Báo Điện tử Gia đình Mới

Trước khi cưới không thống nhất chuyện tiền nong là sai lầm lớn của vợ chồng Việt

Các bạn trẻ cần học nghiêm túc và bàn bạc với nhau trước khi có kế hoạch kết hôn bởi đây là 1 trong những yếu tố ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và mối quan hệ của 2 vợ chồng.

Quan niệm sai lệch 

Trong một giờ học của một lớp 2 ở Hà Nội, trong tiết học về Các thành viên trong gia đình quan tâm, yêu thương nhau, không ít các bạn nhỏ thật thà kể với cô giáo "Bố mẹ con ngày nào cứ nói chuyện đến tiền lại cãi nhau. Bố mắng mẹ mua nhiều quần áo, tiêu nhiều tiền. Mẹ cũng mắng bố đi làm không mang tiền về, còn hay đi uống bia...".

Chia sẻ với PV Gia Đình Mới, Hoa Tú (27 tuổi, Hà Nội) kể, hai vợ chồng cô cưới nhau mới gần 2 năm nhưng luôn xảy ra mâu thuẫn, cãi vã liên quan tới vấn đề chi tiêu trong gia đình.

"Trước khi kết hôn, chúng mình không chia sẻ, không bàn bạc, không có kế hoạch về việc thu - chi, chi tiêu trong gia đình vì luôn nghĩ đó là chuyện đơn giản. Chúng mình nghĩ kiếm tiền mới là quan trọng, cứ kiếm được tiền rồi thì tiêu thôi.

Nhưng khi bắt đầu về sống chung, mặc dù lương 2 vợ chồng đều ở mức khá nhưng mình khá bất ngờ vì có nhiều khoản phải chi tiêu, ngoài những khoản thường xuyên còn có những khoản phát sinh khiến mình tiêu hết cả lương của 2 vợ chồng, đến khi có việc không lường trước được thì mình rất lúng túng, đôi khi còn phải đi vay.

Rồi cả chuyện biếu nội, biếu ngoại cũng rất tế nhị và khó nữa. Mỗi lần như thế cả 2 vợ chồng lại cãi nhau. Chồng bảo mình tiêu hoang phí, không biết cách chi tiêu còn mình cảm thấy ức chế, thấy chồng không thấu hiểu nỗi khổ của người phải quản lý chi tiêu".

Hãy bàn bạc chuyện tiền nong trước khi cưới

Theo chuyên gia hạnh phúc gia đình Trần Kim Thành (Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh Phúc, Hà Nội), chuyện của bạn Hoa Tú chỉ là 1 trong số những mâu thuẫn điển hình của các gia đình sau khi kết hôn do chưa có sự chuẩn bị kỹ càng trước khi bước vào cuộc sống hôn nhân, đó là mâu thuẫn về tài chính, về cách chi tiêu trong gia đình.

  Chuyên gia Trần Kim Thành - Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh Phúc, Hà Nội.

Chuyên gia Trần Kim Thành - Giám đốc Trung tâm Coaching Hạnh Phúc, Hà Nội.

Chuyện tiêu tiền có thể là đơn giản với bạn trẻ chưa kết hôn, nhưng khi lập gia đình rồi thì không còn đơn giản như các bạn nghĩ. Vấn đề tiền bạc là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây căng thẳng cho hôn nhân hiện đại. Cách sử dụng đồng tiền kiếm được ra sao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và mối quan hệ của 2 vợ chồng. 

Ở Việt Nam, trường lớp dạy rất nhiều môn học, nhưng chưa có bộ môn nào gọi là tài chính cá nhân và tài chính gia đình cho các bạn trẻ khi bước vào đời, hoặc bắt đầu lập gia đình. Do đó, các bạn trẻ khi bắt đầu sống tự lập (khi bắt đầu đi làm và tự kiếm ra tiền), đặc biệt là khi chuẩn bị kết hôn nên "bỏ túi" những kiến thức về tài chính như sau:

Thứ nhất, hãy nghiêm túc dành thời gian để tìm hiểu và trang bị kiến thức về chi tiêu cho chính mình. Thu nhập bao nhiêu? Nên chi bao nhiêu phần trăm trong tổng thu nhập? Cách tiết kiệm tiền theo từng tháng ra sao? Đặt mục tiêu cho mình, có động lực quan trọng để chi tiêu hợp lý?

Thứ hai, khi chuẩn bị tiến tới việc kết hôn, đừng ngần ngại, cả hai hãy trò chuyện chủ động, cởi mở, rõ ràng và trung thực trong vấn đề chi tiêu để thống nhất phương án chi tiêu, quản lý tài chính trong hôn nhân.

Cả hai nên nói thẳng thắn để hiểu rõ quan điểm về tiền bạc của mỗi bên, nhu cầu và mong muốn của họ như thế nào về việc thu, chi tài chính gia đình, mức thu, chi bao nhiêu, cho những khoản mục gì, thu chi chung hay riêng, nếu thu chung thì ai là người “tay hòm chìa khóa”, các khoản thu, chi, tiết kiệm, đầu tư… sẽ phân bổ ra sao.

Nếu thu chi riêng thì ai đảm nhiệm chi khoản gì, đóng góp cho việc tạo dựng những tài sản chung như nhà cửa, xe cộ, bảo hiểm, học tập cho con, tuổi già… để đảm bảo cho cuộc sống lâu dài của gia đình ra sao?

Nếu thống nhất thu chi chung được thì sẽ là sự cam kết chắc chắn hơn về đời sống lứa đôi, khi mà cả 2 bên đều toàn tâm toàn ý, dành trọn tình cảm và tài sản để vun đắp hạnh phúc gia đình cùng nhau và coi cả 2 như 1. Còn nếu các cặp đôi bỏ qua vấn đề chi tiêu, không bàn bạc trước khi cưới thì hoàn toàn sẽ xảy ra những mâu thuẫn, cãi vã khiến rạn nứt tình cảm vợ chồng, ảnh hưởng tới con cái.

  Không thỏa thuận chi tiêu trước khi cưới, về sống chung nhà rất dễ... cãi nhau.

Không thỏa thuận chi tiêu trước khi cưới, về sống chung nhà rất dễ... cãi nhau.

Ai nên là người tay hòm chìa khóa?

Về việc trong nhà ai là người nắm quản lý tiền bạc, chuyên gia Trần Kim Thành cũng nêu quan điểm: 

Trước đây, thường là người phụ nữ đảm nhận “tay hòm chìa khóa”. Tuy nhiên, xã hội hiện đại đã thay đổi rất nhiều. Việc ai là người quản lý, chi tiêu gia đình không nhất thiết phải là người phụ nữ. Nhất là đối với những gia đình mà người vợ có kiến thức, hiểu biết, kỹ năng về quản lý tài chính, tiền bạc ít hơn người chồng.

Theo tôi, nên phân công việc quản lý tài chính gia đình dựa trên năng lực thực sự của 2 vợ chồng để hiệu quả chung cho kinh tế gia đình và tối ưu hóa năng lực cả hai vợ chồng. Cả 2 nên cùng bàn bạc, thảo luận, quyết định khi sử dụng tài chính gia đình, biết rõ gia đình mình có bao nhiêu tiền của, đến từ đâu, chi vào đâu, đầu tư, kinh doanh vào đâu, tỉ lệ chi tiêu ra sao cho từng khoản.

Sau đó, người nào trong gia đình có nhiều kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính tốt hơn thì nên là người quản lý chung về tài chính gia đình. Người này sẽ ghi chép, tổng kết rõ ràng tài chính của gia đình theo tháng, năm với từng khoản mục cụ thể, chi tiết. Đồng thời giữ quỹ tiết kiệm, bảo hiểm, chi tiêu mua sắm tài sản lâu dài của gia đình, giữ các sổ sách, giấy tờ có giá trị tiền bạc của gia đình. Người nào giỏi về đầu tư, kinh doanh thì phụ trách và giữ quỹ đầu tư tài chính của gia đình".

Trước khi cưới không thống nhất chuyện tiền nong là sai lầm lớn của vợ chồng Việt 2

Gia Đình Mới tổ chức cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn. 

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức. 

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY

V.Linh/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO