Khi người già không nhận ra mình trong gương, đối xử với nhân vật trên ti vi như người thật

Khi bị loạn thần, người bệnh thấy như có người lạ đang ở trong nhà mình, không nhận ra mình trong gương, đối xử với các nhân vật trong ti vi như người trong cuộc sống thực tại… người bệnh có thể dễ bị kích thích cáu giận, có cơn kêu khóc qua đêm hoặc bàng quan.

Tuổi già không gì bằng được chăm sóc nhau

Già đi theo năm tháng đôi khi được xem như là một thử thách lớn cùng với hàng loạt thử thách khác: đi lại chậm chạp và khó khăn hơn, bệnh tật gây phiền hà, bạn bè và người thân yêu mất đi, khó thích ứng khi về hưu và khó khăn tài chính, cô độc bởi cảnh goá bụa hoặc bởi bạn bè và con cái ở xa, khó chống đỡ với các bệnh tật mãn tính và các tật chứng về nhìn, nghe kém, chân tay yếu, đau mỏi, cứng khớp…

Quá nhiều hẫng hụt với thực tế, người già vì thế mà rất hay gặp phải những trở ngại tinh thần cần được tư vấn của chuyên khoa tâm thần học. Hai vấn đề sức khoẻ tâm thần thường gặp nhất của người cao tuổi trong cộng đồng là trầm cảm và giảm sút trí tuệ.

Bất chấp những trở ngại này, đa phần những người cao tuổi vẫn sống vui, sống khoẻ và có ích. Vậy tại sao một số người này lại bị trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ còn những người khác thì không?

Đơn giản là một số người này dễ mắc bệnh hơn người khác.

Người già bị trầm cảm mà không biết

Đâu phải như ai đó nói rằng người già cứ lẩm cẩm, hay nghĩ quẩn là chuyện bình thường. Thật ra lối nghĩ mặc cảm, tự đánh giá thấp bản thân, thậm chí tự buộc tội mình của một số người già lại có thể là một vấn đề sức khoẻ tinh thần cần được chữa trị.

Chứng này gọi là trầm cảm. Trầm cảm không phải do lỗi của bản thân người bệnh, cũng không phải là dấu hiệu của tình trạng "suy yếu".

Các nhà khoa học cho rằng trầm cảm có thể do sự mất cân bằng giữa các chất hoá học trong não được gọi là chất dẫn truyền thần kinh. Khi hoạt động chức năng của các chất hoá học này bị gián đoạn thì có thể gây ra trầm cảm. Có một vài bằng chứng cho thấy rằng những thay đổi này dễ xảy ta hơn khi người ta già đi.

Trầm cảm đồng hành với các loại bệnh tật là một vấn đề đặc thù của người cao tuổi: bệnh lý tuyến giáp, thấp khớp, đột quỵ, tiểu đường hoặc Parkinson… đôi khi làm che giấu các triệu chứng của trầm cảm.

Người cao tuổi bị trầm cảm có thể không biết mình bị trầm cảm. Thay vào đó, họ than phiền về triệu chứng bệnh cơ thể như rối loạn tiêu hoá, triệu chứng bệnh tim, đau nhức cơ, rối loạn trí nhớ và khả năng tập trung, nói chung là thể lực sút kém.

Khi đó, rất khó để kết luận đâu là triệu chứng bệnh thực thể, đâu là do trầm cảm. Có một giải pháp cho tình huống này: các triệu chứng cơ thể do bệnh trầm cảm gây ra thì được cải thiện rất rõ khi điều trị trầm cảm.

Nhắc đến người già không thể bỏ qua tình trạng sa sút trí tuệ. Đây được coi là dấu hiệu cho thấy ai đó đó "trở nên già", trí nhớ và trí thông minh mất dần. Suy giảm trí nhớ là triệu chứng sớm, thường xuất hiện từ từ và ngày càng nặng.

Lúc đầu chỉ quên đơn giản và khó gợi nhớ, dần dần quên các kiến thức, thao tác nghề nghiệp rồi quên tên bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm, con cháu. Tuy nhiên, các sự kiện liên quan đến các kỷ niệm bản thân, cái đó học từ thời thơ ấu (đọc, viết, tính toán…) thì cũng duy trì được khá lâu.

Chứng loạn thần: Không nhận ra mình trong gương

Bên cạnh đó, cũng có thể có triệu chứng loạn thần. Mọi hoang tưởng đều có thể gặp song thường gặp nhất là các hoang tưởng bị thiệt hại, bị mất mát của cải, bị hàng xóm chiếm đoạt, hoang tưởng ghen tuông.

Người bệnh thấy như có người lạ đang ở trong nhà mình, không nhận ra mình trong gương, đối xử với các nhân vật trong ti vi như người trong cuộc sống thực tại… người bệnh có thể dễ bị kích thích cáu giận, có cơn kêu khóc qua đêm hoặc bàng quan.

Phiền hà nhất là các rối loạn hành vi: Từ việc đánh người, nhặt bẩn, hành vi thù địch với người thân cho đến kích động, đi lang thang...

Sa sút trí tuệ là một bệnh khó điều trị, còn gọi là mất trí. Trong quần thể người từ 65 tuổi trở lên, có 5% là bị mất trí nặng và 15% mất trí mức độ nhẹ, 20% người trên 80 tuổi là bị mất trí mức độ nặng.

Với bệnh trầm cảm ở người lớn tuổi, tâm lý trị liệu hay phương pháp "điều trị bằng chuyện trò" có thể rất tốt và hữu ích. Không gì hay bằng có ai đó thông cảm để trò chuyện trong giây phút khó khăn của cuộc sống. Đối với trầm cảm nhẹ, đôi khi chỉ cần tâm lý trị liệu là đủ để khỏi bệnh.

Nếu tuân thủ tốt chương trình điều trị trầm cảm, bạn sẽ cảm thấy có nhiều sinh lực hơn để làm những công việc mà bạn ham thích. Bạn sẽ nhận thấy các chứng đau nhức và chứng bệnh cơ thể khác cũng thuyên giảm.

Và vượt lên trên hết, là bạn có cái nhìn mới mẻ và lạc quan hơn về cuộc sống. Đó chính là điều mà ai cũng mong chờ.

Một khi bạn ngờ rằng bản thân mình hoặc ai đó mà bạn biết là có khả năng bị trầm cảm hoặc sa sút trí tuệ, hãy mạnh dạn đến gặp các thầy thuốc chuyên khoa tâm thần để được tư vấn kịp thời, hợp lý.

BS Trần Thị Hồng Thu (Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương) 


Tin liên quan