Hành tím có tác dụng gì? 12 công dụng của hành tím cho sức khỏe

Hành tím không chỉ là một nguyên liệu làm tăng hương vị món ăn mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe như giảm viêm, giảm cholesterol, bảo vệ tim mạch,... Vậy hành tím có tác dụng gì? Hãy cùng tìm hiểu ngay trong bài viết sau đây!  

1 Hành tím là gì? Giá trị dinh dưỡng có trong hành tím

Hành tím có tên khoa học là Allium ascalonicum L., cùng họ Allium với tỏi, hành tây, hành lá và hẹ. Hành tím có vẻ ngoài giống hành tây nhưng khi bóc vỏ ngoài ra, bạn sẽ thấy chúng có 3-6 tép nhỏ giống như tỏi.

Ngoài vai trò là nguyên liệu nấu làm tăng hương vị cho món ăn, hành tím còn cung cấp nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Cứ 100g hành tím băm nhỏ có hàm lượng các chất dinh được ước tính như sau:

  • 75 calo.
  • 2,5g protein.
  • 17g carbohydrate.
  • 3g chất xơ.
  • 37mg canxi đáp ứng 3% nhu cầu hàng ngày.
  • 1,2mg sắt đáp ứng 7% nhu cầu hàng ngày.
  • 21mg magie đáp ứng 5% nhu cầu hàng ngày.
  • 60mg phospho đáp ứng 5% nhu cầu hàng ngày.
  • 334mg kali đáp ứng 7% nhu cầu hàng ngày.
  • 0,4 mg kẽm đáp ứng 4% nhu cầu hàng ngày.
  • Axit folic đáp ứng 9% nhu cầu hàng ngày.
  • 4IU vitamin A, 8mg vitamin C, các vitamin nhóm B, chất chống oxy hóa và các hợp chất lưu huỳnh hữu cơ.

Hành tím cùng họ Allium với tỏi, hành tây, hành lá và hẹ

2 Hành tím có tác dụng gì?

Phòng ngừa ung thư

Các nghiên cứu đã chứng minh hành tím có thể:

  • Ngăn đột biến gen: Nước ép hành tím có khả năng làm bất hoạt các sản phẩm phân hủy từ tryptophan, vốn là nguyên nhân gây ra các đột biến gen - một yếu tố khởi phát ung thư.
  • Giảm ung thư túi mật và đa u tủy: Chế độ ăn giàu hành tím và các loại allium khác giúp giảm 19% nguy cơ mắc ung thư túi mật và giảm 40% nguy cơ mắc đa u tủy xương.
  • Phòng ngừa ung thư dạ dày: Tiêu thụ hành tím từ 7 lần/tuần trở lên có liên quan đến việc giảm biểu hiện CD44v6 - yếu tố thúc đẩy ung thư dạ dày xâm lấn sâu.
  • Ngăn ung thư vú: Một nghiên cứu trên 36.000 phụ nữ chỉ ra rằng hành tím có tác dụng bảo vệ hiệu quả chống lại nguy cơ ung thư vú.
  • Ức chế tế bào ung thư và kích hoạt tự hủy tế bào: Các hợp chất như allicin và ethyl acetate extract (EEOs) trong hành tím giúp ức chế enzyme tổng hợp axit béo - yếu tố cần thiết để tế bào ung thư phát triển. Đồng thời, chúng kích thích quá trình tự hủy tế bào ung thư (apoptosis).

Hành tím có khả năng ức chế sự phát triển và nhân lên của tế bào ung thư

Giúp giảm dị ứng

Hành tím chứa nhiều hợp chất tự nhiên có khả năng giảm nhẹ triệu chứng dị ứng, nổi bật là: Quercetin - một flavonoid thực vật hoạt động như chất chống histamin tự nhiên (ngăn chặn giải phóng histamin).

Quercetin giúp giảm sưng mô, chảy nước mắt, ngứa và các triệu chứng viêm đường hô hấp liên quan đến dị ứng thời tiết như viêm mũi dị ứng, hen suyễn và viêm phế quản.

Nghiên cứu trên chuột chỉ ra rằng chiết xuất hành tím giúp giảm giải phóng histamin và tăng hoạt động của enzym chống oxy hóa superoxide dismutase trong mô phổi. Đồng thời làm giảm quá trình peroxid hóa lipid - một yếu tố gây tổn thương mô phổi trong dị ứng.

Các hoạt chất có trong hành tím có thể hoạt động như các chất chống dị ứng

Chống oxy hóa 

Hành tím là một trong những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa nhất trong họ Allium. Trong đó, quercetin, kaempferol và allicin trong hành tím giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra. Từ đó làm giảm nguy cơ viêm nhiễm và các bệnh mãn tính như ung thư, tim mạch và tiểu đường.

Bên cạnh đó, các hợp chất chứa lưu huỳnh (như disulfide) và flavonoid trong hành tím cũng giúp giảm viêm, cải thiện sức khỏe tim mạch và kiểm soát đường huyết.

Hành tím có nhiều chất chống oxy hóa như quercetin, kaempferol và allicin 

Kháng viêm

Hành tím có khả năng ức chế các cơ chế gây viêm ở cấp độ tế bào và mô như bảo vệ cơ thể trước tác hại của các gốc tự do.

So sánh với thuốc kháng viêm Indomethacin, chiết xuất hành tím ở liều cao nhất (200mg/kg) vượt trội hơn về hiệu quả ức chế viêm (ức chế tới 80,1% trong khi thuốc chỉ ức chế được 35,4%). Chiết xuất hành tím chủ yếu hoạt động bằng cách ức chế sự giải phóng các chất trung gian gây viêm ngay từ giai đoạn đầu, giảm thiểu nguy cơ viêm lan rộng.

Hành tím có tác dụng ức chế viêm mạnh và giảm tổn thương do gốc tự do gây ra 

Kháng khuẩn

Các hợp chất chứa lưu huỳnh (organosulfur) trong hành tím, đặc biệt là allicin và thiosulfinates phản ứng với nhóm sulfhydryl (SH) của protein trong vi sinh vật, làm mất hoạt tính và ức chế sự phát triển của chúng.

Chiết xuất ethanol và nước của hành tím có khả năng ức chế sự phát triển hay sự nhân lên của vi khuẩn gram dương Staphylococcus aureus, Bacillus subtilis, Mycobacterium tuberculosis.

Chiết xuất methanol từ hành tím có khả năng ức chế vi khuẩn gram âm Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae và Helicobacter pylori. Dầu hành tím ức chế vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm như Salmonella typhimurium, Listeria monocytogenes và các vi khuẩn bệnh viện như MRSA và Acinetobacter baumannii.

Ngoài ra, các saponin được chiết xuất từ hành tím (như acid ursolic và các glycosid khác) cũng cho thấy khả năng ức chế E. coli, S. aureus và Candida albicans.

Ứng dụng trong thực phẩm và y học:

  • Dầu hành tím nồng độ 2.000 ppm có thể làm chất bảo quản thực phẩm, giảm đáng kể số lượng vi khuẩn E. coli trong quá trình ủ phô mai mà không ảnh hưởng đến hương vị.
  • Nước súc miệng chứa chiết xuất hành tím cho hiệu quả kéo dài trong việc ức chế vi khuẩn miệng, vượt trội hơn cả chlorhexidine - một chất khử trùng y tế.

Hành tím có khả năng ức chế nhiều loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm và gây bệnh

Hỗ trợ tăng cường sức khỏe tim mạch 

Thiosulfinate - một hợp chất chứa lưu huỳnh có trong hành tím giúp ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông, từ đó làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Hợp chất allicin giúp giảm độ cứng của mạch máu bằng cách giải phóng oxit nitric (NO), từ đó cải thiện tuần hoàn và hạ huyết áp. 

Một nghiên cứu trên phụ nữ mắc tiểu đường tuýp 2 cho thấy việc ăn hành tím cùng với sữa chua giúp giảm cholesterol tổng, cholesterol xấu (LDL-C) và triglyceride so với nhóm chỉ ăn sữa chua. Trên động vật, việc bổ sung allicin hàng ngày làm giảm nguy cơ mắc bệnh xơ vữa động mạch.

Quercetin và allicin - các chất chống oxy hóa trong hành tím giúp trung hòa gốc tự do và tăng sản xuất glutathione góp phần bảo vệ mạch máu khỏi stress oxy hóa, từ đó cải thiện sức khỏe tim mạch.

Một nghiên cứu năm 2013 chỉ ra rằng allicin trong hành tím không chỉ làm giảm các gốc tự do mà còn ức chế enzyme sản xuất cholesterol trong gan, từ đó hỗ trợ kiểm soát nồng độ cholesterol trong máu hiệu quả hơn.

Đặc biệt, hành tím còn cung cấp một lượng kali giúp duy trì hoạt động bình thường của hệ tim mạch, thần kinh, cơ bắp và tiết niệu.

Bổ sung hành tím trong chế độ ăn hàng ngày giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Giảm căng thẳng thần kinh

Hành tím chứa pyridoxine (vitamin B6) có vai trò kích thích sản sinh GABA (axit gamma-aminobutyric) trong não. GABA là chất dẫn truyền thần kinh quan trọng giúp làm dịu thần kinh, mang lại cảm giác thư giãn và cải thiện trạng thái tinh thần.

Ngoài ra, hành tím còn cung cấp axit folic (vitamin B9) giúp điều hòa các hormone và enzyme trong não - không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn hỗ trợ cân bằng cảm xúc, giảm nguy cơ rối loạn tâm lý.

Vitamin B6 và vitamin B9 có trong hành tím giúp giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tinh thần  

Hỗ trợ giảm cân

Các nghiên cứu chỉ ra rằng hành tím chứa các hợp chất đặc biệt như EEOs (Essential Oil Extracts), giúp ức chế quá trình tích lũy lipid (mỡ) trong cơ thể. Điều này không chỉ hỗ trợ ngăn ngừa tăng cân mà còn giúp giảm tỷ lệ mỡ.

Những hợp chất tự nhiên có trong hành tím còn giúp cân bằng trao đổi chất, hạn chế nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến béo phì như hội chứng chuyển hóa, bệnh tim, tiểu đường và ung thư.

Việc sử dụng hành tím trong chế độ ăn có thể giúp kiểm soát cân nặng

Giúp hạ huyết áp

Hành tím có thể giúp hạ huyết áp một cách hiệu quả nhờ sự kết hợp của các hợp chất tự nhiên có lợi cho hệ tim mạch như kali và allicin.

  • Kali có khả năng hoạt động như một chất giãn mạch giúp quá trình lưu thông máu diễn ra thuận lợi hơn, giảm áp lực lên tim và hệ thống tuần hoàn.
  • Allicin kích thích giải phóng nitric oxit giúp giãn mạch, hạ áp, giảm sự hình thành cục máu đông và giảm căng thẳng cho hệ thống tim mạch.

Hành tím chứa các chất làm giãn mạch, tăng lưu thông máu, hạ huyết áp

Giúp hạ cholesterol máu

Allicin - hợp chất hình thành khi hành tím bị cắt hoặc xay đã ức chế enzyme reductase có vai trò kiểm soát quá trình sản xuất cholesterol. Khi enzyme này bị ức chế, quá trình sản xuất cholesterol xấu (LDL) trong cơ thể sẽ giảm, giúp duy trì nồng độ cholesterol toàn phần và LDL trong giới hạn an toàn.

Nhờ có allicin, hành tím thể hiện được khả năng làm giảm cholesterol máu

Giúp giảm lượng đường trong máu

Trong một nghiên cứu trên chuột mắc chứng kháng insulin, việc bổ sung chiết xuất hành tím hàng ngày liên tục trong 8 tuần cho thấy lượng đường trong máu đã giảm và tình trạng kháng insulin được cải thiện.

Như vậy các hợp chất thực vật trong hành tím có thể giúp cải thiện khả năng sử dụng insulin của cơ thể, ổn định đường huyết và hỗ trợ quản lý bệnh tiểu đường loại 2.

Các hợp chất thực vật trong hành tím giúp giảm lượng đường trong máu

Ngăn ngừa và điều trị bệnh tiểu đường

Alpha-glucosidase là một enzyme quan trọng trong quá trình tiêu hóa carbohydrate. Việc ức chế enzyme này giúp giảm tốc độ hấp thu glucose qua đường ruột, từ đó làm giảm lượng đường huyết sau ăn.

Nghiên cứu của Kongstad và cộng sự cho thấy các hợp chất như quercetin (và các dimers, trimer của nó) trong hành tím có tác dụng ức chế alpha-glucosidase, góp phần kiểm soát nồng độ đường trong máu.

Chiết xuất methanol của hành tím còn làm tăng hoạt động của các enzym chống oxy hóa như SOD, GPX và CAT giúp giảm các tổn thương do đường huyết cao. Còn trong nghiên cứu của Jalal và cộng sự, hành tím lại thể hiện vai trò của nó trong việc cải thiện khả năng dung nạp glucose và độ nhạy của insulin.

Các hợp chất thực vật trong hành tím, đặc biệt là allium và allyl disulfide có tác dụng điều chỉnh lượng đường trong máu. Điều này rất hữu ích trong việc kiểm soát và duy trì ổn định nồng độ đường huyết ở mọi lứa tuổi mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 và tuýp 2.  

Các hoạt chất trong hành tím có khả năng tham gia kiểm soát và quản lý bệnh tiểu đường

3 Cách nấu hành tím trong bữa ăn thơm ngon, tốt cho sức khỏe

Dưới đây là một số cách chế biến hành tím cho bữa ăn ngon miệng và giàu dinh dưỡng:

  • Làm gia vị: Nướng hành tím cùng các loại rau củ khác hoặc thịt, cá. Phi thơm hành tím để tăng hương vị cho món xào.
  • Nấu súp hoặc làm nước sốt: Hành có thể được thái nhỏ và thêm vào khi nấu các món súp, canh hầm xương, sốt. 
  • Làm salad: Hành tím cắt nhỏ rắc lên trên các món salad hoặc bruschetta, pasta để tạo hương vị đặc trưng và đẹp mắt hơn.
  • Muối dưa hành: Hành muối chua vừa thơm ngon vừa có thể bảo quản được lâu.

Hành tím thường được phi thơm để làm gia vị cho các món ăn

4 Hành tím ngâm giấm có tác dụng gì?

Cách chuẩn bị hành tím ngâm giấm

Dưới đây là công thức đơn giản để làm hành tím ngâm giấm - một món ăn vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe:

Nguyên liệu:

  • 1 củ hành tím nhỏ hoặc 1/2 củ hành tím lớn.
  • 5 muỗng canh dầu ô liu.
  • 2 muỗng canh giấm.
  • 1 muỗng cà phê mù tạt hoặc 1 quả ớt.
  • 1 muỗng cà phê đường hoặc mật ong.
  • Muối và tiêu vừa ăn.

Cách làm:

  • Chuẩn bị hỗn hợp giấm: Cho hành tím vào một bát lớn (có thể băm nhỏ tùy thích). Sau đó, thêm dầu ô liu, giấm, ớt, đường, muối và tiêu vào bát.
  • Trộn đều: Dùng cây đánh trứng khuấy đều tất cả các nguyên liệu cho đến khi hỗn hợp hoàn toàn quyện vào nhau.
  • Sử dụng ngay hoặc bảo quản trong tủ lạnh tối đa 1 ngày. Khi sử dụng lại, nhớ khuấy đều trước khi ăn.

Hành tím ngâm giấm có cách làm rất đơn giản

Tác dụng của hành tím ngâm giấm

Hành tím ngâm giấm có một số tác dụng nổi bật như sau:

  • Hạ huyết áp và làm sạch máu: Chất sunfua trong hành giúp làm chậm quá trình đông máu và làm sạch máu. Axit citric trong giấm ức chế sự kết tụ tiểu cầu giúp máu lưu thông tốt hơn, từ đó giảm áp lực lên thành mạch và hạ huyết áp.
  • Điều chỉnh đường huyết: Diallyl sulfide và quercetin trong hành giúp giảm lượng đường và lipid dư thừa trong máu. Sự kết hợp giữa diallyl sulfide và vitamin B1 (thiamine) giúp cơ bắp nhạy cảm hơn với insulin, cải thiện quá trình chuyển hóa đường. Flavonoid giúp ổn định lượng đường trong máu.
  • Tăng chuyển hóa, hỗ trợ giảm béo: Quercetin ức chế hấp thụ lipid và tăng hiệu quả đốt cháy mỡ, hỗ trợ giảm mỡ máu và béo phì.
  • Trị say nắng: Hành tím muối chua giúp giải nhiệt, làm dịu căng thẳng và chống lại các phản ứng dị ứng ngoài da như cháy nắng.
  • Tăng cường sức khỏe đường ruột: Hành tím ngâm giấm chứa nhiều chất xơ và prebiotics, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn có lợi phát triển, duy trì sức khỏe đường ruột, giảm các vấn đề tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, chán ăn.
  • Chống oxy hóa, chống viêm: Bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh mãn tính như ung thư và tăng huyết áp.

Hành tím ngâm giấm - một món ăn vừa ngon vừa tốt cho sức khỏe

5 Một số lưu ý khi ăn hành tím

Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi ăn hành tím

Mặc dù hành tím mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, tuy nhiên việc tiêu thụ loại thực phẩm này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng hoặc khó chịu ở dạ dày.
  • Kích ứng da: Ngứa ngáy, đỏ hoặc viêm khi tiếp xúc với hành tím đặc biệt với những người bị bệnh chàm hoặc có làn da nhạy cảm.
  • Dị ứng: Mặc dù hành tím có hoạt tính chống dị ứng nhưng một số người quá mẫn với các hoạt chất có trong hành tím vẫn có khả năng bị dị ứng. Điều này cần đặc biệt lưu ý với những người có tiền sử dị ứng thực phẩm hoặc dị ứng phấn hoa.

Một số người quá mẫn với các hoạt chất có trong hành tím có thể bị dị ứng

Những đối tượng không nên ăn hành tím

Một số đối tượng đặc biệt sau đâu không nên ăn hành tím để tránh các tác dụng không mong muốn:

  • Người dị ứng với hành tím: Những người nhạy cảm với các chất có trong hành tím có thể bị phát ban trên da, ngứa hoặc kích ứng mắt khi tiếp xúc với hành tím.
  • Người mắc có vấn đề về tiêu hóa: Hành tím có thể làm nặng thêm các triệu chứng đầy hơi, táo bón, trào ngược axit dạ dày, đặc biệt ở người bị hội chứng ruột kích thích.
  • Trẻ em dưới 15 tháng tuổi: Hành tím chứa chất xơ inulin có thể gây kích ứng nhẹ đến hệ tiêu hóa còn non của trẻ.
  • Người đang sử dụng thuốc chống đông máu: Hành tím có khả năng làm tăng lưu thông máu, do đó có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc chống đông.

Người mắc có vấn đề về tiêu hóa không nên ăn quá nhiều hành tím

Cách sử dụng và bảo quản hành tím đúng cách

Cách sử dụng: Hành tím có thể ăn sống hoặc nướng, xào, nấu tùy theo món ăn.

Cách bảo quản:

  • Nơi khô ráo, thoáng mát: Để hành tím ở nơi thoáng khí, tránh ánh nắng trực tiếp và độ ẩm cao. 
  • Trong tủ lạnh: Chỉ bảo quản hành tím đã bóc vỏ trong hộp kín ở ngăn mát tủ lạnh tối đa 2–3 ngày. Tránh để hành tím tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm khác để không bị ám mùi.
  • Đông lạnh: Thái nhỏ hành tím, trải đều trên khay có lót giấy nến, sau đó cấp đông nhanh trước khi cho vào túi zip. Hành tím có thể được bảo quản trong ngăn đông tối đa 3 tháng.

Hành tím nên được bảo quản ở nơi khô ráo và thoáng mát

Xem thêm:

  • Hành tây có tác dụng gì? 9 công dụng của hành tây tốt cho sức khỏe
  • Ăn tỏi sống có tác dụng gì? 12 tác dụng, lưu ý khi ăn tỏi sống
  • Ngò rí có tác dụng gì? 20 công dụng, cách sử dụng tốt cho sức khỏe

Hy vọng bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn tác dụng của hành tím đối với sức khỏe. Hãy chia sẻ thông tin hữu ích này đến mọi người để tận dụng tối đa những công dụng tuyệt vời của hành tím, bạn nhé!