hàng như chú của tôi cũng đồng ý giúp rất vui vẻ. Từ đó đến nay, tôi đã được hỗ trợ’ – bà Sachiko cho hay. Bà Sachiko cũng nói với hàng xóm về chuyện của cha mình.
Một lần, hàng xóm báo tin người cha 82 tuổi của bà đã đi lang thang ra công viên gần nhà. Bà đã ngay lập tức đuổi theo.
‘Nếu tôi không nói chuyện với hàng xóm, họ đã không thể báo tin cho tôi như vậy’ – bà nhớ lại. Cha của bà đã được tìm thấy ở cách nhà 3 km.
Khác với trường hợp bà Sachiko, nhiều gia đình Nhật khác đang chịu gánh nặng của bệnh sa sút trí tuệ một cách đơn độc, trong im lặng.
Giải pháp của vấn đề này liên quan đến việc xây dựng một chuẩn mực văn hóa mới.
Bà Kumiko Nagata, Giám đốc Trung tâm đào tạo và nghiên cứu chứng sa sút trí tuệ Tokyo đang cố gắng để phá vỡ sự xấu hổ hay kỳ thị với chứng sa sút trí tuệ.
Bà cho rằng có rất nhiều hậu quả xảy ra khi các gia đình cố gắng giấu những người già bị sa sút trí tuệ trong nhà. Bệnh nhân của chứng sa sút trí tuệ cần phải được ra ngoài, họ sẽ vô cùng căng thẳng nếu như bị bó chân trong một không gian nhỏ hẹp trong thời gian dài.
‘Bằng cách đi lang thang, những người này cảm thấy tự do và họ có thể làm điều gì mà họ mong muốn’ – bà Kumiko Nagata cho hay.
Trung tâm của bà Kumiko đã phát triển một mạng lưới ‘SOS’ để khuyến khích những người chăm sóc đăng ký tên người nhà bị bệnh sa sút trí tuệ với nhà chức trách. Họ sẽ thông tinh cả về nơi lui tới yêu thích của những người sa sút trí tuệ.
Những thông tin này sẽ được đưa vào dữ liệu thông tin công, chia sẻ với các cơ quan như cảnh sát, phòng cứu hỏa, thậm chí cả các cửa hàng tiện lợi 24 giờ. Những người bán hàng được đào tạo cách để phát hiện ra và hỗ trợ nạn nhân sa sút trí tuệ - những người có thể tạt vào cửa hàng của họ trong quá trình đi lang thang.
Chỉ có 40% các nhà chức trách địa phương gia nhập mạng lưới SOS này, nhưng những người sáng lập vẫn hi vọng rằng mạng lưới này sẽ được mở rộng.
Gánh nặng của các gia đình có người thân bị sa sút trí tuệ không chỉ liên quan đến cảm xúc mà cả về mặt tài chính.
Tổng chi phí về mặt xã hội và chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân sa sút trí tuệ tiêu tốn khoảng 174 tỷ USD vào năm 2014. Gần 50% số tiền này được chi bởi các gia đình.
Theo Bộ Y tế Nhật Bản
Chính phủ Nhật đã cố gắng thực hiện các giải pháp đối phó với chứng bệnh sa sút trí tuệ.
Năm 2017, các quan chức địa phương ở thành phố Matsudo đã bắt đầu phân phối nhãn dán mang mã QR, có thể được là lên quần áo, để giúp cảnh sát xác định vị trí của gia đình những người bị sa sút trí tuệ.
Các nhóm từ thiện cũng đã đóng một vai trò.
Khoảng một lần mỗi tháng, các tình nguyện viên của tổ chức phi lợi nhuận Hot Plus tiếp cận người cao tuổi ở trung tâm thành phố Tokyo, cung cấp thức ăn cho họ và thường tìm những người bị sa sút trí tuệ.
Giám đốc của một tổ chức từ thiện, ông Takanori Fujita nói: ‘Họ thường không thể trò chuyện một cách bình thường.
‘Thường thì chúng có thể tìm thấy họ trong điều kiện vệ sinh kém. Chúng tôi mang những người có thể nói chuyện tới trung tâm hỗ trợ cộng đồng, những người còn lại được đưa tới bệnh viện’
Ông Fujita thậm chí đã khởi sự ‘hộp thư bưu điện’ cho người cao tuổi đầu tiên của Nhật - năm 2011.
Đây là nơi các gia đình khó khăn có thể để lại thông tin về người già trong gia đình mà họ không còn đủ khả năng để chăm sóc, kể cả bệnh nhân sa sút trí tuệ.
Những người cao tuổi này sau đó được giao cho trại dưỡng lão.
Câu chuyện đau lòng của cụ ông Taro Nishiyodo
Cụ ông Taro Nishiyodo (được đề cập đầu bài báo) đã trở thành nhân vật trong một bài viết trên báo Mainichi, điển hình cho câu chuyện đau lòng về hiện tượng người già sa sút trí tuệ đi lang thang.
Vào tháng 4/2014, bài báo được đăng. Gia đình của cụ Taro đã đọc nó.
Sau khi sống suốt 2 năm với người lạ, cụ cuối cùng cũng được đoàn tụ cùng gia đình.
Tuy nhiên, hạnh phúc của cụ ông thật ngắn ngủi. Cụ đã mắc một chứng nhiễm trùng máu và phải ở trong trung tâm chăm sóc sức khỏe để điều trị.
Cụ mất vào tháng 2/2016, khi chưa kịp trở về nhà của mình.
Những người con, cháu của cụ Taro đã đau khổ rất nhiều. Họ nghĩ rằng họ đã không làm tròn trách nhiệm của mình và đổ lỗi lẫn cho nhau. Ngay cả khi cụ được tìm thấy, họ vẫn tiếp tục tự trách móc mình vì đã để mọi chuyện xảy ra.