Điểm Facebook Bác sĩ ngày 2/3: Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có xứng đáng là giáo sư hay không?

Mới đây, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước tạm giữ hồ sơ giáo sư của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến để xem xét lại. Bác sĩ Trần Văn Phúc đã chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề này.

 Bác sĩ Trần Văn Phúc, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Xanh Pôn

"BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ CÓ ĐỦ TIÊU CHUẨN LÀM GIÁO SƯ?

Khi mỗi thành viên trong cộng đồng chỉ nhìn nhận sự việc theo ý chủ quan, thì cộng đồng đó sẽ không chấp nhận có nhiều giáo sư, kể cả giáo sư rởm lẫn giáo sư đích thực.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có xứng đáng là giáo sư hay không?

Tìm trên báo chí và mạng xã hội, tôi thấy câu hỏi này đang có rất nhiều người quan tâm và không khó để họ đưa ra câu trả lời. Nhưng với tôi thì đây không phải là một câu hỏi dễ trả lời.

Vì thế mà tôi phải tìm đến các công cụ định lượng như hệ số trích dẫn và chỉ số H-index của các công trình nghiên cứu khoa học, thông qua hai công cụ là Google Scholar và Scopus Preview.

Đầu tiên, tôi xem các quốc gia như Anh, Mỹ, Canada, Thụy Điển… để xem họ xếp loại các giáo sư hàng đầu thế giới có chỉ số H-index là bao nhiêu? Ví dụ Trường Đại học Russell ở Anh, có 88 giáo sư được coi là xuất sắc, thì chỉ số H-index của họ dao động từ 18 – 28. Và các giáo sư hàng đầu thế giới, H-index sẽ từ 30 trở lên.

Tôi tìm tiếp các giáo sư y khoa trong tốp 1000 người đứng đầu thế giới, thì chỉ số H-index dao động từ 56 – 171. Đương nhiên, nước Mỹ chiếm đa số, còn Việt Nam không có ai.

Đứng đầu trong tốp 1000, đó là giáo sư y khoa Anil K. Jain thuộc Đại học Michigan State của Mỹ, với hệ số trích lần trích dẫn các công trình nghiên cứu là 173,799 và chỉ số H-index là 171. Ông cũng là nhà khoa học số 1 của nước Mỹ ở thời điểm hiện tại.

Đứng thứ 1000 là giáo sư y khoa Wolfgang Heidrich thuộc Đại học University of British Columbia của Canada. Số lượt trích dẫn các bài báo khoa học của ông là 11,583 và chỉ số H-index là 56. Gs Heidrich là nhà khoa học xếp hạng thứ 40 ở đất nước Canada.

-----------------------------------

BỘ TRƯỞNG NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

Họ và tên: Nguyễn Thị Kim Tiến

Địa chỉ: Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh

Số ID: 7006532811

Lĩnh vực nghiên cứu: Y học, Miễn dịch học và Vi sinh vật, Sinh học, Di truyền học và Sinh học phân tử.

Số bài báo công bố: 16

Địa chỉ đăng bài: ở 10 tạp chí uy tín thế giới như New England Journal of Medicine.

Thời điểm công bố bài báo đầu tiên: 1999

Số lượt trích dẫn: 2476 (trích dẫn nhiều nhất 947 lượt).

H-index: 13

------------------------------

Để đánh giá một giáo sư hay một nhà khoa học, không phải là cách mang thước ra đo chiều cao của chồng bản thảo các công trình nghiên cứu; mà một trong những cách hợp lí hơn cả vẫn là sử dụng hệ số trích dẫn và chỉ số H-index.

Ở Thụy Điển, một giáo sư khoảng 55 tuổi, có thời gian nghiên cứu khoa học từ 12 – 15 năm, để được coi là giáo sư giỏi, thì họ phải có khoảng 30 công trình nghiên cứu được công bố trên các tạp chí quốc tế, H-index cũng dao động từ 12 – 15.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bắt đầu công bố bài báo đầu tiên từ năm 1999, cho đến khi giữ chức bộ trưởng là năm 2011, thì thời gian đầu tư cho nghiên cứu khoa học trong khoảng 12 năm, với 16 công trình nghiên cứu được công bố, hệ số trích dẫn 2476, H-index là 13.

Những con số ấy cho biết 2 điều: một là năng suất nghiên cứu của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chưa cao, với bằng chứng là chỉ có 16 bài báo công bố; hai là hiệu suất nghiên cứu rất tốt, bằng chứng là chỉ số H-index lên tới 13. Chỉ số H-index này cũng là con số phấn đấu của nhiều giáo sư các trường đại học trên thế giới.

Bài liên quan

Trái tim nhỏ bé

Bác sĩ Lê Tuấn Thành, Viện Tim mạch Việt Nam 

"Ám ảnh, đó là những gì trong tôi suốt từ trưa ngày hôm qua đến giờ.

Bé trai 4 tuổi. Nằm lên giường bệnh là sợ hãi la hét. Mẹ bé thương con cũng vừa rơm rớm khóc vừa dỗ dành.

Tôi thích tạo cảm giác gần gũi với trẻ nhỏ để các bé yên tâm hợp tác, nên thường chấn an các cháu: để bác cho cháu xem phim hoạt hình nhé! Rồi đặt đầu dò, quay màn hình cho bé xem quả tim động đậy. Các cháu sẽ ngay lập tức nín khóc và tò mò nhìn cái gì đang động đậy.

Vừa nhìn quả tim bé, tôi khựng lại. To quá. Tim của một đứa bé 4 tuổi không như thế này. Quả tim đập lờ đờ yếu ớt trong cơ thể một đứa bé mới chỉ 4 tuổi. Tôi đã phải mất một vài phút để kìm nén cảm xúc, bởi cháu bé quá đáng yêu, quá nhỏ bé, so với những gì cháu phải đối mặt.

Bé cố lên nhé. Luôn là một thiên thần khi còn có thể nhé. Bác cũng sẽ cố gắng như vậy, dù da bác không được giống thiên thần lắm".

Bài liên quan

Mua thuốc ở nước ngoài khó hay dễ?

Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai:

"Hôm qua, ông bạn của mình từng học tập ở Úc nhiều năm kể lại, rằng luật ở Úc rất nghiêm, nhất là đối với viêc mua bán thuốc chữa bệnh, rượu bia và thuốc lá.

Có lần, ông bạn và 6 người nữa rủ nhau đi nhậu, nói là đi nhậu thôi chứ thực ra là rủ nhau đi dạo và mua bia về nhà uống. Bốn người ở ngoài cửa, ba người bước vào cửa hàng mua bia.

Măc dù ba người đã trình đủ hộ chiếu cho chủ cửa hàng, nhưng ông chủ nhất định không bán bia cho. Ông ấy nói nếu muốn mua bia thì chúng mày phải gọi cả bốn thằng ngoài cửa kia vào đây, trình đủ hộ chiếu ra, nếu tao thấy bất cứ thằng nào ít hơn 18 tuổi thì xin mời chúng mày biến, không có mua bán gì hết.

Đấy là bia rượu, đối với thuốc chữa bệnh thì quy định còn ngặt nghèo hơn nhiều. Không đi khám bệnh, không có đơn thuốc, đơn thuốc không rõ ràng, nhất là đối với trẻ em thì phải ghi rõ số tháng tuổi, hơn nữa phải ghi rõ tên tuổi, số căn cước công dân, địa chỉ, thậm chí nghề nghiệp của cha mẹ, người giám hộ... của đứa trẻ và rất nhiều thủ tục nhiêu khê khác... thì mới hy vọng mua được thuốc".

Bài liên quan

Được sự đồng ý của các bác sĩ, Gia Đình Mới đăng tải lại những chia sẻ trên Facebook cá nhân như một nhật ký mỗi ngày của những người đang hàng ngày, hàng giờ đang làm công tác cứu người. 

Bởi ngày nay, Facebook cá nhân đã trở thành một phương tiện truyền thông mở để các bác sĩ, những người làm ngành y thể hiện quan điểm cũng như kết nối với người bệnh.

Mục Điểm Facebook Bác sĩ được ban biên tập mở nhân dịp 27/2 với hy vọng đem lại nhiều góc nhìn hơn về cuộc sống của bác sĩ, tâm tư, tình cảm cũng như những suy nghĩ về cuộc sống, về cả người bệnh. Mong bạn đọc đón nhận!

Diệp Ngân/giadinhmoi.vn

Tin liên quan