Nguyên Viện phó Viện khoa học hình sự: Đau đầu vì có trường hợp bố đẻ và con không cùng ADN

Đại tá Hà Quốc Khanh chia sẻ, có những tình huống bố đẻ và con không cùng ADN. Lại có trường hợp xét nghiệm cả 3 người có khả năng là bố đứa trẻ đều không phải.

Với hơn 40 năm công tác trong ngành và trên 35 làm công tác giám định, Đại tá Hà Quốc Khanh, nguyên Giám đốc Trung tâm Giám định ADN, nguyên Phó Viện trưởng Viện khoa học hình sự, Bộ Công an chia sẻ với Gia Đình Mới một vài tình huống ông không thể quên trong sự nghiệp của mình.

Mỗi khi có vụ án hình sự xảy ra, khi được trình báo, lực lượng công an đều tổ chức khám nghiệm hiện trường và thu thập tất cả các tài liệu, dấu vết, mẫu vật dù là nhỏ nhất có liên quan.

Những dấu vết mẫu vật này là nguồn chứng cứ quan trọng để xác định vụ việc. Do đó chúng đều được cơ quan điều tra thu thập và gửi giám định. Dấu vết ADN là một trong số các loại dấu vết mẫu vật có ở hiện trường các vụ án.

Sau mỗi vụ án, có không ít kỷ niệm khó quên trong cuộc đời làm nghề của các giám định viên như Đại tá Hà Quốc Khanh.

Vụ án Lê Văn Luyện cướp tiệm vàng dậy sóng dư luận năm 2011 là một ví dụ điển hình.

Khoảng 9h ngày 24/8/2011, vợ chồng chủ tiệm vàng Ngọc Bích (phố Sàn, Lục Nam, Bắc Giang) cùng bé gái 18 tháng tuổi được phát hiện nằm chết trong nhà với nhiều vết chém. Con gái lớn 8 tuổi bị chém đứt lìa bàn tay.

Ngay sau khi sự việc được phát hiện, Công an tỉnh Bắc Giang cùng với các đơn vị chức năng của Viện Khoa học hình sự đã tiến hành khám nghiệm, thu thập các chứng cứ và chuyển các mẫu giám định thu thập được về Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an để tiến hành giám định.

Nhận được quyết định trưng cầu giám định gửi đến, các giám định viên của Trung tâm Giám định sinh học pháp lý đã tập trung phân tích các dấu vết. Ngay sau khi thu được mẫu máu tại hiện trường, Viện Khoa học hình sự đã tiến hành các giám định ADN.

Kết quả giám định ADN từ các dấu vết máu cho thấy, tại hiện trường ngoài mẫu máu của nạn nhân còn có một số vết máu lạ. Chính vết máu lạ này được xem như một thông tin quan trọng giúp cơ quan điều tra tìm ra kẻ thủ ác. Kết quả giám định so sánh dấu vết ADN cho thấy, dấu vết máu lạ có tại hiện trường chính là của Lê Văn Luyện.

Một vụ án khác cũng để lại dấu ấn đậm nét trong quá trình công tác của Đại tá Hà Quốc Khanh, đó là vụ án chị Lê Thị Thanh Huyền tử vong tại cơ sở thẩm mỹ Cát Tường tháng 10 năm 2013. Vụ án này đã gây chú ý của đông dảo dư luận lúc bấy giờ bởi, nguyên nhân nào dẫn đến cái chết của chị Huyền, xác chị Huyền đang ở đâu…?

Vì nếu không tìm thấy xác của chị Huyền thì việc xét xử và xác định tội danh sẽ rất khó khăn. Vậy mà sau gần 10 tháng (7/2014) người dân đã phát hiện được một xác người không toàn vẹn. Đây có có phải là xác chị Huyền không?

Việc giám định ADN đã được Viện Khoa học hình sự khẩn trương tiến hành. Kết quả giám định mẫu lấy từ xác nạn nhân và của những người thân nghi có quan hệ huyết thống đã khẳng định, xác chết được phát hiện chính là nạn nhân Huyền. Nhờ kết quả giám định này mà công tác điều tra, xét xử trở nên dễ dàng và vụ án được khép lại.

Theo Đại tá Hà Quốc Khanh, công nghệ ADN ngày nay không chỉ phục vụ cho công tác điều tra và xét xử tội phạm mà phạm vi áp dụng của công nghệ này là rất rộng lớn, chẳng hạn như trong ngành y tế để chẩn đoán xác định bệnh tật; trong lai tạo giống cây trồng, vật nuôi; trong nghiên cứu phát sinh chủng loại…

Để tiến hành giám định hoặc phân tích ADN cần phải có những bước cơ bản sau:

Tách ADN từ các mẫu máu, tóc, xương, móng, nước bọt, tinh dịch... Tùy theo điều kiện bảo quản mà mẫu có thể giữ được thời gian dài hay ngắn.

Nếu mẫu giám định được bảo quản trong ngăn đá tủ lạnh có thể sử dụng được sau nhiều năm. Với điều kiện bình thường, mẫu máu và niêm mạc miệng thu trên thẻ FTA có thể bảo quản đến 10 năm; mẫu móng cũng khoảng trên 10 năm trong điều kiện bình thường.

Sau khi đã tách được ADN, bước tiếp theo là định lượng để xem lượng ADN thu được là bao nhiêu, có đáp ứng yêu cầu giám định không. Nếu lượng ADN đạt yêu cầu cần thiết thì tiến hành kỹ thuật nhân bội đoạn ADN. Với kỹ thuật này thì từ lượng ADN ban đầu sẽ được nhân bội lên đến hàng triệu bản sao, do đó sẽ rất tiện lợi cho quá trình phân tích. Cuối cùng, sản phẩm sau khi nhân bội sẽ được giải trình tự trên máy giải trình tự gen tự động. Kết quả thu được là các kiểu gen, thông qua các kiểu gen này để truy nguyên cá thể người hay để xác định quan hệ huyết thống.

Sở dĩ như vậy vì mỗi cá thể có kiểu gen đặc trưng cho riêng mình mà không trùng lặp với bất cứ ai (trừ những người sinh ra từ cùng một trứng), còn xác định quan hệ huyết thống là dựa vào nguyên lý di truyền, các con được thừa hưởng gen từ bố thông qua tinh trùng và từ mẹ thông qua tế bào trứng.

Trong giám định huyết thống nếu thỏa mãn điều kiện bố (mẹ) và con cho nhận đầy đủ các alen thì kết luận có quan hệ huyết thống.

Bên cạnh việc đáp ứng các yêu cầu về điều tra phá án, giám định ADN còn tham gia giải quyết khắc phục hậu quả, tìm kiếm, xác định tung tích nạn nhân trong các thảm họa, thiên tai…

Đại tá Hà Quốc Khanh không thể quên được vụ xét nghiệm ADN cho 7 người chết cháy trong số 60 người thiệt mạng trong vụ cháy tòa nhà Trung tâm Thương mại quốc tế ITC tại Quận 1, TP Hồ Chí Minh xảy ra ngày 29/10/2002.

Đó là lần đầu tiên Trung tâm Giám định sinh học pháp lý, Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an thực hiện giám định ADN sau khi được thành lập vào năm 1999.  

Buổi trưa ngày 29/10/2002, tòa nhà Trung tâm thương mại quốc tế ITC chìm trong biển lửa khi bên trong đang có khoảng 1.000 người Việt Nam và nước ngoài làm việc, mua sắm, trong đó lượng người tập trung đông nhất là ở nhà hàng dự đám cưới và lớp tập huấn nhân viên của một công ty bảo hiểm.

Vụ hoả hoạn cướp đi sinh mạng của 60 người, làm bị thương 70 người do bỏng, ngạt, chấn thương do nhảy từ trên cao xuống.

Đại tá Hà Quốc Khanh không thể quên được khoảnh khắc mở tấm vải phủ phần thân thể còn lại của 7 nạn nhân xấu số. “Họ chỉ còn lại những khúc bị cháy thui, đen sì, người cụt tay, người mất chân, khuôn mặt biến dạng…”, ông rùng mình nhớ lại.

Ngoài 53 nạn nhân đã được xác định danh tính, 7 trường hợp còn lại không thể nhận dạng được bằng các biện pháp thông thường nên phải lấy mẫu ADN để giám định, đối chiếu. Nhưng để có kết quả xét nghiệm sớm nhất phải khoảng 20 ngày.

Phương án giám định bằng mẫu tóc của các nạn nhân không áp dụng được bởi nhiều người bị cháy hết tóc, tế bào bị biến dạng do nhiệt.

Trước tình hình ấy, tổ công tác kỹ thuật đã quyết định lấy mô ở lồng ngực hoặc cơ ở vùng mông để giám định ADN. Khi có được mẫu của nạn nhân thì mẫu so sánh của các thân nhân người bị nạn là bố mẹ cũng được lấy để phân tích và so sánh.

7 nạn nhân chưa được nhận dạng được chôn cất tại nghĩa trang thành phố cùng các nạn nhân đã được nhận dạng vào ngày 5/11/2002.

Bia mộ của 7 nạn nhân được đánh số. Cơ quan chức năng cũng lưu giữ hồ sơ pháp y, trong đó có kết quả giám định ADN của mỗi thi thể. Khi có kết quả giám định ADN của những người thân trực hệ sẽ đối chiếu để xác định nhân thân, họ được gắn tên và di ảnh lên bia mộ.

Với mỗi nạn nhân, Trung tâm Giám định ADN lấy 2 mẫu ADN của thân nhân. Thời gian thực hiện để có kết quả ADN mỗi nạn nhân trung bình 7-10 ngày. Riêng nạn nhân Phạm Thị Thanh Hương (quê ở Phú Thọ) phải tiến hành lấy mẫu thử lần thứ hai mới biết chính xác mối quan hệ của nạn nhân với gia đình. Lần xác định đầu tiên, do mẫu thử được lấy từ dì ruột của nạn nhân nên chưa thể kết luận được.

Sau hơn một tháng làm việc miệt mài, toàn bộ 7 thi hài đã được trả về đúng địa chỉ.

Theo đại tá Hà Quốc Khánh, phân tích ADN để nhận dạng nạn nhân trong các vụ thảm họa là biện pháp mang tính khoa học, hiệu quả nhất hiện nay.

Bởi lẽ, trong nhiều trường hợp không còn khả năng nhận diện được qua khuôn mặt hoặc những đặc điểm nhận dạng khác và nhiều trường hợp chỉ là những phần cơ thể riêng biệt thì phải thu mẫu để phân tích ADN nhân tế bào hoặc gen ti thể để có cơ sở so sánh với những người trong gia đình có cùng huyết thống. 

Đại tá Hà Quốc Khanh cho biết, mỗi ngày đơn vị của ông nhận được khoảng 15-20 ca xét nghiệm di truyền huyết thống, chủ yếu là xác định quan hệ huyết thống cha - con.

Làm việc tại Công ty cổ phần phân tích di truyền (GENTIS) từ năm 2015 với tư cách là cố vấn khoa học, Đại tá Hà Quốc Khanh gặp không ít trường hợp hy hữu.

Đó là trường hợp một người là bố đẻ của cậu bé, nhưng ADN hai người lại không giống nhau. Đây là trường hợp hiếm gặp, lần đầu được phát hiện nhờ phân tích ADN để xác định quan hệ huyết thống tại Việt Nam.

Cách đây không lâu, một người đàn ông đưa con mình đi xét nghiệm ADN để xem đứa con do vợ mình sinh ra có phải là con đẻ của mình không. Tuy nhiên, khi phân tích kết quả cho thấy kiểu gen của người bố rất khác thường.

Người đàn ông này đã đưa con mình đi xét nghiệm ở nhiều nơi nhưng kết quả một nơi là không cùng huyết thống, một nơi khác không thể đưa ra kết luận.

Các mẫu phẩm khác nhau của người bố như máu, tóc, tế bào niêm mạc miệng của người bố đã lần lượt được phân tích và chúng cho kết quả không giống nhau và không có quan hệ huyết thống với người con. Thậm trí kiểu gen của người bố này được so sánh ngược trở lại với kiểu gen của bố mẹ đẻ (tức ông bà nội) cũng cho thấy có sự khác biệt.

Kết quả phân tích lần đầu cho thấy mẹ và con có quan hệ huyết thống, còn mẫu của người bố có hiện tượng bị nhiễm, không thể phân tích và kết luận được. Các giám định viên đã kiểm tra lại toàn bộ các khâu trong quy trình xét nghiệm nhưng không phát hiện có sai sót nào.

Trước kết quả kỳ lạ này, các giám định viên đã nghiên cứu tài liệu, trao đổi, thảo luận với nhau. Họ đã yêu cầu gia đình cung cấp mẫu lại một nữa. Lần này mẫu của người bố là máu và tinh trùng. Các mẫu được đưa tới hai trung tâm nghiên cứu di truyền khác nhau, là Công ty cổ phần phân tích di truyền (GENTIS) và Viện Khoa học hình sự.

Đại tá Hà Quốc Khanh phân tích: "Trước khi xét nghiệm, chúng tôi nghi ngờ người đàn ông đó có thể là sản phẩm của hiện tượng Chimerism. Tức là trong quá trình mang thai, mẹ của người đàn ông này có thể có hai phôi thai cùng lúc."

Theo quy luật bình thường sẽ sinh ra hai người con, có cấu trúc di truyền khác nhau. Nhưng do ngẫu nhiên, hai hợp tử này lại kết hợp làm một trong giai đoạn đầu thai kỳ. Người đàn ông đó được sinh ra có hai cấu trúc di truyền khác nhau (tức là có 2 bộ gen khác nhau) trên cùng một cơ thể. Do đó khi phân tích ADN ở các mẫu khác nhau (máu, tóc, tế bào niêm mạc miệng) cho ra kết quả không giống nhau.

Sau khi Công ty cổ phần phân tích di truyền (GENTIS) và Viện Khoa học hình sự xét nghiệm độc lập và so sánh đưa ra cơ sở kết luận chắc chắn, đứa bé chính là con của người đàn ông đó.

Tại Trung tâm phân tích di truyền (GENTIS), việc xét nghiệm huyết thống nhanh nhất 6 tiếng là có kết quả. Mẫu xét nghiệm được tiếp nhận tại phòng Thu mẫu, sau đó bàn giao cho Trung tâm xét nghiệm. Tại Trung tâm xét nghiệm, ở mỗi bước giám định từ tách chiết ADN cho đến bước cuối cùng là giải trình tự ADN và kết luận đều thực hiện kiểm tra chéo để bảo đảm cho sự khoa học và chính xác tuyệt đối.

Đại tá Khanh tâm sự, không ít lần ông được chính những người muốn xét nghiệm đề nghị thay đổi kết quả vì những mục đích riêng nhưng ông đều từ chối. Bởi ông hiểu, một tờ kết quả có thể ảnh hưởng tới danh dự, nhân phẩm và cuộc sống của cả một con người.


Tin liên quan