Dùng sách giáo khoa thế nào để tránh lãng phí?

Thực tế cho thấy sách giáo khoa cũ vẫn được sử dụng lại bởi các lớp học sinh.

Học xong một lần rồi thôi

Chị Thu Trang (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Mỗi năm, chị chi khá nhiều tiền để mua sách vở cho 2 đứa con đang học tiểu học. Sau khi con dùng xong, chị có hỏi để đem cho một số người nhưng không ai lấy. Đứa sau cũng không dùng lại sách của đứa lớn. 

Theo chị, việc học sinh viết thêm vào sách giáo khoa là điều không tránh khỏi và không nên cấm. Việc ghi này có thể là một cách giúp các con học tập tốt hơn. Việc có dùng sách cũ hay không phụ thuộc vào nhu cầu của người sử dụng.

Tại nhiều nhà trường, mỗi một quyển sách giáo khoa yêu cầu đi kèm ít nhất một sách bài tập, chỉ dùng một lần rồi bỏ. Nhiều người cho rằng, vì sách giáo khoa cũng có thể viết lời giải, trả lời câu hỏi trực tiếp vào sách nên không thể dùng lại.

Đến nay, đã vào chương trình chính thức nhưng nhiều học sinh vẫn chưa có sách để học.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Liên quan đến thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội về việc thực hiện chương trình phổ thông mới từ năm 2000 đến nay, sách giáo khoa hiện hành vẫn đang được triển khai.

Chia sẻ về thực trạng sử dụng sách giáo khoa, Thứ trưởng Độ cho hay, trong chuyến công tác lên Lai Châu vừa qua, ông thấy sách giáo khoa cũ vẫn được sử dụng lại bởi các lớp học sinh.

Liên quan tới vấn đề dư luận quan tâm là sách chỉ sử dụng 1 lần, Thứ trưởng Độ khẳng định đó chỉ là sách bài tập, sách tham khảo.

Giải thích thêm về việc sử dụng sách tham khảo, Thứ trưởng Độ cho biết: Sách giáo khoa là sách riêng, đảm bảo có sự luân truyền lâu dài. Sách tham khảo tùy theo từng điều kiện, các gia đình, nhà trường có thể lựa chọn.

Việc lựa chọn sách tham khảo do Thủ trưởng, Hiệu trưởng các nhà trường sẽ quyết định sử dụng sách nào phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng địa phương. Bộ cũng chỉ đạo, yêu cầu các sách tham khảo viết trực tiếp vào trong bài là không nên.

Giá bán sách giáo khoa vẫn được giữ như những năm học trước

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã tổ chức 2 tháng cao điểm phát hành sách giáo dục gồm Tháng phát hành sách phục vụ hè bắt đầu từ ngày 20/5 đến ngày 20/6. Sau đó là Tháng phát hành sách phục vụ khai giảng năm học mới bắt đầu từ ngày 20/7 đến ngày 20/8. 

Đến ngày 15/8 đã có trên 100 triệu bản sách giáo khoa được phát hành trên cả nước, đạt 102% kế hoạch, đảm bảo cung ứng đầy đủ, ổn định thị trường sách giáo dục, chuẩn bị cho năm học mới 2018-2019.

Bảng giá sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 của năm học 2018-2019 được niêm yết tại các cửa hàng sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các công ty Sách-Thiết bị trường học cả nước và trên webiste của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tại địa chỉ: www.nxbgd.vn.

Để tránh mua phải sách in lậu, sách giả, phụ huynh và học sinh nên mua sách tại cửa hàng, siêu thị của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và của Công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương. 

An Vy /giadinhmoi.vn

Tin liên quan