Trước thềm xuân mới 2018, GS.TS Nguyễn Anh Trí chia sẻ với Gia Đình Mới về những việc ông đang làm sau 5 tháng rời nhiệm sở Viện Huyết học – Truyền máu TƯ về nghỉ chế độ...
Hơn 30 năm công tác trong ngành Y tế, ông được ví như “kiến trúc sư trưởng” và đã trở thành người anh hùng tiên phong của ngành huyết học và truyền máu Việt Nam.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Gia Đình Mới nhân dịp đầu xuân Mậu Tuất, bằng chất giọng trầm ấm của người con đất Quảng Bình, GS.TS Nguyễn Anh Trí đã trải lòng về cảm xúc của ngày chia tay nghỉ hưu đong đầy nước mắt hạnh phúc, thấm đẫm tình đồng nghiệp, tình thân của bệnh nhân dành cho người bác sĩ mà họ yêu quý… và cả những điều Giáo sư ấp ủ đang triển khai làm là xây dựng trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam kể từ sau khi nghỉ hưu…
Mặc dù đã chính thức nghỉ hưu được 5 tháng (đầu tháng 10/2017), song xung quanh GS Trí vẫn là dáng dấp bệnh nhân, vẫn là các đồng nghiệp mặc áo blouse trắng thân thuộc, vẫn những cuộc điện thoại dồn dập xin tư vấn phương pháp điều trị bệnh... Nếu chăng có gì đó khác, thì chỉ là ở địa điểm làm việc!
“Thứ 6, ngày 29/9/2017, một ngày đáng nhớ của cuộc đời tôi”- Đó là ngày GS Trí chủ trì buổi giao ban cuối cùng trên cương vị Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ.
Ngày 2/10 là lần cuối cùng ông tham gia buổi chào cờ đầu tuần của Viện và gửi lời chia tay tới toàn thể cán bộ công nhân viên cơ quan cũng như bệnh nhân đang điều trị tại Viện - nơi ông coi như là gia đình lớn của cuộc đời mình.
“Tôi yêu tập thể này! Họ là những đồng nghiệp, là đồng chí, là học trò, là nhân viên... và họ cũng là những người tôi rất đỗi thân thương, yêu quý. Bệnh nhân là những người đã đưa lại cho tôi niềm đam mê trong công việc, những thành công, thành tựu trong cuộc đời tôi” – GS Anh Trí nghẹn ngào.
Với nhiều người, về hưu đồng nghĩa với an hưởng, nghỉ dưỡng hoặc vui thú điền viên. Còn với ông, về hưu được ông định nghĩa thế nào?
- Tôi là một người đam mê công việc và muốn được cống hiến. Sau khi nghỉ hưu, tôi vẫn làm cùng lúc một số việc. Về chuyên môn, tôi đảm nhận Chủ tịch Hội đồng cố vấn chuyên môn Bệnh viện đa khoa Medlatec. Đây là bệnh viện có khoảng 1.000 nhân viên, trong đó có hơn 30 GS, PGS, TS, BS chuyên khoa II làm việc.
Bên cạnh đó, là đại biểu Quốc hội nên tôi vẫn tham gia tích cực mọi công việc được phân công. Mới đây, tôi còn tham gia vào thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Song trong số các công việc tôi đang làm thì dự án công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam mới là đích đến lớn nhất của cuộc đời tôi. Từ con đường, nhà xây, từ viên đá như thế nào… đều là ý tưởng của tôi. Tôi thấy thú vị khi thu thập tài liệu vật thể và phi vật thể của các nhà khoa học để lưu giữ.
Tôi trân trọng những điều đó đến ứa nước mắt và tất cả đều trở thành lời dạy tôi mang theo suốt cuộc đời mình. Đó là sự tri ân của tôi đối với các thầy cô giáo, các nhà khoa học… Sự đóng góp của họ với đất nước là vô cùng to lớn.
Ngoài ra, tôi còn sáng tác thơ, nhạc và viết thư pháp. Hiện giờ, tôi có trong tay 45 bài hát, xuất bản 3 tập thơ và ra 5 đĩa hát.
Ngay sau khi nghỉ hưu hơn 2 tuần, ông có chuyến công tác tầm soát và quản lý gen bệnh Thalassemia trong cộng đồng tỉnh Hòa Bình. Có phải việc cứu chữa bệnh nhân vẫn là điều mang tới cho ông niềm đam mê trong công việc, những thành công, thành tựu trong cuộc đời ông?
- Sau khi nghỉ hưu, tôi đi sâu tầm soát và quản lý gen bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia trong cộng đồng tại tỉnh Hoà Bình vì đây là một trong những tỉnh có tỷ lệ người mang gen bệnh Thalassemia cao nhất Việt Nam.
Sau khoảng 3 tháng, kể từ ngày tôi có quyết định nghỉ hưu, với sự ủng hộ tích cực của tỉnh UBND tỉnh Hòa Bình, Sở y tế tỉnh, huyện ủy và UBND huyện Cao Phong, cũng như nhân dân các địa phương nơi tôi làm việc; với sự hỗ trợ kinh phí và các nguồn lực khác (máy móc, thiết bị, nhân lực...) và với sự phối hợp chặt chẽ của Trung tâm Thalassemia của Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, chúng tôi đã hoàn thành Giai đoạn 1 của Dự án: Tầm soát và quản lý gen bệnh Thalassemia trong cộng đồng tỉnh Hòa Bình.
Tôi rất vui, vì qua đó chúng tôi đã giúp phát hiện được khoảng gần 45% các trường hợp có bất thường về các xét nghiệm vòng đầu, trong đó khoảng 37% có khả năng mang gen bệnh Thalassemia. Con số thật đáng lo ngại về số người mang gen bệnh, nhưng lại rất đáng quý về sự đóng góp vào cuộc chiến chống lại căn bệnh Thalassemia quái ác.
Qua đây, cá nhân tôi đã rút ra những kinh nghiệm quý báu về sự phối hợp, về cách thức làm việc. Có thể nói, phải lăn xả vào cộng đồng và phải làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, với tình cảm sâu sắc với nhân dân thì mới tìm kiếm được nhiều gen bệnh.
Bệnh tan máu bẩm sinh là quả “bom nguyên tử” đã nổ
GS.TS Nguyễn Anh Trí, bệnh tan máu bẩm sinh là "quả bom" nguyên tử đã nổ, nhưng quả bom này không phát ra tiếng khiến chúng ta rất khó nhận biết, vì vậy mức độ nguy hiểm của nó càng cao.
Nguy hiểm đầu tiên là ở biểu hiện của bệnh rất dễ nhầm lẫn với các bệnh thiếu máu. Nhưng ở mức độ nặng, người bệnh có thể bị biến chứng và tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng cách. Đặc biệt, với những người mang gen bệnh - thể ẩn, thường không có biểu hiện lâm sàng nhưng lại chiếm số đông. Vì không biết mình mang gen bệnh nên khi người bệnh kết hôn cùng người khác, trẻ sinh ra có thể bị mắc bệnh.
Bệnh tan máu bẩm sinh không thể chữa khỏi hoàn toàn, người bệnh phải sống với nó cả đời. Trong khi đó, ước tính chi phí một người được điều trị đến 30 tuổi là 3 tỷ đồng. Vì vậy, gánh nặng kinh tế rất lớn. Bên cạnh đó, tổn thương về tinh thần với người bệnh khá lớn khi không có khả năng đi học, làm việc vì sức khỏe quá yếu.
Sự nghiệp của ông gắn với hai sự kiện có ý nghĩa nhân văn vô cùng lớn, đó là “Lễ hội Xuân Hồng” và “Hành trình Đỏ” lần lượt được khởi xướng vào năm 2008 và năm 2013. Hai sự kiện này đã đem tới cho ông những trải nghiệm như thế nào?
- Để hiến máu nhân đạo trở thành ý thức tự giác trong mỗi người đã khó, trở thành hoạt động cộng đồng với sự chung tay của nhiều người dân thì có ý nghĩa vô cùng to lớn.
Tôi thực sự tự hào vì giờ khi chỉ nói, nhắc đến cái tên “Lễ hội Xuân Hồng” và “Hành trình Đỏ” thì rất nhiều người dân hiểu đó là gì và sẵn sàng hành động tự nguyện với ý thức tự giác rất cao.
Bản thân tôi, trước khi nghỉ hưu gần 1 tháng, tôi hiến máu lần cuối cùng. (Tuổi được tham gia hiến máu tình nguyện từ 18 đến 60 tuổi – pv). Tính đến tuổi 60, tôi đã hiến máu 21 lần. Tôi đã truyền cảm hứng, khuyến khích, tạo điều kiện để tất cả mọi người cùng tham gia. Qua đó, chúng tôi đã cung cấp máu đến tận nơi cho 170 bệnh viện khu vực phía Bắc. Thật tự hào! Và thật nhớ các bạn trong Nhà Đỏ!
Không đề cập đến chuyện vật chất, xin hỏi sau nhiều năm cống hiến, khối “tài sản” mà ông có được nhiều nhất là gì?
- Là hình thành được nếp văn hoá! Có một người từng nói với tôi: “Anh đại gia về cái gì không thì tôi không biết, nhưng chắc chắn anh là một đại gia về văn hoá. Tình người trong anh sâu sắc, được thể hiện trong công tác khám chữa bệnh; tất cả những hoạt động sáng tạo của anh đều mang dáng dấp của văn hoá; anh có hiếu với cha mẹ, có tình nghĩa với những người anh mang ơn; anh sống chân thành với đồng đội, hết lòng với bệnh nhân, với học trò; anh đã giáo dục được con trai sớm trở thành người có ích cho xã hội. Đặc biệt anh đã tổ chức được Trung tâm và Công viên di sản các Nhà khoa học Việt Nam. Anh làm thơ, sáng tác bài hát, anh viết thư pháp! Từng đó quá đủ để nói: Anh là đại gia về văn hóa rồi còn gì nữa!”. Tôi nghĩ, có lẽ anh ấy đã nói đúng!
Điều tôi hài lòng là xây dựng được một văn hóa riêng có của Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, từ lời ăn tiếng nói, trang phục, đi thang máy, sử dụng những trang thiết bị… cho đến những vấn đề lớn hơn như nghiên cứu khoa học, về hội nhập quốc tế cho từng cán bộ, nhân viên của Viện, rồi đến vấn đề đối xử chào hỏi người bệnh, người nhà bệnh nhân và trong quan hệ tình đồng chí, đồng nghiệp…
Đến giờ, văn hóa này của Viện Huyết học - Truyền máu TƯ đã được cộng đồng thừa nhận, là văn hóa và cũng là thể hiện y đức, là những gì tự nhiên nhất đã “ăn” vào tiềm thức.
Tháng 10/2017, hình ảnh hàng trăm người vòng trong vòng ngoài đứng bịn rịn, lưu luyến rơi nước mắt vào giờ phút Giáo sư rời nhiệm sở về nghỉ chế độ hưu trí mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói với giáo sư: “Về hưu mà Giáo sư Trí thế này thì thật tự hào và cảm động!”. Là người trong cuộc, tâm trạng của Giáo sư tại thời khắc ấy như thế nào?
- Tôi là một người lao động như bao người khác, đến tuổi nghỉ hưu thì nghỉ hưu, không có gì đặc biệt cả. Tôi và nhiều người tiên lượng sẽ có cuộc chia tay xúc động. Bởi dù gì thì cũng là nơi mình gắn bó gần 15 năm chứ ít gì. Chưa kể, trước ngày chia tay viện khoảng 1 tuần, khi nhìn thấy tôi ở nhà ăn bệnh viện, mắt nhiều người đã đỏ hoe. Ngay lúc đó, có người nói “Sẽ có một cuộc chia tay Viện trưởng thấm đẫm nước mắt”. Song khi khoảnh khắc ấy diễn ra, tôi vẫn không thể kiềm chế được cảm xúc của mình trước những tình cảm của mọi người dành cho mình…
Ông nhớ nhất hình ảnh nào của cuộc chia tay hiếm có đó?
- Cuộc chia tay đó kéo dài suốt cả tháng, cho tới hôm trước vẫn có người bày tỏ sự cảm kích với tôi. Đó là một kỳ chia tay đầy lưu luyến và đáng nhớ.
Ngày 2/10/2017, không chỉ phụ nữ mà đàn ông cũng khóc. Nghe anh em tuổi đã ngoài 50 rồi khóc ồ ồ hôm chia tay tôi, nói thật tôi vừa thương và cũng không cầm được nước mắt. Có những người đàn ông ngoài 50 tuổi ôm tôi khóc nấc lên “Anh ơi, anh vừa là người anh của em, người thầy của em nhưng nói thật, một mặt nào đó, anh còn như bố của em”.
Những tràng pháo tay vang dội, màn chia tay thấm đẫm những dòng nước mắt thương nhớ và mến yêu kéo dài. Có những người nói năng lưu loát thì nay bỗng nghẹn lời, người vốn nghiêm nghị bỗng khóc như trẻ nhỏ, người thì thút thít, dụi đầu vào ngực tôi nghẹn ngào không nói nên lời... đủ các hình thái, với nhiều cung bậc. Mắt tôi cũng đẫm lệ trong mấy ngày đó.
Sau khi tôi chia tay Viện, người lái xe vẫn muốn được một buổi nữa lái xe đưa tôi đi Hòa Bình nghỉ. 11 giờ đêm, cậu ấy nhắn tin cho tôi: “Anh ơi, đêm nay anh cho em khóc một đêm cho nhẹ lòng, để mai em làm việc!"
Khoảng 10 giờ đêm, tôi nhận được email: “Thầy ơi, lúc thầy đi xong, mãi viện mới tan. Hôm nay cả viện đau mắt đỏ, bọn em cứ ước thầy quay trở lại”.
Khoảng hơn 12 giờ đêm, có người nhắn tin: “Bác ơi!”
“Bác ơi!”, 10 phút sau tôi lại nhận được tin nhắn.
“Bác ơi!”, một lúc sau, vẫn là số điện thoại đó nhắn cho tôi.
Tôi sợ quá, nghĩ biết đâu có ai đó có chuyện gì thì sao nên tôi nhắn lại “Bác đây! Cháu là ai? Có chuyện gì cần bác không?”…
Cậu ấy nhắn lại “Cháu đang khóc bác ạ, khóc vì nhớ bác quá…” Lúc đó là 0 giờ 35 phút nên tôi bảo cháu ngủ đi, muộn rồi. Cậu ấy đáp: “Cháu ngủ không được, vì mỗi bước đi trong cuộc đời cháu đều có bóng hình của bác…”
Khoảng 3 - 4 ngày sau, có người gửi cho tôi bức hình “Thầy ơi, cũng chỗ này thầy ngồi ăn nhưng bây giờ không thấy thầy, bọn em rất buồn”.
Tôi được biết sau khi tôi ra cổng, lên xe đi luôn để lòng mình bình tâm lại, mọi người vẫn đứng đó bịn rịn mãi. Một lúc sau trời đổ mưa thì mọi người trở về khoa phòng làm việc.
Những hình ảnh đó có ý nghĩ như thế nào với ông?
- Trong cuộc đời, tôi có nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý mà tôi trân trọng: Thầy thuốc Nhân dân, Giáo sư, Bác sĩ cao cấp, Anh hùng lao động, Vinh Quang Việt Nam được 2 lần năm 2012 và năm 2017, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải nhất Danh tài đất Việt, Công dân Thủ đô ưu tú, nhiều bằng khen…
Nhưng có lẽ cao quý hơn cả là tình cảm chân thành của bệnh nhân, học trò, nhân viên dành cho tôi. Cảm xúc thực chỉ xuất phát từ chính trái tim mỗi người. Những giọt nước mắt nghẹn ngào, giọng nói thổn thức chính là thước đo tình cảm thật nhất mà mọi người dành cho tôi.
Trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, một Bộ trưởng đến nói với tôi: “Anh ạ, nghĩ cho cùng, cuộc đời của mỗi người cũng là phấn đấu để được như anh!”
Khá nhiều người xem lại phần chia sẻ cuộc chia tay ấy, ngạc nhiên khi thấy cán bộ nhân viên của Viện cùng hô vang “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công thành công đại thành công!, Giáo sư có thể chia sẻ về điều này?
- Cả đêm 1/10, tôi nằm suy nghĩ không biết ngày mai mình sẽ nói những gì khi mà lòng mình và có lẽ cả anh em cũng có rất nhiều cảm xúc, nhiều điều muốn nói. Nếu để anh em đứng lâu quá thì không nên vì còn phải dành thời gian làm việc.
Tôi suy nghĩ mãi và cuối cùng bật ra ý tưởng: Chúng tôi sẽ cùng hô lời dặn Bác Hồ đã viết trong Di chúc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công, thành công, đại thành công!”. Chỉ cần thế và không nói gì thêm, bởi trong 14 năm 6 tháng làm Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ tôi đã nói hết rồi, trước khi nghỉ hưu thì cũng đã cắt đặt, sắp xếp đầy đủ hết rồi.
Tôi nghĩ, trong những năm tháng tôi làm Viện trưởng và cả những thế hệ Viện trưởng trước, Viện đã luôn phát huy tinh thần đoàn kết và đã thành công.
Tôi mong sau khi tôi nghỉ hưu, Viện sẽ bước sang một giai đoạn mới, không phải là giai đoạn của tôi nữa, mà là giai đoạn của các anh em hiện nay. Tôi đã nói với toàn thể cán bộ nhân viên trong Viện là: Thời kỳ tôi làm viện trưởng này có rất nhiều thành công, nhưng không được phép coi đây là thời kỳ đỉnh cao nhất.
Tôi mong thế hệ tiếp theo, trong thời gian tới, các bạn sẽ đoàn kết hơn nữa và sẽ có thành công hơn nữa, “đại đoàn kết” và để có “đại thành công”. Lời chia tay đó tuy ngắn nhưng chứa đựng tất cả những mong muốn, suy nghĩ, gửi gắm của tôi tới tập thể Viện.
Vậy điều gì khiến Giáo sư tự hào trong quãng thời gian giữ cương vị Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TƯ?
- Trong thời gian 14 năm 6 tháng làm Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu TƯ, chúng tôi đã xây dựng được một tập thể đoàn kết, thống nhất và làm được nhiều việc có ý nghĩa. Trong suốt khoảng thời gian đó, tất cả chúng tôi đã lớn lên. Mỗi người đều trưởng thành hơn về mặt phẩm chất, tích luỹ được thêm kinh nghiệm, giá trị và uy tín của mỗi người cũng tăng lên.
Khi Viện Huyết học và truyền máu TƯ tách khỏi Bệnh viện Bạch Mai, số cán bộ nhân viên “đi theo” tôi ra cơ sở mới chỉ có 86 người. Nhưng đến ngày tôi rời Viện, số cán bộ, nhân viên đã là 922 người. Cơ sở vật chất thay đổi, số giường bệnh tăng lên gần gấp 3 lần. Chúng tôi đã đưa được nhiều kỹ thuật mới vào điều trị ung thư máu.
Tôi hài lòng với tất cả. Những hoạt động chuyên môn về vận động hiến máu, truyền máu, về sàng lọc điều trị cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh, bệnh máu khó đông, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học được đẩy mạnh.
Mỗi năm, chúng tôi hoàn thành ít nhất 40 - 60 đề tài cấp cơ sở, thường xuyên làm 6 - 7 đề tài cấp Bộ và 3 đề tài cấp Nhà nước được thực hiện. Viện tổ chức ít nhất 3 kỳ hội nghị khoa học lớn, hàng chục cuộc Hội thảo và nhiều Hội nghị quốc tế mỗi năm.
Giáo sư chia sẻ, mọi thành công ông có được đều là nhờ mọi người…
- Một điều khác khiến tôi tự hào là chúng tôi có trách nhiệm với nhau. Người thủ trưởng cần có trách nhiệm với nhân viên và nhân viên có trách nhiệm với thủ trưởng.
Tôi để tâm tới mọi lời nói của nhân viên mới mình. Mỗi lời nói đó gần như là một mệnh lệnh với tôi. Tôi lắng nghe, tiếp thu, vấn đề nào giải quyết được ngay là tôi giải quyết luôn, còn có những vấn đề chưa giải quyết được ngay thì nó cũng vẫn nằm trong đầu, để khi nào gặp cơ hội về học tập hoặc có hướng nào đó tốt và phù hợp hơn là có thể bố trí ngay.
Ngược lại, nhân viên có trách nhiệm với tôi trong thời gian tôi làm Viện trưởng. Tôi mang ơn họ. Từ những điều nhân viên làm cho tôi, tôi nghĩ, có những việc mình không làm vì mình sợ nhưng có những việc mình không làm vì mình thương cấp trên của mình.
Tôi nghĩ một trong những điều khiến tôi thành công vì tôi biết sợ, đặc biệt là biết sợ sai. Tôi luôn nhắc anh em trong đơn vị phải biết sợ, không bao giờ được chủ quan. Tôi hoàn toàn có lòng tin với nhân viên của mình.
Trong suốt 14 năm 6 tháng làm Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TƯ, Giáo sư đều đặn thức dậy từ 5h30 sáng để chuẩn bị đi làm. Ông bắt đầu ngày đầu tiên sau khi nghỉ hưu như thế nào?
- Ngày 29/9/2017 là ngày làm việc cuối cùng của tôi tại Viện. Sáng ngày 2/10, tôi xin phép đến Viện để làm hai việc là cho phép tôi dự buổi chào cờ của Viện và bàn giao phòng làm việc. Tôi có ý định tới Hoà Bình – nơi có Công viên di sản các nhà khoa học Việt Nam để nghỉ ngơi 1 tuần.
Khi clip ghi lại hình ảnh ngày tôi chia tay Viện được chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều người gọi điện và nhắn tin cho tôi. Điện thoại của tôi rung liên hồi. Đêm đầu tiên tại đó, tôi không ngủ được vì những tin nhắn mà mọi người gửi đến. Tôi chỉ ở Hoà Bình 1 đêm rồi trưa hôm sau lại về Hà Nội luôn.
Không còn quá bận rộn vì công việc nhà nước, quỹ thời gian Giáo sư dành cho gia đình gần 5 tháng qua thay đổi ra sao?
- Tôi phần nào có chút may mắn trong việc lấy vợ và nuôi dạy con. Một trong những điều khiến tôi hạnh phúc là trong suốt 35 năm nay, tôi hài hoà được mọi điều trong cuộc sống. Thời gian tôi dành cho gia đình vẫn không có gì thay đổi, chỉ khác là gia đình chúng tôi hiện tại làm cùng trong một công ty.
Giáo sư không dùng roi vọt để dạy con, thay vào đó ông chính là tấm gương để con trai mình noi theo. Ông đã lặng lẽ ở bên và dõi theo từng diễn biến cuộc đời của con trai mình như thế nào?
- Cả đời tôi chỉ dạy con trai Trí Anh vài câu. Khi còn nhỏ, mỗi ngày khi con đi học, tôi đều thơm con một cái và động viên: “Cố gắng học con nhé!”. Khi con lớn, tôi nhắn nhủ: “Con phải học để phục sự đất nước, phụng sự Tổ quốc con nhé!”.
Khi con sang Singapore du học, tôi căn dặn: “Con đi rồi về nhé, đừng ở lại nước ngoài làm việc, ba mẹ nhớ con!”. Khi con đi Australia học Thạc sĩ, tôi lại dặn: “Học cho tốt để phục vụ đất nước con nhé!”.
Hiện tại, khi con trai Trí Anh đã có gia đình riêng, sự nghiệp ổn định, Giáo sư còn tiếp tục dạy con trai những bài học đó không hay ông đã hoàn toàn yên tâm?
- Bây giờ, khi con trai Nguyễn Trí Anh đang điều hành cả công ty Medlatec, tôi chỉ dặn con: “Hết sức quan tâm đến mọi người con nhé!”.
Trong cuộc đời của mình, người vợ gốc Huế có ảnh hưởng như thế nào tới Giáo sư?
- Vợ tôi không bao giờ gây áp lực cho tôi. Và tôi không có yêu cầu gì hơn ngoài việc tối về nhà có cơm ăn. Mỗi ngày, vợ đều chờ tôi về dù muộn thế nào. Trong lúc tôi cất đồ thì vợ làm thức ăn từ nguyên liệu đã được chuẩn bị. Có hôm sớm thì chúng tôi cùng ăn với nhau, hôm muộn thì bà ấy ngồi cạnh tôi. Nếu thấy tôi ăn sắp xong mà vẫn còn thức ăn thì vợ lại bảo anh ăn tiếp đi. Ngồi bên cạnh, thi thoảng vợ lại nhẹ nhàng xoa dọc sống lưng tôi.
Tôi ăn cơm xong thì vợ cất dọn. Sau đó, vợ tôi xem tivi còn tôi về phòng làm việc, 0 giờ lên giường ngủ... Mỗi ngày, những gì chúng tôi nói với nhau có khi chỉ là “Chào em, anh đi làm”, “Chào em, anh đã về”, “Trí Anh đã về chưa em?”. Cuộc sống của chúng tôi cứ nhẹ nhàng như thế.
Vậy còn những khi thấy ông mệt mỏi, vợ giáo sư có sự chia sẻ như thế nào?
- Vợ tôi là một người biết cách lắng nghe và chia sẻ. Mọi điều tôi kể, vợ tôi đều chăm chú lắng nghe nhưng có cách chia sẻ riêng của bà ấy, ví như khi thấy tôi căng thẳng công việc, vợ tôi chỉ nhẹ nhàng: “Về nhà rồi thì đừng nói chuyện công việc cơ quan nữa…” Bà ấy tuyệt đối không can thiệp vào chuyện cơ quan mà tôi làm việc.
Xin cảm ơn Giáo sư về những chia sẻ của ông! Nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Gia Đình Mới xin gửi tới GS những lời chúc tốt đẹp nhất và mong GS luôn khoẻ mạnh để mang lại hạnh phúc cho nhiều người hơn nữa!