Báo Điện tử Gia đình Mới

Làm người 'tay hòm chìa khóa', giữ tiền và chi tiêu trong gia đình có sướng không?

Nhiều người nghĩ rằng, người được quản lý tiền trong nhà là sướng vì được giữ tiền, được chi tiêu theo ý mình. Nhưng thực tế, người giữ vai trò 'tay hòm chìa khóa' cũng chẳng sung sướng gì đâu.

'Tay hòm chìa khóa' – Vai trò nhạy cảm trong gia đình

Trước khi lấy chồng, Nguyễn Thu Huyền (25 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) luôn được mẹ dạy dỗ rằng "Đàn ông là cái giỏ/Đàn bà là cái hom". Nếu chồng kiếm được tiền đựng vào trong “giỏ” mà vợ không biết là cái “hom” để giữ thì cũng đi hết.

Đến khi lập gia đình, do sống chung với bố mẹ chồng nên Huyền cũng không phải là cái “hom” theo lời mẹ dạy, vì chi tiêu mọi thứ trong gia đình đã có mẹ chồng lo.

Không phải rút tiền trong túi mình ra nên Thu Huyền chi tiêu rất hào phóng, đồ dùng gì cũng mua loại tốt nhất, thực phẩm nào cũng chọn loại ngon nhất, đắt tiền nhất.

Cuộc sống đủ đầy về vật chất nhưng Huyền vẫn thấy mất “tự do” vì mua gì cũng phải xin mẹ chồng.

Đến khi bố mẹ chồng cho ra ở riêng, mở cho một cửa hàng tạp hóa thì vợ chồng Huyền rất vui mừng vì từ nay sẽ được làm chủ gia đình, được sống cuộc sống “tự do”.

Do vẫn giữ thói quen mua sắm thoải mái như lúc ở chung, cuối tháng ngồi tổng kết lại Huyền phát hiện số tiền chi ra đã vượt gấp đôi số tiền 2 vợ chồng kiếm được trong tháng đó.

  Người cầm tiền trong nhà luôn phải đau đầu tính toán chi tiêu thế nào cho hợp lý. Ảnh minh họa

Người cầm tiền trong nhà luôn phải đau đầu tính toán chi tiêu thế nào cho hợp lý. Ảnh minh họa

Lúc này, Huyền mới giật mình ngồi tính toán lại các khoản thu chi hàng ngày và tìm cách “thắt chặt chi tiêu”. Cô hạ mức sống gia đình xuống đột ngột bằng cách: chọn loại gạo bình dân thay vì ăn gạo ngon như trước đây; thực phẩm ăn uống hàng ngày cũng mua loại bình thường mà không chọn mua loại đắt tiền; sữa bột của con trai đổi từ hàng nhập khẩu sang hàng trong nước; bỉm, quần áo cũng chọn loại bình thường cho con…

Bằng cách này, Huyền đã giảm được số tiền chi tiêu khá lớn nhưng đổi lại cô bị chồng nói là “keo kiệt” hơn trước đây. Cơm ăn hàng ngày cô nấu cũng bị chồng chê là “nấu ăn không ngon và khéo như trước”, thậm chí chồng cô còn về mách với bố mẹ như thể bị cô ngược đãi…

Rất nhiều lần vợ chồng Huyền đã to tiếng với nhau vì không thống nhất trong chi tiêu hàng ngày.

“Tôi thấy rất áp lực và nhận ra người giữ vai trò “tay hòm chìa khóa” trong gia đình rất khổ. Ví như chồng tôi, hàng ngày chỉ cần bán hàng, nhập hàng, tiền thu về để vào hộp chung là xong việc, thoải mái đầu óc.

Còn tôi thì khác, tôi vẫn phải bán hàng, kiểm soát việc nhập hàng, tiền mua hàng, rồi còn phải cân đo đong đếm xem nay ăn gì, nên chi tiêu cho sinh hoạt hàng ngày bao nhiêu, tiết kiệm bao nhiêu để đề phòng lúc ốm đau, có việc đột xuất…

Đã có lúc tôi muốn đổi vai với chồng, để chồng tôi quản lý chi tiêu gia đình cho mình nhẹ đầu, nhưng nghĩ đến lời mẹ dạy phụ nữ phải là cái “hom” để vun vén gia đình thì tôi lại phải gồng mình cố gắng” – Thu Huyền tâm sự.

Ai là người nên giữ tiền trong nhà và nên chi tiêu thế nào?

Chia sẻ về bí kíp quản lý tài chính chi tiêu trong gia đình, Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn – Công ty TNHH Tư vấn Tâm lý – Đào tạo phát triển cá nhân & cộng đồng cho biết: “Trong gia đình có hai việc lớn và việc kiếm tiền và tiêu tiền. Hai việc này có giá trị ngang nhau, bởi kiếm tiền cũng vất vả và việc chi tiêu như thế nào cho hợp lý cũng khó khăn không kém.

Vậy nên, nếu như người vợ/người chồng được tín nhiệm là người giữ trọng trách cầm tiền trong nhà cũng không sung sướng gì.

Bởi khi đó họ cũng giống như một nhân viên kế toán trong một công ty, phải giữ tiền nhưng không phải tiền của mình. Nếu muốn chi tiêu gì, nhất là những khoản lớn sẽ phải thông qua người chồng/vợ cùng biết”.

  Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn – Công ty TNHH Tư vấn Tâm lý – Đào tạo phát triển cá nhân & cộng đồng

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn – Công ty TNHH Tư vấn Tâm lý – Đào tạo phát triển cá nhân & cộng đồng

Trên thực tế, không có một câu trả lời chính xác cho câu hỏi ai là người nên giữ vai trò “tay hòm chìa khóa” trong gia đình. Điều này phụ thuộc vào hoàn cảnh cụ thể và suy nghĩ của cá nhân người trong cuộc.

Và điều quan trọng không phải ai là người giữ tiền mà là cách giữ tiền thế nào cho hợp lý.

“Trước đây, người ta thường dạy nhau cách chi tiêu như: Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm; Đừng bóc ngắn cắn dài; Có 10 thì tiêu 8 còn đâu cất đi phòng khi thất bát… Đây đều là những kinh nghiệm quản lý tài chính chi tiêu mà người đi trước hướng dẫn người đi sau.

Nhưng hiện nay hiện đại hơn nên người ta có những nguyên tắc 6 cái bình, nguyên tắc 7 cái lọ. Nguyên tắc này đòi hỏi các cặp vợ chồng phải nắm được tổng thu nhập của cả 2 và nên bỏ vào bình này, bình kia bao nhiêu.

Đây là một mô hình quản lý gia đình hiện đại. Người quản lý tài chính trong gia đình dù là chồng hay vợ ít nhất phải nắm được tổng thu nhập của 2 vợ chồng là bao nhiêu. Sau đó chia tổng thu nhập đó ra làm các phần” – chuyên gia Đình Đoàn chia sẻ.

Nói rõ hơn về nguyên tắc chia phần trong chi tiêu, vị chuyên gia tâm lý này cho biết, thông thường, các gia đình hiện nay đang chia tổng thu nhập của 2 vợ chồng ra làm 6 gói/phần như sau:

- Thứ nhất là gói tiêu dùng thường xuyên: Không vượt quá 55% tổng thu nhập. Ví dụ thu nhập của 2 vợ chồng là 20 triệu thì việc chi tiêu không nên vượt quá 11 triệu.

- Thứ 2 là gói tiết kiệm dài hạn: Chiếm 10 % tổng thu nhập. Đây là khoản tiền để phòng khi thất bát hoặc gặp khó khăn.

- Thứ 3 là chi cho giáo dục, chiếm khoảng 10%. Nếu là những người đang có con đi học thì 10% chi cho con đi học. Nếu những người không có con đi học thì nên đập vào quỹ tiết kiệm dài hạn

- Thứ 4 là tiêu dùng riêng của mỗi người, khoảng 10%

- Thứ 5 là quỹ cho đi, chiếm khoảng 5%. Số tiền này dùng để hỗ trợ bên nội, bên ngoại hoặc hỗ trợ người thân, bạn bè gặp khó khăn.

- Thứ 6 là gói hưởng thụ, chiếm khoảng 10% tổng thu nhập của cả 2 vợ chồng. Khoản tiền này được sử dụng cho việc đi chơi, đi du lịch, mua sắm, chăm lo cho gia đình.

Khi đã chia ra các gói chi tiêu thì các gia đình cần phải cam kết thực hiện bằng được. Những gói được chia ra này nên quan tâm ở gói tiết kiệm dài hạn với tiêu chí tích tiểu thành đại, lâu dần sẽ có một khoản tiết kiệm.

Và khi đã có một khoản tiết kiệm thì không nên để số tiền đó nằm trong góc tủ mà nên tìm cách để “tiền đẻ ra tiền” như gửi tiết kiệm, chọn mua vàng hoặc ngoại tệ, đầu tư bất động sản, góp cổ phần đầu tư kinh doanh… để tiền được luân chuyển.

Làm người 'tay hòm chìa khóa', giữ tiền và chi tiêu trong gia đình có sướng không? 2

Gia Đình Mới tổ chức cuộc thi "Bí kíp tiêu dùng thông minh" chia sẻ những câu chuyện có thật, giúp độc giả có cái nhìn phong phú, thực tiễn hơn trong cách tiêu dùng, quản lý tài chính của từng gia đình, từ đó rút ra cách quản lý tài chính khôn ngoan, tiêu dùng thông minh hơn.

Mỗi bài dự thi đăng trên http://giadinhmoi.vn sẽ được nhận ngay nhuận bút 1 triệu đồng. Cuộc thi do Tạp chí Gia Đình Mới và Ngân hàng SeABank phối hợp tổ chức. 

Chi tiết cuộc thi TẠI ĐÂY

An An/giadinhmoi.vn

Tin liên quan

Tags:

© CƠ QUAN CHỦ QUẢN: VIỆN NGHIÊN CỨU GIỚI VÀ PHÁT TRIỂN. 

Giấy phép hoạt động báo chí điện tử số 292/GP-BTTTT ngày 23/6/2017 do Bộ Thông tin- Truyền thông cấp. Tên miền: giadinhmoi.vn/

Tổng biên tập: Đặng Thị Viện. Phó Tổng biên tập: Phạm Thanh, Trần Trọng An. Tổng TKTS: Nguyễn Quyết. 

Tòa soạn: Khu Đô thị mới Văn Quán, phường Phúc La, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, Việt Nam. 

Văn phòng làm việc: Nhà C3 làng quốc tế Thăng Long, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội.  

Điện thoại: 0868-186-999, email: [email protected]

Thông tin toà soạn | Liên hệ | RSSBÁO GIÁ QUẢNG CÁO