Ngứa mắt và tai biến do điều trị sai cách trong dịp hè

Giao mùa xuân hè là thời điểm bệnh nhân mắc bệnh về mắt tăng đột biến, điển hình là dị ứng do không khí xuất hiện nhiều dị nguyên dẫn đến ngứa mắt, đau mắt.

Xem thêm

Tuy nhiên, khi gặp các triệu chứng bất thường của bệnh lý, do chủ quan, nhiều người tự điều trị dẫn tới biến chứng nặng nề, không ít người phải trả giá cả đời.

Bác sĩ Hoàng Cương - Bệnh viện Mắt Trung Ương cho biết, gần đây, bệnh nhân nhập viện điều trị do các bệnh lý về mắt tăng mạnh, gần như gấp đôi so với thời điểm khác, trung bình 1.600 lượt khám/ngày.

Bác sĩ Hoàng Cương đang khám mắt cho bệnh nhân

Theo bác sĩ Cương, về cơ cấu bệnh tật xuất hiện chủ yếu từ 3 nguyên nhân.

Một phần bệnh nhân mắc bệnh do dị ứng, miễn dịch liên quan đến thay đổi thời tiết, không khí ô nhiễm hoặc dị nguyên nhiều. Với nhóm bệnh này, người bệnh thường bị ngứa mắt, đôi khi kèm theo các cơn sổ mũi, hắt hơi.

Bên cạnh đó, thời điểm giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi rút gây bệnh. Ngoài các bệnh truyền nhiễm thường thấy như chân tay miệng, thuỷ đậu, sởi… vi khuẩn, vi rút có thể tấn công vào mắt gây ra tình trạng đau ngứa, đỏ mắt, chảy dịch vàng… điển hình như bệnh viêm kết mạc do vi rút.

Ngoài ra, một nguyên nhân tương đối phổ biến là tai nạn do côn trùng bay vào mắt. Người bệnh thường đau xót, khó chịu, đôi khi phù nề, sưng tấy, chảy nước mắt, khó mở mắt, nhìn mờ.

Mặc dù bệnh lý về mắt tương đối phức tạp, nhưng theo bác sĩ, hiện nay, do thiếu hiểu biết, chủ quan, nhiều người tự điều trị gây hậu quả không mong muốn. Không ít bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh rất nặng hoặc đã có biến chứng.

“Phổ biến nhất là việc bệnh nhân tự ý vạch mắt, day dụi, tra dung dịch vào mắt… mà không biết điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Như với trường hợp bị côn trùng rơi vào mắt, khi day dụi có thể khiến giác sắc, chân côn trùng xiên sâu vào mô mềm, con vật tăng dịch tiết axit… ảnh hưởng đến giác mạc; làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, nhiễm nấm, dễ gây mù loà hoặc giảm thị lực”, BS. Hoàng Cương chia sẻ.

Cũng theo bác sĩ, với nhiều người khi mắt ngứa, đỏ… tự ý tra dung dịch, dùng thuốc không theo chỉ định. Ngoài việc không khỏi bệnh, nó còn có thể gây bệnh nặng hơn.

“Hiện nay chưa có tách biệt giữa nhóm thuốc kê đơn và không kê đơn, kèm theo tâm lý chủ quan, thiếu hiểu biết nên bệnh nhân dùng thuốc sai chỉ định dễ gây biến chứng.

Trong đó phải kể đến tai biến do glocom, do cortisol… Các loại thuốc này đôi khi được pha đơn thuần, đôi khi có thể trộn thêm kháng sinh… khi dùng sai sẽ gây biến chứng kéo dài như bùng bệnh, nhiễm nấm, nhiễm herpes…

Có khi bệnh nhân đau mắt đỏ lành tính như vì dùng sai thuốc dẫn tới nhiễm vi rút herpes gây đau đỏ, mưng mủ… không điều trị kịp thời dẫn tới mù loà.

Hay như việc bị nhiễm nấm, trong 3 ngày đầu, giác mạc trong suốt bị biến thành ổ phomat màu vàng, vữa ra, chỉ nhìn thấy bóng.

Hoặc nhiễm vi khuẩn mủ xanh gây tiêu tổ chức rất mạnh, mắt chảy mủ xanh, chỉ 3 ngày hỏng giác mạc mà nguyên nhân chủ yếu do dùng cortisol sớm.

Ngoài ra, thói quen tự ý tra thuốc mắt có thể gây áp lực mắt, xơ hoá vùng bè, lâu dài gây đục thuỷ tinh thể làm giảm sức nhìn, ảnh hưởng chất lượng sống”, BS. Hoàng Cương cho biết.

Qua đó, bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào ở mắt cần đến các bệnh viện chuyên khoa, không tự ý điều trị, đặc biệt cần bỏ các thói quen chữa bệnh thiếu khoa học.

N.Hoàng/giadinhmoi.vn

Tin liên quan