Tiết kiệm thế nào được khi lương ba cọc ba đồng mà có quá nhiều khoản phải chi?
COVID-19 ập đến khiến chúng ta cảm thấy mình nghèo đi hoặc bất an tài chính nhiều hơn. Từ đầu tháng 9, khi đã thấm đòn bởi dịch bệnh, công việc, thu nhập bị cắt giảm, một số bạn bè của tôi than thở họ lâm vào cảnh túng quẫn.
Ngoài sự giúp đỡ trong khả năng, tôi cũng cảm thấy khá ngạc nhiên khi có nhiều người không có khoản tài chính dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp dù họ đã đi làm nhiều năm.
Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân bình thường nên "tài chính cá nhân" là một cụm từ rất xa lạ. Kiến thức tài chính đầu tiên mà tôi học được từ ba mẹ chỉ là “Con nhà nghèo phải biết chi tiêu tùng tiệm”. Ám ảnh bởi cuộc sống không đủ đầy từ thời thơ ấu khiến tôi khát khao tìm hiểu nhiều cũng như quyết tâm bước vào con đường xây dựng tự do tài chính để có thể lo cho bản thân và những người mình yêu thương trọn vẹn hơn.
Những điều tôi chia sẻ đều được đúc rút từ những kinh nghiệm, sai lầm của chính mình.
Tôi có một công thức khi nói về tài chính cá nhân là “Tiết kiệm= Thu nhập- Chi phí”. Vậy để tăng số tiền tiết kiệm, ta chỉ cần giảm chi phí và/hoặc tăng thu nhập. Riêng tôi đã áp dụng cả hai cách này để nâng mức tiết kiệm lên tối đa mà tôi sẽ chia sẻ với các bạn ngay sau đây.
Giảm chi phí, tiết kiệm trước và chỉ tiêu phần còn lại
Có một sai lầm mà rất nhiều người, cũng như bản thân tôi những ngày đầu đi làm mắc phải, đó là tiết kiệm khoản còn dư sau khi tiêu xài. Điều này thường khiến chúng ta không xác định được mình đã chi tiêu vào những gì, dẫn đến việc tiết kiệm không hiệu quả, thậm chí là tài khoản âm trước khi đến ngày nhận lương tiếp theo. Nhận ra được điều bất cập này, tôi đã chuyển ngay sang chiến lược “tiết kiệm trước và chỉ tiêu xài phần còn lại”.
Tôi đã dành ra 3 tháng để ghi chép tất cả các khoản chi tiêu, dù là nhỏ nhất của mình lại. Sau đó, tôi chia các khoản chi này ra làm 3 mục: Thiết yếu (bao gồm những khoản bắt buộc phải chi như tiền nhà, tiền ăn,…), sở thích (bao gồm những mục không thực sự cần thiết nhưng tôi chi vì bản thân thích như mua một chiếc áo mới dù tôi đã đủ đồ dùng cho mọi trường hợp), hoang phí (gồm những chi phí không mang đến lợi ích gì như một ngày tôi nổi hứng thèm shopping và mua một loạt đồ sau đó quên khuấy chúng).
Dựa vào bảng số liệu này, tôi có thể biết được một tháng mình cần chi bao nhiêu tiền cho nhu cầu thiết yếu, từ đó dành ra khoản tiền tiết kiệm cho một tháng ngay từ khi nhận lương.
Khi tôi chia sẻ điều này cho một vài bạn bè, câu hỏi tôi thường nhận được là “Nếu như khoản chi thiết yếu bằng thu nhập và không thể cắt bỏ khoản chi nào thì sao?” Tôi cũng đã từng cảm thấy như vậy ở những ngày đầu đi làm. Lúc đó, vừa mới thi tốt nghiệp Đại học, tôi vẫn còn nợ công ty bằng tốt nghiệp và chấp nhận làm lương tính theo giờ, tổng thu nhập tháng chỉ vào khoảng 4 triệu rưỡi. Nếu bạn cũng đang rơi vào hoàn cảnh này thì đừng lo, khi chúng ta muốn, chắc chắn sẽ tìm được cách.
Trước tiên, tôi cắt bỏ hoàn toàn những khoản chi tiêu hoang phí và rà soát lại mục chi cho nhu cầu thiết yếu và sở thích nhằm thay thế những phương án ít tốn kém hơn. Tôi chọn đi xe buýt tới công ty để tiết kiệm tiền xăng, phí gửi xe và bảo trì xe. Mặc dù cách này tốn thời gian hơn đi xe máy và tôi sẽ phải đi bộ thêm một đoạn ngắn nhưng tôi dần tìm ra cách khiến mình tận hưởng điều này như một niềm vui bên cạnh mục tiêu tiết kiệm. Tôi tập ngủ sớm và thức dậy sớm hơn nửa tiếng, cũng như xem việc đi bộ là một cách tập thể dục hằng ngày, tôi còn có thể đọc sách khi ngồi trên xe buýt nữa. Và cho đến nay tôi vẫn duy trì thói quen cũng như niềm vui đi xe công cộng của mình.
Tôi hạn chế ăn ngoài mà chủ yếu nấu ăn ở nhà, vừa đủ chất dinh dưỡng lại vừa đỡ tốn kém. Tôi cũng luôn giới hạn mức chi tiêu cho những cuộc gặp gỡ bạn bè chứ không chi vô tội vạ như trước nữa. Tôi nói không với hàng hiệu đắt đỏ và ưu tiên chất lượng hơn số lượng. Những mẫu quần áo tôi chọn đều có thể phối theo nhiều cách, kiểu dáng phù hợp với cả công sở và dạo phố. Điều này cũng giúp không gian sống của tôi ngăn nắp và thoáng hơn rất nhiều.
Tôi luôn quan niệm chúng ta không thể có tất cả những gì chúng ta muốn, nên cần hi sinh một vài điều không thực sự cần thiết vì mục tiêu to lớn hơn. Tôi tin nếu nhìn thật kỹ vào bảng chi tiêu của chính mình, bạn sẽ tìm ra cách để giảm thiểu chi phí. Ví dụ như bạn có thể thuê phòng trọ với tiện nghi tương đương nhưng nhỏ hơn và xa công ty hơn một chút để tiết kiệm một khoản mỗi tháng.
Nếu bạn nghiện uống cà phê, bạn có thể pha tại nhà và mang tới chỗ làm. Nếu bạn yêu thích tụ tập bạn bè, thay vì tới hàng quán, có thể hẹn nhau đến nhà và mời họ ly nước tự pha, tình cảm vẫn khắn khít mà lại không hoang phí cho những nơi đắt đỏ.
Hiện nay, khi mức thu nhập đã tăng lên rất nhiều so với những ngày mới ra trường, tôi vẫn giữ quan điểm chi tiêu như cũ và hoàn toàn thoải mái để duy trì điều này.
Nỗ lực tăng thu nhập
Tôi là người rất kỹ tính trong việc chi tiêu nhưng tôi không cổ súy cho kiểu sống bủn xỉn. Cuộc đời này là những khoảnh khắc tươi đẹp để tận hưởng chứ không phải hành xác khổ sở. Nên để tăng khoản tiết kiệm, ngoài việc chi tiêu hợp lý, tôi luôn cố gắng tăng mức thu nhập nhiều hơn mức chi.
Bên cạnh nỗ lực để thăng tiến trong công việc chính, thời đại 4.0 là cơ hội tuyệt vời để chúng ta có thêm những khoản thu nhập tay trái. Nhìn lại khoảng thời gian sau khi ra trường, hiếm khi nào tôi chỉ làm một công việc. Những việc tay trái của tôi thường là việc tôi yêu thích và không bỏ vốn quá nhiều.
Việc tay trái đầu tiên của tôi là gia sư. Tôi chỉ nhận dạy cho các gia đình người quen. Công việc này không chỉ giúp tôi ôn lại những kiến thức đã học mà còn nhớ về khoảng thời gian còn ngồi trên ghế giảng đường khi tiếp xúc với các em học sinh. Nếu bạn yêu thích công việc này nhưng không có mạng lưới quan hệ rộng, bạn hoàn toàn có thể tìm đến các trung tâm gia sư để được giới thiệu lớp.
Một công việc khác tôi làm vì sở thích nhưng cũng mang đến cho tôi nguồn thu nhập nho nhỏ hàng tháng đó là viết lách. Nhiều người nghĩ việc này cần phải có năng khiếu mới làm được. Điều đó đúng, nhưng chỉ với những phân khúc đòi hỏi cao thôi. Tôi không có tài năng gì trong lĩnh vực này, cũng không có người hướng dẫn, chỉ bắt đầu bằng niềm say mê con chữ với những bài viết giới thiệu sản phẩm giá 30 nghìn, 50 nghìn cho bài 1000 chữ. Bạn có thể tìm được vô số công việc dạng này trên các hội nhóm content và trang web dành cho freelancer.
Khi viết nhiều, kỹ năng của bạn sẽ được nâng cao và mức thu nhập cũng sẽ được tăng lên đáng kể. Hiện tại, tôi đã không còn viết những bài giới thiệu sản phẩm nữa, tôi nhận ra mình có khả năng viết truyện ngắn, tản văn và may mắn được một số tòa soạn tin dùng, dĩ nhiên nhuận bút cao hơn rất nhiều. Tôi tin rằng nếu như bạn chịu bắt đầu thì bạn hoàn toàn có thể kiếm thêm thu nhập từ lĩnh vực này.
Và một nguồn thu nhập tay trái dồi dào của tôi đến từ việc buôn bán. Tôi có đam mê bất tận với kinh doanh. Khi còn là sinh viên, tôi đã bắt đầu bán card điện thoại, lúc đó vẫn chưa có internet banking như hiện nay nên việc buôn bán rất khấm khá, tiền lời mỗi tháng đủ để tôi đi xe buýt và ăn sáng. Sau này, tôi bán thêm giày, quần áo và đồ ăn vặt.
Tiêu chí chọn sản phẩm của tôi là bản thân sử dụng sản phẩm trước, thấy ưng ý thì mới bắt đầu chào bán. Ban đầu chỉ bán theo kiểu order (chỉ lấy hàng khi có người đặt sản phẩm), sau này tôi chọn ra những sản phẩm nào có lượng tiêu thụ lớn để đặt hàng về trữ trước nhằm tiết kiệm phí vận chuyển. Việc này mang đến cho tôi niềm vui lớn dù phải qua nhiều công đoạn và khá cực.
Tôi không phải là người quá năng động và sức khỏe cũng không đủ tốt để làm việc với cường độ cao nên tôi nghĩ những việc tôi đã làm được cũng sẽ phù hợp với nhiều bạn mới bắt đầu tìm kiếm thêm một công việc ngoài sự nghiệp chính để tăng thu nhập.
Sử dụng tiền tiết kiệm để tiền đẻ ra tiền
Như tôi đã chia sẻ từ trước, tôi tự mình tìm hiểu về tài chính cá nhân từng bước một và trên con đường đó tôi vấp phải nhiều sai lầm mà đôi khi nhìn lại tôi mong có ai đó chia sẻ với mình sớm hơn. Cách sử dụng tiền tiết kiệm là một sai lầm lớn trong số đó.
Lúc nhỏ, gia đình tôi rất khổ, đôi khi phải chạy từng bữa ăn. Tôi ám ảnh tiếng chén va vào khạp gạo rỗng, với mỗi mùa tựu trường nào tiền học tiền sách, tôi không thể an tâm khi ví trống. Từ khi làm ra tiền, tôi tậu hẳn một chiếc tủ nhỏ để trữ tiền tiết kiệm kèm theo thói quen kỳ quái là đếm tiền mỗi tuần và vui thích khi thấy số tờ tăng lên.
Nhưng sau này, khi biết về lạm phát (sự mất giá của đồng tiền) và thu nhập thụ động, tôi đã bỏ ngay thói quen đấy. Đồng tiền nằm trong tủ là đồng tiền chết, phải làm sao để những đồng tiền đó sinh lãi cho chủ nhân là chúng ta!
Những cách tôi chia sẻ bên dưới là những phương pháp mà tôi đã và đang áp dụng, dựa trên nguyên tắc không quá rủi ro, đồng tiền phải góp phần vào lợi ích kinh tế của bản thân tôi và đất nước. Do đó, tôi không tham gia vào các hoạt động kinh doanh mạo hiểm hay đầu cơ. Dĩ nhiên, đây chỉ là những nguyên tắc cá nhân của tôi, và tôi không bài xích bất kỳ hoạt động đầu cơ nào.
3a. Hãy kết thân với ngân hàng.
Ngay từ khi tôi bắt đầu gửi tiết kiệm vào ngân hàng, tôi cảm thấy vô cùng hối tiếc vì mình đã không tận dụng hệ thống ưu việt này sớm hơn.
Đặc biệt, đối với những bạn có mối lo về các khoản chi đột xuất nhiều thì gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại ngân hàng là một lựa chọn trên cả tuyệt vời. Lý do là chúng ta được đảm bảo hai thứ: một là tính thanh khoản, khi bạn cần có thể rút tiền mặt hoặc thậm chí vay lại tiền dựa trên sổ tiết kiệm đã mở; hai là hạn chế tác động của việc trượt giá đồng tiền bằng lãi tiết kiệm hàng tháng.
Một tính năng ưu việt hơn mà bạn nên biết là hình thức tiết kiệm trả góp (saving) tại các ngân hàng, cho phép bạn có thể gửi tiền tiết kiệm vào mỗi tháng và tính lãi cuối kỳ. Điều này đặc biệt phù hợp với kiến thức tôi đã chia sẻ ở mục giảm chi phí. Bạn có thể cài đặt để ngay khi nhận lương, hệ thống sẽ tự động chuyển một khoản tiền tiết kiệm sang tài khoản Saving.
Chúng ta chỉ có thể tiêu xài khoản tiền chúng ta thấy, nên việc này đảm bảo bạn sẽ không tiêu hoang mà lại có thêm một khoản lãi nữa. Huống gì, hiện nay việc số hóa giúp chúng ta có thể thực hiện toàn bộ các thao tác này tại nhà, quá tiện lợi và ưu việt để áp dụng đúng không?
3b. Đầu tư dài hạn
Sau khi đã có một khoản tiết kiệm dự phòng cho những việc khẩn cấp tại ngân hàng, tôi bắt đầu chuyển những khoản tiết kiệm hàng tháng tiếp theo vào các quỹ mở và quỹ ETF.
Tôi không giỏi trong việc tính toán và phân tích số liệu nên chọn phương thức này để có thể sinh lãi cao hơn ngân hàng và mức rủi ro tương đối thấp.
Các bạn có thể tìm hiểu thêm về các kiến thức này và chọn cho mình một loại quỹ phù hợp. Tuy nhiên, hãy chắc rằng các bạn không sử dụng đến khoản tiền này vào ít nhất 5 năm tới để có thể đạt được hiệu suất sinh lợi tốt nhất.
3c. Đầu tư cho bản thân
Đầu tư cho bản thân vẫn là đầu tư đáng giá nhất, từ đó chúng ta nâng cao năng lực cá nhân để có thể tạo ra nguồn thu lớn hơn và nạp lại năng lượng sau mỗi chặng đường phía trước.
Tôi không chỉ nói đến những đầu tư về mặt kỹ năng, kiến thức mà còn về mặt tinh thần, như một chuyến đi tới nơi bạn yêu thích mỗi 2 năm hoặc một khoản cho đi hàng tháng đến những quỹ nhân đạo,… Việc đầu tư trải nghiệm và cho đi đều là những cách bạn đầu tư cho bản thân từ bên trong để tận hưởng và lan tỏa hạnh phúc nhiều hơn.
Đã gần 5 năm kể từ khi tôi có những manh nha về kiến thức đến quyết tâm tiến tới con đường tự do tài chính, tôi vẫn chưa chạm vào vị trí mình muốn, nhưng luôn cảm thấy vui vẻ với những chặng đường đã qua. Hạnh phúc vốn dĩ là con đường, chứ không là một điểm đến, phải không?
Trong quá trình này, tôi cũng nghe được nhiều tâm sự, đa phần là các bạn trẻ, họ vẫn loay hoay giữa lối sống tận hưởng hết mình hay tiết kiệm cho tương lai, liệu rằng tiết kiệm có thật sự cần thiết khi ta chỉ sống một lần?
Nói về quan điểm sống, mỗi người sẽ có cảm nhận khác nhau nên hãy cứ làm những gì bạn muốn. Nhưng hãy làm sao để khi bạn chọn quăng mình vào những chuyến đi bất tận, thì đừng để có nỗi lo về nợ nần, về cuộc sống tài chính bấp bênh chen vào sự cuồng nhiệt đó.
Nếu bạn chọn lối sống tối giản, hãy vì bạn cảm thấy thoải mái với nó chứ không phải vì bạn không có khả năng chi trả. Và cuối cùng, đừng để bản thân phải rơi nước mắt khi những người thân cần một chỗ dựa mà ta lại bất lực.
Cuối cùng, chúc chúng ta đều sẽ hạnh phúc với những lựa chọn tài chính của riêng mình.
Tác giả: Thanh Lam (28 tuổi, TP. HCM)
Gia Đình Mới tổ chức cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY