Xuất hiện triệu chứng khó ăn, khó nuốt suốt 2 tháng nay, thậm chí ăn cháo, uống nước cũng khó, cụ ông 81 tuổi cứ nghĩ do trào ngược dạ dày. Đến khi vào viện thăm khám thì phải cắt bỏ thực quản.
Các bác sĩ của khoa Ngoại tổng hợp, BV Bạch Mai mới tiến hành phẫu thuật cắt và tạo hình thực quản thành công cho bệnh nhân Trần Đức Lễ (81 tuổi, ở Hà Nội) bị ung thư thực quản.
Đây là bệnh nhân cao tuổi nhất được phẫu thuật cắt và tạo hình thực quản thành công tại Bệnh viện Bạch Mai và cũng là một trong số rất ít bệnh nhân cao tuổi được thực hiện kỹ thuật này tại Việt Nam.
Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân thì được biết, cụ ông xuất hiện triệu chứng khó ăn, khó nuốt từ 2 tháng nay (trước khi nhập viện), thậm chí cả ăn cháo và uống nước cũng khó.
Cứ nghĩ triệu chứng đó là do trào ngược dạ dày nhưng tình trạng nuốt nghẹn của cụ ngày càng tăng dần và xuất hiện cả buồn nôn, gầy sút cân. Lo lắng cho tình trạng sức khỏe của cụ nên người nhà đã đưa cụ vào BV Bạch Mai thăm khám. Sau khi thăm khám, nội soi và kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư thực quản 1/3 dưới.
Chia sẻ về ca bệnh này, TS.BS Trần Mạnh Hùng - Trưởng Khoa Ngoại tổng hợp, BV Bạch Mai cho biết: “Bệnh nhân đã lớn tuổi. Chúng tôi phải bàn bạc kỹ lưỡng với gia đình và thăm khám kỹ càng cho bệnh nhân, sau đó đi đến quyết định phẫu thuật cắt thực quản bằng phương pháp nội soi, tạo hình đường tiêu hóa trên.
Thông thường phẫu thuật điều trị ung thư thực quản tại Khoa đã được thực hiện thường qui nhưng đây là trường hợp bệnh nhân cao tuổi đầu tiên mà chúng tôi thực hiện. Chúng tôi cũng tham khảo các người thầy và đồng nghiệp trong lĩnh vực này thì đây là một trong những ca ung thư thực quản cao tuổi nhất được phẫu thuật”.
Ca mổ diễn ra trong gần 5 giờ đồng hồ, các bước diễn ra thuận lợi. Sau mổ, bệnh nhân hồi phục nhanh chóng và không xảy ra tai biến, biến chứng gì. Sau 11 ngày, bệnh nhân có thể ăn uống trở lại bình thường và đi lại trong khuôn viên của khoa. Bệnh nhân đã được ra viện vào chiều ngày 11/7 (14 ngày sau phẫu thuật) trong niềm vui của gia đình và các thầy thuốc.
Để có được thành công như thế này đòi hỏi sự nỗ lực của bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và các thầy thuốc. Bởi với bệnh nhân tuổi cao trên 80, nhiều thách thức được đặt ra trong quá trình phẫu thuật như kỹ thuật ngoại khoa, gây mê trong suốt quá trình mổ, mất máu...
Nhiều gia đình có người thân trên 80 tuổi mà phát hiện bệnh ung thư thì thường có tâm lý buông xuôi, không điều trị. Tuy nhiên, bác sĩ Hùng khuyến cáo: “Tuổi là một trong những vấn đề cần cân nhắc khi tiến hành điều trị ung thư, nhưng người bệnh đừng vội từ bỏ. Nếu trong điều kiện cho phép và đảm bảo kỹ thuật thì vẫn nên tiến hành phẫu thuật, giúp nâng cao chất lượng sống cho người bệnh”.