Cuối giờ chiều một ngày đầu tháng 7, như thường lệ, bác sĩ Ronny Lauzardo Vidales – Dr. Robin (Khoa Phụ sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc) và trợ lý của mình đi buồng thăm sản phụ.

Đặt tay lên vai sản phụ Lâm Đại Ngọc (Hà Nội), bác sĩ Robin nhẹ nhàng chúc mừng chị đã vượt cạn thành công. Chị Ngọc khám thai sản ở Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc từ tuần 12 của thai kỳ. 

- Ngày hôm nay, bạn thấy trong người thế nào rồi? Có thấy khó chịu ở đâu không?

- Tôi rất khoẻ. Gặp bác sĩ ở đây tôi mừng quá! Xin cảm ơn ông đã tư vấn cho tôi!

Trong suốt thời gian thai kỳ của mình, chị Ngọc được bác sĩ Robin khám và tư vấn 4 lần. Với người có một số vấn đề trong quá trình mang thai như chị, sự nhiệt tình tư vấn, luôn sẵn sàng lắng nghe và thấu hiểu tâm lý người bệnh của bác sĩ Robin khiến chị tự tin và yên tâm phần nào về sức khoẻ, tiếp thêm sức mạnh cho cuộc vượt cạn của chị.

Bà mẹ trẻ 25 tuổi nhìn về hướng bác sĩ Robin đang khẽ vỗ về đứa con đầu Hoàng Yến Nhi được 2 ngày tuổi của mình mỉm cười hạnh phúc.

“Ban đầu khi đến thăm khám thai kỳ ở BV Thu Cúc, vợ chồng tôi rất ngỡ ngàng khi tôi được bác sĩ nước ngoài thăm khám. Sau vài phút đầu ngại ngần về giao tiếp ngôn ngữ nhưng rồi chúng tôi nhanh chóng cởi mở trò chuyện với nhau hơn bởi có cùng chung một mối quan tâm là sức khỏe của thai nhi. Lần sau sinh con tiếp, tôi vẫn mong được bác sĩ Robin thăm khám và tư vấn” – chị Ngọc quả quyết.

Bác sĩ sản phụ khoa quốc tế: Phụ nữ Việt kiêng cữ cả tháng sau sinh là quá vô lý! 1

Tốt nghiệp đại học năm 2008, bác sĩ Robin làm việc lần lượt làm bác sĩ đa khoa tại Bệnh viện Efraín Mayor, bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Bà mẹ và trẻ em Ángel Arturo Aballí Arellano (Cuba).

Theo một chương trình hợp tác trong trao đổi y khoa giữa Việt Nam – Cuba, bác sĩ Robin sang Việt Nam và làm việc tại Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc từ năm 2017.

Dù thời gian công tác chưa quá lâu nhưng cũng đủ để bác sĩ Robin tạo được ấn tượng trong lòng sản phụ và người nhà bệnh nhân khi đến viện này thăm khám, theo dõi thai kỳ và sinh nở như cách chị Ngọc nói về vị bác sĩ nước ngoài điển trai có mái tóc cột đuôi gà kèm đôi mắt hấp háy và nụ cười thường trực nở trên môi.

Mở đầu cuộc trò chuyện với Gia Đình Mới,  bác sĩ sản phụ khoa Robin của khoa Sản, Bệnh viện đa khoa quốc tế Thu Cúc đã thổ lộ luôn: “Rời quê hương, lựa chọn làm việc tại Việt Nam là một điều thú vị và ý nghĩa của cuộc đời tôi bởi tôi có được những trải nghiệm thú vị và không hề giống nếu chọn làm việc ở quê hương, đặc biệt là với sản phụ người Việt – những người mẹ rất, rất, rất… yêu con!”.

Sản phụ Việt Nam thường có thói quen kiêng cữ nhất định sau sinh. Ví dụ, kiêng tắm sau sinh, có khi cả tháng luôn. Hay kiêng từ 1- 3 tháng sau sinh không vận động nhiều, hạn chế đi lại ra ngoài trời (chỉ nằm trong phòng, đi lại trong nhà)… Là một bác sĩ và người nước ngoài, ông có chia sẻ gì khi thấy những hiện tượng trên?

- Tôi nghĩ, những quan niệm kiêng cữ sau sinh của sản phụ Việt chưa đúng lắm. Thực tế khoa học đã chứng minh sản phụ sau sinh không nên kiêng khem thái quá. Thậm chí việc kiêng cữ không đúng cách còn có thể gây phản tác dụng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mẹ và cả em bé.

Bởi lẽ, khi không được tắm sớm, cơ thể mẹ sẽ là môi trường thuận lợi để vi khuẩn gây bệnh phát triển và thậm chí còn lây sang con qua đường bú mẹ.

Kiêng tắm gội 2- 3 ngày sau sinh có thể được chấp nhận, nhưng kiêng, cấm suốt thời gian nằm cữ cả tháng là quá vô lý. Tình trạng vệ sinh không sạch sẽ kéo dài tạo điều kiện cho mụn nhọt xuất hiện, vi khuẩn có cơ hội phát triển, tấn công vào cơ thể đang còn yếu của phụ nữ sau sinh.

Mẹ chỉ nên kiêng tắm gội tối đa là 3- 5 ngày sau sinh. Trong thời gian đó, chị em cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ với nước ấm. Về đầu tóc, mẹ nên sử dụng dầu gội khô để tránh tình trạng dính bết khó chịu, rất dễ làm bạn nhức đầu. Sau khi cơ thể đã khỏe dần, mẹ có thể tắm bình thường, với nước ấm, dưới vòi hoa sen, ở nơi tránh gió.

Bác sĩ sản phụ khoa quốc tế: Phụ nữ Việt kiêng cữ cả tháng sau sinh là quá vô lý! 2

Hay tôi thấy, một số phụ nữ sau sinh thường được khuyên nên nằm một chỗ, trừ khi đi vệ sinh, còn đâu ăn, uống, tất tần tật nên ở trên giường. Liệu có quá lợi bất cập hại? Thiếu vận động sau sinh có thể làm bạn mắc chứng tắc động mạch, làm trì trệ những bộ phận cần hồi phục sau sinh như khoang chậu, trực tràng, bàng quang.

Tốt nhất, mẹ vẫn nên vận động nhẹ nhàng sau sinh, bởi nó không chỉ có lợi cho việc lưu thông máu, mà còn giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn, nhất là với các mẹ sinh mổ. Khoảng 6 tuần sau sinh, mẹ có thể thực hiện những bài tập phù hợp như yoga.

Hoặc phụ nữ sau sinh cần được giữ ấm trong thời gian ở cữ. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa phòng mẹ và bé sinh hoạt cần bít kín gió ở mọi ngóc ngách. Thử hỏi trong mùa hè nóng bức, sự bí bách, ngột ngạt của môi trường sẽ tác động xấu đến sức khỏe của mẹ và bé ra sao?

Sốt hậu sản do dính gió độc không phải là kết luận đúng đắn. Thông thường, viêm nhiễm sau sinh từ vết thương rạch tầng sinh môn hoặc vết mổ mới là nguyên nhân chính gây ra tình trạng này….

Vì thế, khi có vấn đề gì ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé, chúng tôi luôn cố gắng trao đổi với sản phụ. Nếu có bất đồng trong quá trình tư vấn thì chúng tôi cố gắng thăm khám, giải thích rõ ràng, cụ thể để bệnh nhân hiểu. Chúng tôi cần đảm bảo sau khi sản phụ ra về, họ biết mình cần phải làm gì tốt nhất cho sức khỏe hai mẹ con.

Từng khám và điều trị tại bệnh viện nước ngoài, ông có thể chia sẻ câu chuyện kiêng cữ ở các quốc gia ông từng sinh sống và làm việc?

- Tôi không thấy phụ nữ đất nước tôi từng làm việc kiêng cữ điều gì cả. Họ làm điều gì khiến họ cảm thấy thoải mái và tốt nhất cho mẹ và bé với sự tư vấn hướng dẫn của đội ngũ y tế chuyên khoa.

Các sản phụ nước tôi họ khá tôn trọng và làm theo những hướng dẫn của các bác sĩ khi thấy điều đó tốt cho mẹ và con.   

Nhiều mẹ bầu Việt tham khảo cách ăn uống, sinh hoạt từ nước ngoài và áp dụng cho chính mình. Ông suy nghĩ như thế nào về điều này?

- Phụ nữ mang thai cần lắng nghe tình trạng sức khoẻ, thể trạng của cơ thể mình để áp dụng những phương pháp đó cho phù hợp chứ không sao chép, bắt chước làm theo kiểu truyền miệng hay kinh nghiệm có tính cá nhân của ai đó mà chưa có sự kiểm chứng để tránh phải trả giá về sức khỏe.

Bác sĩ sản phụ khoa quốc tế: Phụ nữ Việt kiêng cữ cả tháng sau sinh là quá vô lý! 3


Trong quá trình theo dõi, thăm khám thai kỳ cho các sản phụ, vấn đề mà sản phụ thường thắc nhất, thưa bác sĩ?

- Trong quá trình theo dõi thai kỳ, các sản phụ hay hỏi tôi các vấn đề về khí hư. Khí hư ra nhiều là một trong những dấu hiệu cho biết việc ai đó đã mang thai nên hầu như sản phụ nào cũng gặp phải tình trạng này.

Trong khi mang thai, nội tiết tố của người phụ nữ có sự thay đổi lớn. Do đó, khí hư ở cơ quan sinh sản nữ giới sẽ tiết ra với số lượng nhiều hơn bình thường cũng là hiện tượng bình thường.

Thế nhưng khi khí hư ra nhiều hơn bình thường kèm theo các biểu hiện lạ, bất thường về màu sắc và có mùi hôi hay ngứa ngáy thì mẹ bầu có thể bị viêm nhiễm tại cơ quan sinh sản. Khi đó, mẹ bầu cần hết sức lưu ý và đến thăm khám cơ sở y tế chuyên khoa để nhận được tư vấn kịp thời.

Vậy thì, việc khí hư không bình thường dẫn tới hậu quả như thế nào với sản phụ?

- Tình trạng khí hư gây ra viêm âm đạo làm ảnh hưởng xấu đến mẹ bầu và thai nhi. Nếu bị nhiễm khuẩn âm đạo khi mang thai, mẹ bầu có nguy cơ doạ sảy thai, chuyển dạ sớm hoặc con có thể nhỏ hơn so với bình thường.

Nếu trong quá trình mang thai, mẹ bầu bị viêm âm đạo mà không được điều trị thời thì em bé khi sinh ra sẽ gặp một số biến chứng về đường hô hấp.

Đó là lý do vì sao khi thai phụ có dấu hiệu ra khí hư bất thường thì cần được chỉ định các xét nghiệm cần thiết, kịp thời để giảm thiểu được tối đa nguy cơ có thể xảy ra với sản phụ và thai nhi.

Vậy làm thế nào để phòng tránh tối đa viêm nhiễm âm đạo cho sản phụ, thưa bác sĩ?

- Mẹ bầu cần chú ý vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách, thay giặt đồ lót thường xuyên để tránh tình trạng viêm phụ khoa. Mẹ bầu hãy tạo cho mình một lối sống khoa học, giữ tinh thần thoải mái, ăn uống điều độ để ổn định nội tiết, khám phụ khoa kết hợp với khám thai định kỳ là những giải pháp đảm bảo mẹ bầu có một thai kỳ suôn sẻ, sinh con khỏe mạnh.

Bác sĩ sản phụ khoa quốc tế: Phụ nữ Việt kiêng cữ cả tháng sau sinh là quá vô lý! 4

Hiện nay, nhiều bà bầu thường dùng sữa thay vì ăn uống đa dạng và đủ chất? Theo bác sĩ, nên hay không nên dùng nhiều sản phẩm sữa bà bầu trong giai đoạn thai kỳ?

- Sữa cung cấp đầy đủ các dưỡng chất quan trọng cho bà mẹ trong thời kỳ mang thai. Mẹ bầu có thể uống sữa bà bầu từ đầu đến cuối của thai kỳ. Mỗi ngày, mẹ bầu nên uống khoảng 1 lít sữa để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mẹ và bé.

Sữa bổ sung nhiều vi chất cần thiết cho sức khỏe mẹ và bé, nhất là những chất dễ bị thiếu hụt khi mang thai như canxi, sắt, axit folic, các vitamin, axit béo có lợi cho não như omega 3, omega 6, DHA, ARA...

Tuy nhiên, để những dưỡng chất này phát huy hiệu quả, chúng cần được bổ sung theo một tỷ lệ và hàm lượng tối ưu chứ không phải cứ bổ sung càng nhiều càng tốt.

Nói như vậy không có nghĩa là mẹ bầu chỉ uống sữa mà bỏ qua các loại thực phẩm khác. Bởi các dưỡng chất nói trên hiện diện trong nhiều loại thực phẩm mà chúng ta vẫn ăn hằng ngày.

Chẳng hạn, canxi có nhiều trong tôm cá, rau xanh đậm, các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomai... Sắt có nhiều trong: trứng, thịt, gan động vật. Các axit béo nhiều nối đôi có trong các loại cá biển, dầu thực vật… Nếu mẹ bầu ăn uống đa dạng, đủ lượng thì không sợ thiếu chất.

Bác sĩ sản phụ khoa quốc tế: Phụ nữ Việt kiêng cữ cả tháng sau sinh là quá vô lý! 5

Khi có dấu hiệu mệt mỏi, ốm nghén và chán ăn trong mấy tháng đầu thai kỳ, nhiều bà bầu truyền dịch để bổ sung chất cho cơ thể. Ông có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?

- Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu thường phải đối mặt với những cơn ốm nghén khó chịu. Đây là hiện tượng hết sức bình thường và ai cũng trải qua và kéo dài đến tuần 14 - 16 của thai kỳ.

Một số bà bầu gần như không ăn uống được gì trong khoảng thời gian đầu thai kỳ, kèm theo đó là họ bị nôn và mất nước.

Hiện nay, truyền dịch tĩnh mạch là phương pháp khá phổ biến trong việc phục hồi sức khỏe cho người đang mang thai. Dù dịch là biện pháp giúp mẹ bầu bổ sung thêm dinh dưỡng vào cơ thể nhưng cũng không nên quá lạm dụng.

Nếu mẹ bầu thấy bản thân có thể khắc phục được thì nên cố gắng, không cần lệ thuộc vào dịch, vì tình trạng nghén chỉ kéo dài đến tuần 14 – 16 của thai kỳ.

Mẹ bầu có thể chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ để khắc phụ tình trạng ốm nghén nặng. Mẹ bầu cũng có thể ăn sau khi nôn từ 30 phút đến 1 tiếng để đảm bảo không bị nôn liên tục.

Truyền nước có ảnh hưởng tới thai nhi không, thưa bác sĩ?

- Truyền nước không ảnh hưởng trên sức khỏe thai nhi. Tuy nhiên, khi truyền nước cần tuân thủ những nguyên tắc riêng như đảm bảo vô trùng, tốc độ phù hợp… và không nên dùng nước biển kéo dài thay thế cho việc ăn uống.

Đặc biệt, mẹ bầu tuyệt đối không nên tự ý đi truyền nước mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

Bác sĩ sản phụ khoa quốc tế: Phụ nữ Việt kiêng cữ cả tháng sau sinh là quá vô lý! 6

Khi đã qua cơn ốm nghén, một chế độ dinh dưỡng như thế nào là hợp lý để giúp thai nhi phát triển mà mẹ bầu sẽ không quá tăng cân?

- Việc tăng cân khi đang mang thai là điều không thể tránh khỏi để bảo vệ sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh, tử cung, nhau thai và nước ối. Lượng cân nặng này sẽ dần biến mất sau khi em bé chào đời.

Khi mang thai, cơ thể cần nạp 2.500 calo/ngày. Do những thay đổi hocmon trong giai đoạn thai kỳ khiến phụ nữ có cảm giác nhanh đói hơn. Vì vậy, mẹ bầu nên thay đổi thói quen ăn uống của mình.

Mẹ bầu nên ăn 6 bữa mỗi ngày: 3 bữa chính có tinh bột, 3 bữa phụ là các thực phẩm cung cấp dưỡng chất cần thiết. Điều này không đồng nghĩa với việc mẹ bầu tăng số lượng đồ ăn vặt lên. Bởi trong các thức ăn nhanh chứa rất nhiều đường, cholesterol làm cân nặng mẹ bầu tăng vù vù mà lại chẳng vào em bé được mấy.

Bác sĩ sản phụ khoa quốc tế: Phụ nữ Việt kiêng cữ cả tháng sau sinh là quá vô lý! 7

Từng làm việc trong môi trường nước ngoài, bác sĩ đã bao giờ gặp tình huống sản phụ bị trầm cảm chưa?

- Tôi từng chứng kiến nhiều phụ nữ bị trầm cảm sau sinh. Nhiều sản phụ cảm thấy đau khổ, vô vọng tăng dần sau khi sinh con, thậm chí khóc lóc cả ngày mà không có lý do cụ thể. Đôi khi họ lại cảm thấy bị chồng, gia đình, bạn bè bỏ rơi. Nếu sản phụ rơi vào tình trạng nặng, sản phụ từ bỏ con của họ.

Trầm cảm sau sinh nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh rất khó điều trị, thậm chí người bệnh sẽ có những biểu hiện loạn thần, có hành vi gây hại cho sức khỏe bản thân hoặc cho những người xung quanh.

Khi đó, ông đã xử lý như thế nào?

- Tôi luôn bắt đầu tư vấn và đồng hành với sản phụ từ giai đoạn sớm nhất. Trong suốt quá trình mang thai và sau khi sinh, sản phụ cần được lắng nghe, chia sẻ và tư vấn.

Nếu gặp trường hợp phụ nữ mang thai có dấu hiệu trầm cảm sau sinh, tôi thăm khám kỹ càng, sau thời gian điều trị. Trong trường hợp bệnh nhân không có tiến triển rõ ràng thì tôi gửi bệnh nhân tới khoa tâm lý để được điều trị tốt hơn.

Vì vậy, việc theo dõi thai kỳ thường xuyên bởi nhân viên y tế trong suốt thời gian mang thai sẽ tạo ra sự thuận lợi trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, kịp thời phát hiện các rủi ro, giảm các biến chứng đặc biệt là vấn đề trầm cảm sau sinh.

Bác sĩ sản phụ khoa quốc tế: Phụ nữ Việt kiêng cữ cả tháng sau sinh là quá vô lý! 8

Những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới trầm cảm sau sinh là gì, thưa bác sĩ?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn tới trầm cảm sau sinh. Phụ nữ bị bạo hành hay có thai ngoài ý muốn là những người có nguy cơ bị trầm cảm sau sinh cao. Bởi họ không được người thân thông cảm, chia sẻ. Họ có xu hướng lo lắng, bất an, căng thẳng, dễ xúc động.

Hay những phụ nữ lần đầu làm mẹ nếu không làm chủ được việc chăm sóc con sẽ dễ bị trầm cảm do lo lắng thái quá. Tình trạng sức khỏe của con hay hiểu biết về trẻ sơ sinh là những thứ ảnh hưởng trực tiếp đến căn bệnh này.

Bác sĩ có lời khuyên như thế nào với gia đình có phụ nữ trầm cảm sau sinh?

- Gia đình, đặc biệt là các ông chồng nên gần gũi, quan tâm, chăm sóc, chia sẻ và thấu hiểu người bệnh, luôn tạo ra bầu không khí vui vẻ, chan hòa để người bệnh không cảm thấy cô đơn, buồn tủi.

Bác sĩ sản phụ khoa quốc tế: Phụ nữ Việt kiêng cữ cả tháng sau sinh là quá vô lý! 9

Bác sĩ có thể cho biết sự khác biệt chăm sóc y tế của Việt Nam và nơi ông từng làm việc?

- Ở đất nước Cuba, nơi tôi từng làm việc, Chính phủ đưa ra chính sách dành cho phụ nữ mang thai theo 2 giai đoạn: trong quá trình mang thai và sau khi sinh.

Trong quá trình mang thai, mẹ bầu sẽ được chú ý theo dõi trong suốt thai kỳ, 2 tuần 1 lần ở phòng khám để xem có bất thường nào không.

Từ đó, bắc sĩ theo dõi, thăm khám sẽ đưa ra chỉ định xét nghiệm và siêu âm phù hợp. Trong suốt 1 năm sau khi sinh, phụ nữ được chăm sóc và thăm khám hợp lý để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra cho mẹ và bé.

Ngoài ra, với thai phụ từ 37 tuổi trở lên sẽ được bác sĩ đặc biệt chú ý vì ở độ tuổi đó, mẹ bầu gặp nhiều nguy cơ hơn. Theo kinh nghiệm của tôi thì chế độ chăm sóc y tế của Cuba và Việt Nam về cơ bản không có gì khác biệt vì mục đích chủ yếu của y tế là nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Có lẽ, điều khác biệt duy nhất là Cuba là miễn phí toàn bộ còn ở Việt Nam thì tuỳ mức độ bệnh và chế độ.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sĩ!

Bác sĩ sản phụ khoa quốc tế: Phụ nữ Việt kiêng cữ cả tháng sau sinh là quá vô lý! 10
Bác sĩ sản phụ khoa quốc tế: Phụ nữ Việt kiêng cữ cả tháng sau sinh là quá vô lý! 11

 

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO