Chia sẻ với phóng viên Gia Đình Mới về những vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tuấn - chuyên gia tài chính cá nhân, nhà sáng lập "Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam VWA" cho biết, các gia đình Việt thường có cách quản lý tài chính chung là người vợ sẽ là người quản lý tiền trong gia đình, còn người chồng đi làm sẽ nộp lương/thu nhập cho vợ.
Cách quản lý tài chính trong gia đình như vậy là phù hợp với thời điểm trước đây, khi mà người chồng là trụ cột về thu nhập còn người vợ sẽ tập trung lo cho gia đình.
Nhưng trong xã hội hiện đại ngày nay đang có sự thay đổi, người phụ nữ đang ngày càng đóng góp tích cực cho xã hội, rất nhiều người phát triển công việc và sự nghiệp riêng, có thu nhập ngang bằng, thậm chí còn nhiều hơn so với nam giới.
Bên cạnh đó, vai trò hỗ trợ gia đình, tham gia việc nhà, chăm sóc con cái của người đàn ông đang càng ngày càng tăng lên.
Hơn nữa, kinh tế phát triển, thị trường tài chính phát triển dẫn đến ngoài tiền tiết kiệm các gia đình còn có nhiều sản phẩm đầu tư.
Chính những thay đổi này đã dẫn đến sự thay đổi về quản lý tài chính trong gia đình hiện nay. Đó là việc một gia đình có 2 nguồn thu nhập (thu nhập của vợ và thu nhập của chồng).
Trên cơ sở tổng thu nhập của cả 2, vợ chồng sẽ thống nhất 1 tỷ lệ chi tiêu, phần còn lại dành cho đầu tư.
Và cách quản lý tài chính gia đình như vậy theo chuyên gia tài chính Nguyễn Minh Tuấn sẽ là hợp lý đối với các gia đình hiện đại thời nay. Nhưng tuỳ theo năng lực, tình trạng mỗi gia đình mà có thể một người sẽ phụ trách chi tiêu, còn một người phụ trách đầu tư hoặc cả hai cùng tham gia thống nhất đều hợp lý.
Trả lời câu hỏi “trong gia đình vợ chồng có nên có quỹ đen hay không?”, chuyên gia tài chính cá nhân Nguyễn Minh Tuấn cho biết: “Nếu áp dụng quản lý tài chính gia đình theo hướng vợ chồng sẻ thống nhất 1 tỷ lệ chi tiêu, phần còn lại dành cho đầu tư thì vợ/chồng sẽ không có quỹ đen”.
Nguyên nhân là do toàn bộ nguồn lực đựa chia thành 2 phần rõ ràng gồm: Chi tiêu sinh hoạt và Tiết kiệm đầu tư.
Vị chuyên gia này cũng chia sẻ thêm, quỹ đen thường được lập để có tính chủ động hoặc không muốn chia sẻ quá nhiều thông tin. Nếu áp dụng phương pháp vợ chồng thống nhất chia thành 2 phần Chi tiêu sinh hoạt và Tiết kiệm đầu tư thì có thể xử lý “quỹ đen” thành mục chi tiêu riêng của chồng hoặc chi tiêu riêng của vợ trong phần Chi tiêu sinh hoạt để đảm bảo thông tin rõ ràng mà vẫn giữ được sự chủ động.
Nếu như thống nhất được ngân sách chi tiêu sinh hoạt với các hạng mục định kì và bất thường một cách chủ động thì sẽ không có tranh cãi và mất tình cảm 2 bên vì mọi thứ đều rất rõ ràng.
Gia Đình Mới tổ chức cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.
Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức.
Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY
An AnBạn đang xem bài viết Ai nên là người quản lý tài chính trong gia đình? tại chuyên mục Chi tiêu Gia đình của Gia Đình Mới, tạp chí chuyên ngành phổ biến kiến thức, kỹ năng sống nhằm xây dựng nếp sống gia đình văn minh, tiến bộ, vì bình đẳng giới. Tạp chí thuộc Viện Nghiên cứu Giới và Phát triển (Liên Hiệp Các Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam), hoạt động theo giấy phép 292/GP-BTTTT. Bài viết cộng tác về các lĩnh vực phụ nữ, bình đẳng giới, sức khỏe, gia đình gửi về hòm thư: [email protected].