Đái tháo đường (ĐTĐ) - được cảnh báo là một trong 7 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Nó ngày càng có xu hướng trẻ hoá độ tuổi. Điều đáng nói, nguyên nhân gây ra căn bệnh này rất đơn giản, có khi chỉ vì ăn uống thiếu khoa học…
Cứ về nhà bệnh lại nặng hơn
Là một trong nhiều bệnh nhân mắc ĐTĐ nặng đang điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bà N.T.X (76 tuổi, ở Giáp Bát, TP Hà Nội) bị bệnh suốt 18 năm qua vẫn chưa khỏi. Nguyên nhân ban đầu bà đưa ra là do thói quen ăn uống chưa khoa học và chưa tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sỹ tại bệnh viện khiến cho xảy ra tình trạng “ở bệnh viện thì bệnh đỡ nhưng khi về nhà bệnh càng nặng thêm”.
“Khi vào viện được ăn uống, điều trị, tiêm đúng theo quy định tôi thấy bệnh có thuyên giảm hơn rất nhiều. Trước đó, lượng đường đo được của tôi là 15. Nhưng sau khi điều trị tại bệnh viện thì tôi đã xuống 5. Đáng lẽ đường huyết của tôi đã ổn định tuy nhiên do thói quen ăn uống mất kiểm soát đã khiến chỉ số đường huyết của tôi tăng cao bất thường và buộc phải vào viện để điều trị. Đó cũng là lý do khiến bệnh của tôi bị ảnh hưởng cả sang các bộ phận khác như: mắt, tim, thận… Gần đây nhất tôi còn bị ảnh hưởng tới phổi nữa”, bà X. nói.
Tương tự như trường hợp của bà N.T.X, bà N.T.M (trú tại Phường Kim Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội) cũng phải gắn với bệnh ĐTĐ suốt 15 năm qua. Bà cho biết, dù bị bệnh đã lâu và phải điều trị ở rất nhiều nơi nhưng bệnh vẫn không khỏi.
“Lúc ở bệnh viện, tôi ăn theo chế độ nên bệnh có giảm đi nhiều. Nhưng khi ở nhà chỉ được vài tháng đầu là tôi thực hiện, sau đó cứ đến bữa là tôi lại ăn thả ga không theo lời khuyên của bác sỹ nên bệnh mãi không khỏi. Hơn nữa còn bị nặng hơn. Tôi rất lo lắng”, bà M trăn trở.
Theo TS.BS Nguyễn Quang Toàn - Trưởng khoa Đái tháo đường, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ĐTĐ được coi là kẻ giết người thầm lặng bởi vì đây là căn bệnh mà có thể không gây ra những cái chết nhanh chóng như các bệnh cấp tính khác nhưng nó lại âm thầm tiến triển và cuối cùng dẫn tới tử vong.
Cũng theo số liệu của Liên đoàn ĐTĐ thế giới, cứ 7 giây lại có 1 người tử vong do ĐTĐ. Đặc biệt, bệnh này làm tăng biến chứng bệnh tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não và nhìn chung những người này sẽ có tuổi thọ giảm đi 6 -10 năm so với người không mắc.
Bác sĩ cho biết, nếu ngày xưa người dân thường vận động thể lực nhiều, ra đồng làm ruộng, hoạt động trong các nhà máy, đi lại bằng xe đạp, đi bộ… thì giờ đây trong môi trường hiện đại, con người dần dần hình thành thói quen lười vận động, chủ yếu di chuyển bằng ô tô, xe máy, đi bộ 1-2 tầng nhưng cũng đi thang máy. Chính lối sống lười vận động, ăn uống mất kiểm soát là nguyên chính gây nên tình trạng gia tăng người mắc ĐTĐ type 2.
Điều đó thể hiện ở việc, trước đây khoảng 20 năm, những ca bệnh ĐTĐ ở Việt Nam tương đối hiếm. Ngoài ra, những người mắc bệnh thuộc tuýp 2 thường chỉ nằm ở độ tuổi từ 40 tuổi trở lên. "Tuy nhiên hiện nay, sự trẻ hóa đã được ghi nhận trên thế giới và ở Việt Nam, tình trạng người trẻ bị bệnh ĐTĐ không còn lạ, thậm chí người bệnh dưới 13 tuổi là chuyện bình thường và khá phổ biến.
Bên cạnh đó, một số trẻ nhỏ mắc bệnh do có lối sống sinh hoạt và ăn uống thiếu khoa học khi hàng ngày dành quá nhiều thời gian ngồi xem tivi, điện thoại, máy tính…”, BS Toàn chia sẻ.
Bác sĩ chia sẻ, để giảm bớt nguy cơ biến chứng và ngăn chặn lượng đường tăng cao vốn không khó. Để tránh việc “tự mình hại mình” dẫn đến thiệt mạng. Người bệnh ngoài việc phải điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sỹ cũng cần tự trang bị cho mình lượng kiến thức tốt về ĐTĐ. Qua đó tránh ăn nhiều những thức ăn có tinh bột hay đồ ăn có lượng đường cao để cải thiện sức khỏe của chính bản thân.
Người bệnh mắc ĐTĐ cần tuân thủ lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp để giữ lượng đường huyết ổn định, đặc biệt khi thấy đường huyết tăng cao cần tới ngay cơ sở y tế để được thăm khám và kiểm tra.