Mâm ngũ quả ngày Tết bày trên ban thờ có thể khác nhau tùy vào mỗi gia đình, mỗi vùng miền, tuy nhiên có một số lưu ý chung khi bài trí mâm ngũ quả mà bạn nên biết.
Theo giảng viên Nguyễn Võ Uyên Mi, Trung tâm đào tạo phong thủy Đông Phương Cát, TP HCM chia sẻ với báo VnExpress, loại quả bày trên ban thờ trước hết nên có hình thù tròn trịa, đều đặn, vỏ mịn trơn láng.
Nguyên nhân là bởi những loại quả như vậy được cho là mang năng lượng tốt, tương trung cho sự suôn sẻ, thuận lợi.
Bên cạnh đó quả hình tròn tượng trưng cho trời (trời tròn đất vuông), thể hiện lòng thành kính của người cúng.
Các loại trái cây được chọn bày trên mâm ngũ quả thường đa dạng tùy theo ý thích và quan niệm mỗi người, mỗi vùng miền.
Ví dụ, màu đỏ hay cam tượng trưng cho sự may mắn, màu vàng tượng trưng cho tài lộc, màu xanh tượng trưng cho sự cân bằng, bình yên.
Giáo sư, tiến sĩ Bùi Quang Thanh, chuyên gia Văn hóa dân gian của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho biết trên báo VnExpress: không nên quan niệm phải quả đắt tiền mới là tốt. Điều quan trọng nhất là lòng thành tâm, hiếu kính của con cháu hướng về nguồn cội, tổ tiên.
Theo phong thủy, mâm ngũ quả ngày Tết không nên bày những loại quả méo mó, có nhiều gai góc, quả héo, hỏng,...
Vì theo bà Mi, những loại quả này sẽ mang đến năng lượng xấu, ảnh hưởng tài lộc và vận may của gia đình nếu bày trên ban thờ.
Theo báo Lao Động, mỗi loại quả được bày trên mâm ngũ quả ngày Tết tượng trưng cho những ý nghĩa, mong ước như sau:
- Chuối: Sum vầy, quây quần, đầm ấm.
- Phật thủ: Bàn tay Phật che chở cho gia đình.
- Bưởi: An khang, thịnh vượng.
- Lê: Trơn tru, suôn sẻ.
- Cam: Sự thành đạt.
- Lựu: Con đàn cháu đống.
- Đào: Sự thăng tiến.
- Thanh long: Rồng mây hội tụ, phát tài phát lộc.
- Dưa hấu: Sự ngọt ngào, may mắn.
- Sung: Sung mãn, sức khỏe, tiền bạc.
- Đu đủ: Thịnh vượng, đầy đủ.
- Xoài: Tiêu xài không thiếu thốn.
* Thông tin trong bài viết chỉ mang tính tham khảo