Cụ thể, trong tổng số bệnh nhân trầm cảm được theo dõi, lứa tuổi 16 - 45 chiếm 75%, nữ 89,3%, đã kết hôn 67,86 %, nhân cách ưu tư 46,43%, các vấn đề kinh tế 31,25% và sau đẻ 55,56%.
Trầm cảm hay còn gọi là rối loạn sắc lý là một dạng bệnh lý biểu hiện bằng trạng thái chán nản, mệt mỏi. Người bệnh hầu như không làm được gì khi bệnh đã nặng và có thể dẫn tự ti, mặc cảm dẫn đến tự sát. Đáng chú ý, thống kê có tới 15% số bệnh nhân trầm cảm chết do tự sát.
TS Tô Thanh Phương cho biết, có rất nhiều yếu tố thuận lợi gây ra bệnh, thường là giới tính, độ tuổi, hôn nhân và vấn đề kinh tế.
Trong đó, tuổi đóng vai trò quan trọng trong trầm cảm. Biểu hiện trầm cảm ở thanh thiếu niên khác với người trưởng thành, thường gặp là các rối loạn hành vi như nghiện ma tuý, phạm tội.
Trẻ em mất cha mẹ thì yếu tố dễ bị mắc trầm cảm có thể kéo dài đến tuổi trưởng thành. Nguy cơ mắc bệnh cũng có liên quan với quá trình quan tâm của cha mẹ với con khi còn ít tuổi.
Nhất là những đứa trẻ bị bỏ rơi, bị hắt hủi, bị đầy đoạ thường có mặc cảm tội lỗi, thất vọng. Đôi khi những đứa trẻ được nuông chiều, thiếu giáo dục đúng đắn... cũng dễ xuất hiện trầm cảm về sau.
Ở khía cạnh độ tuổi, TS Tô Thanh Phương nhấn mạnh, rối loạn trầm cảm điển hình thường gặp ở lứa tuổi từ 18 - 44 với hơn 75%. Đặc biệt, trầm cảm nặng thường gặp nhất ở lứa tuổi 25 - 35.
Ngoài ra, nghiên cứu chỉ ra rằng, giới tính có ảnh hưởng rất lớn đế nguy cơ mắc bệnh. Lí giải cho điều này, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, mỗi giới tính khác nhau sẽ bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa dân tộc, hocmon khác nhau…
Trong đó, phải chụy nhiều ảnh hưởng bới các điều kiện trong xã hội và gia đình hơn so với nam giới. Không những vậy, cơ cấu sinh lý ở phụ nữ với việc thường gặp kinh nguyệt, chửa, đẻ, mãn kinh, không có con… cũng có thể thúc đẩy nguy cơ gây ra trầm cảm.
Đặc biệt, bác sĩ chỉ ra rằng, có đến 10% phụ nữ sau sinh có thể mắc bệnh. ‘Do biến đổi nồng độ hocmon steroide, đặc biệt là estrogen gây ra rối loạn tâm thần, hành vi của phụ nữ sau sinh. Bệnh thường xuất hiện trong khoảng 6 tuần sau đẻ, có người sớm hơn, chỉ sau sinh 3 – 4 ngày, có người muộn là khoảng 3 tháng.
Bệnh nhân thường có biểu hiện mệt mỏi, suy nhược, dễ bị kích thích, luôn phàn nàn về các triệu chứng cơ thể. Đôi khi họ rối loạn giấc ngủ, luôn có ám ảnh mình không biết nuôi con và buồn chán, khóc lóc.
Khi bệnh nặng, có thể đột ngột xuất hiện xung động tấn công trong cơn hoảng sợ nên rất nguy hiểm với con, thường gặp ở người mẹ trẻ.
Các rối loạn tâm thần có thể xuất hiện muộn 3 tháng sau đẻ có thể gọi là ‘loạn thần sữa’. Sau 1 năm, các triệu chứng vẫn còn tồn tại dai dẳng ở 1/3 số bệnh nhân này nếu không được điều trị đúng cách’.
Xã hội cũng nên lưu ý đặc biệt với những người có nhân cách ưu tư. Vì đây là đối tượng rất dễ mắc trầm cảm. Những người này ít khi biểu lộ suy nghĩ của mình cho người khác, vì vậy, sau một quá trình âm thầm chịu đựng, đến khi không còn khả năng chịu được nữa nên đã phát bệnh.
Với đối tượng này, cách phòng bệnh trầm cảm tốt nhất là nên trao đổi tâm tư, chia sẻ với những người thân, tham gia các hoạt động cộng đồng sẽ rất có hiệu quả.
Hay các sự kiện của đời sống có ảnh hưởng rất nhiều đến phát sinh bệnh trầm cảm. Thường gặp nhất là những biến động có tính chất tiêu cực trong cuộc sống như mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh mạn tính, người thân tử vong, thất nghiệp …
Trong gia đình thường xuyên cãi nhau, luôn trong tình trạng căng thẳng cũng làm tăng nguy cơ thành viên bị mắc bệnh.
Hồng NgọcBạn đang xem bài viết Phụ nữ có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn 3 lần so với nam giới tại chuyên mục Sống khỏe của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].