Giáo dục: Tuyệt vời nhất = Đơn giản nhất

Đó là tiêu đề cuốn sách về các phát hiện giáo dục được tác giả Doãn Kiến Lợi viết ra bằng tình yêu của một người mẹ, sự chân thành, tâm huyết của một người thầy và lương tri của một học giả.

Cuốn sách là sự đơn giản hóa các vấn đề giáo dục, qua đó giúp các bậc cha mẹ ý thức được rằng, hóa ra giáo dục lại đơn giản như thế, bản thân mình cũng có thể trở thành chuyên gia giáo dục.

"Giáo dục: Tuyệt vời nhất = Đơn giản nhất" bao gồm 6 chương. Mỗi chương là một vấn đề lớn mà đại đa số trẻ nào cũng gặp như ăn, ngủ, mè nheo, chán học, chơi game,… giúp các bậc cha mẹ dễ tiếp cận và áp dụng trong đời sống hàng ngày.

Cuốn sách được coi là có nhiều phát hiện mới trong cách nuôi dạy con

Đồng thời, cuốn sách còn đưa ra chỉ dẫn cho các bậc cha mẹ giúp con tự lập, tự tin, vui vẻ và hạnh phúc với việc học, việc hình thình thói quen tốt, từ đó giúp trẻ không ngừng tiến bộ.

Bên cạnh đó, "Giáo dục: Tuyệt vời nhất = Đơn giản nhất" còn cảnh tỉnh các bậc phụ huynh trước những vấn đề trẻ dễ gặp phải trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như vũ bão và chỉ ra cách giúp cha mẹ đồng hành với sự phát triển của con.

Giáo dục hà khắc là giáo dục nguy hiểm

“Giáo dục hà khắc” là cụm từ để chỉ hành vi “giáo dục bằng roi vọt, trừng phạt và lời sỉ nhục nhằm cải tạo vị thành niên”. Theo tác giả Doãn Kiến Lợi, tuy rằng có mục tiêu tốt nhưng đây là phương pháp giáo dục “không tôn trọng trẻ”, “không thấu hiểu tâm lý của trẻ” và “không phù hợp với nhân tính” nên kết quả đó chỉ là hành vi phá hoại mà không đạt được mục đích giáo dục.

Bởi trẻ em rất yếu đuối, trong quá trình trưởng thành, trẻ chỉ cần sự khích lệ, không muốn sự trừng phạt, mọi cách đối xử hà khắc đều dễ gây tổn thương cho trẻ. Vì vậy, “cha mẹ không những cần buông cái roi trong tay xuống, mà còn phải buông cái roi trong lòng”.

Thông qua những câu chuyện điển hình về hậu quả của “giáo dục hà khắc”, tác giả cuốn sách chỉ ra cho các bậc cha mẹ thấy rõ sự nghiệm trọng của hành vi giáo dục này. Nó không chỉ là việc phơi bày hiện thực giáo dục mà còn là lời cảnh tỉnh những người đã, đang và sẽ đứng trên cương vị người làm cha, mẹ.

Một thực tế được tác giả cuốn sách chỉ ra, giáo dục học và tâm lý học đã có những nghiên cứu đầy đủ về tác hại do giáo dục hà khắc đưa ra, nhưng đến nay con người vẫn chưa cảnh giác trước mức phá hoại của giáo dục hà khắc.

“Những đứa trẻ thường xuyên bị yêu cầu quá cao cũng học được cách sống hà khắc. Những đứa trẻ thường xuyên bị đánh sẽ học được cách sống thù hận. Những đứa trẻ thường xuyên bị phê bình rất dễ trở nên tự ti. Những đứa trẻ thường xuyên bị kiểm soát, hạn chế sẽ ngày càng trở nên cứng nhắc, cố chấp…”.

Giáo dục hà khắc là giáo dục nguy hiểm

Theo bà Doãn Kiến Lợi, bản thân giáo dục hà khắc cũng là một kiểu làm gương, nếu người lớn thường xuyên phê bình và đánh mắng con trẻ thì không thể bồi dưỡng cho trẻ sự thân thiện và tính cách ôn hòa. “Cái gọi là “giáo dục hà khắc” thực chất không liên quan gì đến giáo dục, nó chỉ là một tấm vải che cho một khiếm khuyết trong tính cách nào đó của người lớn”.

Cũng theo tác giả, mọi chuyện phải được áp dụng biện pháp phù hợp mới đem lại hiệu quả tốt nhất. Trong giáo dục càng phải như vậy, “tôn trọng trẻ là một quy tắc của tự nhiên, cũng là mệnh lệnh của thần linh, là quy tắc cơ bản nhất trong giáo dục”.

Sự giáo dục hà khắc cuối cùng chỉ khiến trẻ tự ti, nóng nảy hoặc nhu nhược, gây ra cho trẻ nhiều vết thương khó lành. Vì vậy, “cho đây là giáo dục nguy hiểm không có gì là thái quá”.

3 báu vật cha mẹ cần tặng con từ góc độ giáo dục

Theo tác giả Doãn Kiến Lợi, trong thời đại phát triển như vũ bão, các cha mẹ cần tặng cho trẻ ba báu vật đáng tin cậy để đảm bảo cho hạnh phúc, sức khỏe và cuộc đời của trẻ.

Báu vật thứ nhất là “đọc sách”. Việc đọc sách không những giúp trẻ phát triển trí tuệ mà còn giúp nuôi dưỡng phẩm chất tâm lý của trẻ. Những cuốn sách hay với các giá trị chân thiện mỹ, sẽ luôn ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ.

Báu vật thứ hai là “tự do”. Sự “tự do” ở đây không có nghĩa là dung túng, bỏ mặc, mà đồng nghĩa với việc cha mẹ trao cho trẻ “ba quyền”: Quyền lựa chọn, quyền thử nghiệm và quyền được phạm lỗi”. Bởi theo bà, con người trước hết phải được tự do, sau đó mới có khả năng trở thành người tự giác.

Báu vật thứ ba là “tấm gương tốt”. Cha mẹ trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong gia đình hoặc ngoài xã hội đều phải là tấm gương tốt cho con. Mối quan hệ giữa cha mẹ con cái chính là “cuốn sách giáo khoa trực tiếp nhất và hiệu quả nhất, những điều bạn có thể dạy con đều được viết hết trong đó”.

Như Nhà giáo dục John Dewey từng nói: “Mọi mục đích tối cao của giáo dục là hình thành tính cách”. Và trong cuộc đời mỗi người, không có người thầy nào quan trọng hơn cha mẹ.

Tuy nhiên Doãn Kiến Lợi, không phải cứ sinh con là biết làm cha mẹ, “trong xã hội hiện đại, muốn làm cha mẹ bắt buộc phải học tập, phải có sự chuẩn bị đích thực của giáo dục là hoàn thiện bản thân”.

Việc lựa chọn phương pháp giáo dục tốt nhất, để con trở thành người có sức khỏe, tâm hồn hài hòa và có ích cho xã hội là tài sản quý giá nhất mà các bậc cha mẹ đều có khả năng dành tặng con.

Tác giả Doãn Kiến Lợi là chuyên gia giáo dục, thạc sĩ giáo dục, nhiều năm làm công tác giảng dạy, hiện chủ yếu làm công tác tư vấn và nghiên cứu giáo dục gia đình.

Tác giả hiểu rất tõ hoạt động trong nhà trường, nghiên cứu rất sâu về giáo dục gia đình, đồng thời là một người mẹ nuôi dạy được một cô con gái rất xuất sắc.

Thục Linh


Tin liên quan